EU còn nhiều thách thức nhưng không ít tự hào

Ngày 25 tháng 3 tới, các nước Liên hiệp châu Âu (EU) sẽ tập trung tại Roma (Ý) để kỷ niệm 60 năm Ngày ký các Hiệp ước Roma (1957-2017), đặt nền móng cho việc thành lập EU ngày nay.

Từ sáu quốc gia Tây Âu ban đầu gồm: Đức, Bỉ, Pháp, Ý, Luxembourg và Hà Lan vào ngày 25-3-1957 đã ký các Hiệp ước thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (CEE) còn được gọi là Thị trường chung (Common Market) và Cộng đồng điện nguyên tử châu Âu CEEA/Euratom- để bảo đảm việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho các mục đích hòa bình (hay còn gọi chung là Công ước Rome). Sau 60 năm không ngừng phát triển, ngày nay EU đã có 28 thành viên, tuy nhiên Anh đang trong quá trình rời khỏi EU sau khi trưng cầu dân ý ngày 23-6-2016. Chính phủ Anh thông báo vào ngày 29-3 tới sẽ chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để bắt đầu đàm phán rời khỏi EU (Brexit). Quá trình này sẽ diễn ra trong khoảng hai năm.

Với các Hiệp ước được thông qua, ngày nay các thành viên EU chia sẻ một liên minh thuế quan, một thị trường duy nhất trong đó hàng hóa, dịch vụ, con người và vốn di chuyển tự do (bốn quyền tự do); một chính sách thương mại chung; chính sách nông nghiệp chung; và đồng tiền chung (đồng euro), được 19 quốc gia thành viên sử dụng (eurozone).

22 nước thành viên EU tham gia vào khu vực Schengen về tự do đi lại. Đối với công dân nước ngoài chỉ cần có visa của một trong các nước tham gia là được phép đi lại trong toàn bộ khu vực Schengen. Ngoài ra, EU đã có những bước phát triển về chính sách đối ngoại và an ninh chung.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, hiện tại EU đang phải đối mặt với một loạt các áp lực về chính trị và kinh tế, bao gồm tăng trưởng chậm và tỷ lệ thất nghiệp cao ở nhiều nước EU, sự phát triển không đồng đều giữa các nước trong khối, những phong trào cực hữu, những đảng dân túy đang trỗi dậy trên khắp châu Âu cùng sự chia rẽ về chính trị ngày một gia tăng; vấn đề người di cư tràn đến châu Âu lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, mối đe dọa khủng bố gia tăng gây rủi ro cho khu vực Schengen về tự do đi lại, khủng hoảng nợ của Hy Lạp kéo dài gây lo ngại cho khu vực eurozone và đặc biệt là vấn đề hiệu ứng Đô-mi-nô Brexit xảy ra...

Trả lời phỏng vấn trên tờ Trái tim châu Âu về 60 năm hình thành và phát triển của EU, ông Pierre Moscovici, Cao ủy phụ trách các vấn đề kinh tế của EU cho biết: Tuy là lễ kỷ niệm 60 năm nhưng châu Âu là một cộng đồng còn rất trẻ. Cộng đồng châu Âu là một tổ chức chính trị quốc tế mới, đa quốc gia. Sau 60 năm thành lập, EU vẫn còn đang trong quá trình xây dựng và vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn. Có ý kiến cho rằng, do cộng đồng có quá nhiều quốc gia, một số ý kiến khác lại cho rằng trong cộng đồng không bình đẳng, dân chủ giữa các thành viên…

Hiện nay EU đang có xu hướng chủ nghĩa dân túy, chúng ta cần đặt ra các mục tiêu rõ ràng cho các vấn đề cấp bách hiện nay. Theo ông Pierre Moscovici, có ba điều cần cải thiện gồm: các chế độ thuế quan bảo hộ, dân chủ giữa các nước thành viên và hiệu lực của các chính sách kinh tế. Cần có một châu Âu đoàn kết hơn trên các phương diện: quốc phòng, bảo hiểm xã hội, bảo vệ đồng tiền chung châu Âu Euro. Nếu đứng trước các thách thức, người dân EU lùi bước, nghe theo các lời nói xấu của các phe không ủng hộ, cộng đồng châu Âu sẽ suy yếu và dễ sụp đổ. Chúng ta không thể để Liên hiệp châu Âu sụp đổ như Hội Quốc liên (SDN).

Theo ông Pierre Moscovici, có hai vấn đề kinh tế chính trị quan trọng mà EU cần phải giải quyết. Thứ nhất là đồng euro là phương thức trao đổi của thị trường chung và cũng là phương pháp bảo hộ và ổn định nền kinh tế. Cộng đồng châu Âu đã đạt được các mục đích kinh tế, và cũng tại đó mà các nước thành viên vẫn tin tưởng vào đồng tiền chung, tuy vẫn có một số ý kiến bất đồng. Thách thức trước mắt là làm sao cho thị trường kinh tế chung này trở nên năng động hơn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế châu Âu. Đó là vì sao, cộng đồng châu Âu xem xét lập ra Bộ Tài chính chung, từ đó đề ra ngân sách chung cho các nước thành viên.

Thứ hai, đó là thành lập các nước thành viên Schengen, cho phép mở cửa biên giới giữa các nước trong khối. Biên giới mở không có nghĩa là không an toàn ổn định. Nếu đóng cửa biên giới sẽ là bước đi thụt lùi của EU.

Điều ông Pierre Moscovici mong muốn là trong năm 2017 tìm được thêm nhiều tiếng nói từ những người ủng hộ để bảo vệ cộng đồng EU. Điều này là vô cùng quan trọng vì trong năm nay diễn ra các cuộc bầu tại Đức, Pháp, Ý, Hà Lan. EU sẽ khó có thể vượt qua các vấn đề về môi trường hay gánh nặng nhập cư hay các vấn đề khác nếu không đoàn kết từ lúc này. Chúng ta phải cho mọi người thấy rằng cộng đồng EU đang là giải pháp tốt và mọi người đều hưởng lợi nếu có một cộng đồng EU ổn định vững mạnh và thịnh vượng. Do đó, những người ủng hộ hãy tự hào về EU.

Nhiều người cho rằng, biết đâu những khó khăn hiện nay EU đang đối mặt có thể tạo ra một số cải cách có lợi cho EU, khuyến khích việc hội nhập chính trị và kinh tế hơn nữa và cuối cùng biến khối này thành một thực thể có hiệu quả và gắn kết hơn khi sắp tới còn lại 27 thành viên.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/32400202-eu-con-nhieu-thach-thuc-nhung-khong-it-tu-hao.html