Ép duyên trẻ, cấm duyên già: Những chuyện khó tin thời hiện đại

(Đời sống) - Vì vô vàn lý do đầy lý trí, hay đơn giản chỉ vì lòng tham, danh dự, họ sẵn sàng can thiệp thô bạo vào chuyện yêu đương của người khác.

Những vụ án rúng động khi đàn ông lên cơn cuồng ghen Bệnh lười trong tình dục

Nhắc đến chuyện ép duyên hay “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó” tưởng như đang nghe kể chuyện cổ tích của bao năm về trước. Thế nhưng vẫn còn đó những đôi nam nữ yêu nhau đã phải ngậm ngùi vì sự can thiệp quá sâu của cha mẹ.

Hạnh phúc thường không đến với những chuyện tình ép buộc

Ở những làng quê nghèo khó, không hiếm những cô gái mơn mởn tuổi xuân thì bị ba mẹ ép gả cho một anh gù, thọt, già khú mà chưa một lần được gặp mặt. Cái lý do đắng chát được đưa ra là: “Nó là Việt kiều Mỹ, kinh tế vững vàng, biết làm ăn. Mày cưới rồi đổi đời sau này còn lo cho cha mẹ, em út”. Không hiếm cô dâu trẻ cưới chồng mà chỉ qua điện thoại, tấm hình chân dung gửi về. Đến gần ngày cưới, gặp chồng mà xém bật ngửa vì chồng vừa gù, vừa thọt đi còn không vững.

Không quá công khai bắt buộc, gả bán cho một người xa lạ, giàu có nào đó; nhưng chuyện ngăn cấm không cho yêu người này, gợi mở quen người khác là chiêu mà nhiều bậc phụ huynh thời @ áp dụng. Ép duyên con thì có muôn vàn lý do: nào là người này gia cảnh không tốt, nghèo quá, xấu quá, không biết cách cư xử,…Vậy nên, cha mẹ ra sức khuyên răn, tỉ tê, giới thiệu một chàng trai khác tốt hơn - theo ý kiến chủ quan và kinh nghiệm sống mình mà không quan tâm đến cảm xúc của con cái.

Thế nên có những đôi trẻ vì ngăn cấm đã cùng nhau tự tử, bỏ đi biệt xứ hay có những hành động dại dột, đáng tiếc. Không hiếm những chàng trai, cô gái vì hiếu nghĩa với mẹ cha mà cả đời không có được hạnh phúc; bỏ xác nơi xứ người.

Trái tim chưa già nhưng bị cấm yêu

Những tưởng chỉ cha mẹ có công sinh thành, dưỡng dục, mới ép uổng chuyện tình duyên của con cái; nhưng cũng không hiếm trường hợp con cái ngăn cản “niềm vui” tuổi già của cha mẹ.

Đời sống ngày càng phát triển, con cháu bận bịu công việc, học hành nên cũng ít thời gian dành cho cha mẹ hơn. Thế nên không hiếm các cụ đơn thân cảm thấy cô đơn, muốn tìm bạn già để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn khi về già. Vì danh dự, vì sợ cảnh phải chia chác tài sản nên khá nhiều trường hợp con cháu ra sức ngăn cản không cho cha mẹ đi thêm bước nữa.

Tình yêu không phải đặc quyền của tuổi trẻ

Mấy ngày gần đây, cộng đồng không khỏi xót xa khi đọc tin tức đôi bạn tuổi 80 co ro gầm cầu đón tết vì bị gia đình “cấm duyên”. Câu chuyện của ông cụ Chu Quang Hậu (sinh năm 1933) chia sẻ khiến không ít người xót xa. Sau khi người vợ già của cụ qua đời, các con lớn khôn, toàn bộ gia sản, đất đai được ông bán và chia đều cho các con, không ai hơn, ai kém.

Sau đó ông về ở với con cả được một thời gian thì quen được bà Nguyễn Thị Hợp (1958) sống lủi thủi một mình. Hai người đến với nhau bằng tình thương, sự cảm thông, chia sẻ nhưng khi vừa hay tin, các con của cụ lại không đồng ý, thậm chí còn nói rằng, nếu ông lấy bà thì sẽ phải tự lo, tự chịu trách nhiệm.

14 năm trôi qua, đôi "vợ chồng" già rời mảnh đất chôn nhau cắt rốn Sơn Tây, lang thang phiêu bạt, khi Hà Nội, lúc Hòa Bình. Công việc của họ là làm mướn, nhặt rác,...Nhưng từ hơn 1 năm nay, chân bà Hợp bị sưng tấy và đau nặng, không đi lại được nên ông trông nom bà, không đi nhặt rác, làm thuê nữa. Giờ đây, hai ông bà quyết định đưa nhau ra khu vực cầu vượt Ngã Tư Vọng sống qua ngày.

Cách đây mấy năm, dư luận xã hội “nổi sóng” khi một trang báo điện tử đăng tải loạt bài về chuyện tình của “nàng 87 và chàng 36”. Thậm chí lãnh đạo địa phương đã phải vào cuộc nhiều lần để tìm hiểu thực hư chuyện tình này. Giàng A Linh, người tình trẻ của cụ bà được đưa xuống Hà Nội, khám tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai và được kết luận không hề mắc bệnh tâm thần.

Năm 2013, cụ bà Hạng Thị Sông bị “nhốt” ở nhà con trai; trong khi đi đó con cụ ái ngại cho rằng: “Khổ lắm nhà báo ơi! Bà mẹ mình già rồi mà vẫn thích trai trẻ, làm xấu mặt cả nhà ta. Nhà ta ngượng với làng bản lắm rồi”.

Nếu ở phương Tây, những câu chuyện trên chẳng có gì để bàn tán, thì ở các nước phương Đông chuyện này vẫn còn là điều nghịch nhĩ với số đông.

Tình yêu ở bất cứ độ tuổi nào cũng có những lý do riêng mà chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ, đừng vì những lý do “hão” mà can thiệp thô bạo vào tình cảm thiêng liêng ấy.

Đã có những điều tra xã hội học cho thấy, ở Việt Nam người trên 50 tuổi rất ngại kết hôn lần nữa, do con cái của họ ích kỷ, do quan niệm lạc hậu của xã hội, và do tâm lý e sợ của chính người già.

Nhiều người con đã quen được cha mẹ thương yêu, chiều chuộng, nên sợ cha hay mẹ có người mới sẽ quên mình. Họ không biết tình yêu nam nữ và tình cảm cha mẹ với con cái không hề loại trừ nhau. Nguyên nhân thứ hai khiến nhiều mối tình già tan vỡ là quan niệm cũ kỹ của xã hội cho rằng các ông già, bà cả mà kết hôn là trái thuần phong mỹ tục. Nguyên nhân thứ 3, nhiều người con còn lo sợ người già tái hôn sẽ làm nảy sinh phiền phức trong phân chia gia sản, sợ phải chăm sóc thêm một người cao tuổi.

Ở tuổi nào, con người ta cũng cần có tình yêu. Nhu cầu được yêu thương, có bạn đời để chia sẻ tình cảm là chính đáng của mọi người. Chỉ cần đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật là họ có quyền kết hôn, và xã hội có trách nhiệm tôn trọng cuộc hôn nhân đó. Đừng hỏi vì sao đã bảy, tám chục tuổi mà còn kết hôn. Người già không có nghĩa vụ phải trả lời câu hỏi ấy.

Lan Anh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/ep-duyen-tre-cam-duyen-gia-nhung-chuyen-kho-tin-thoi-hien-dai-3000973/