Email nội bộ là 'tài sản' của cơ quan

Một người đi mướn nhà trọ thì không thể tự ý đẽo đục, sửa sang nội thất ngôi nhà như đối với nhà riêng của mình mà phải hỏi ý kiến chủ nhà.

Từ vụ KS Tạch kiện Toyota Việt Nam cho rằng công ty này tự tiện đọc hộp thư điện tử cá nhân của ông là xâm phạm quyền riêng tư, một vấn đề được đặt ra: Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có quyền kiểm tra, giám sát hộp email cấp cho nhân viên để phục vụ công việc?

TS luật Nguyễn Văn Tiến (khoa Luật dân sự ĐH Luật TP.HCM) và ThS luật Nguyễn Văn Trí (quận Tân Bình, TP.HCM) đều cho rằng pháp luật chưa có quy định cụ thể về chuyện này. Tuy nhiên, theo hai ông, doanh nghiệp cấp hộp thư điện tử cho nhân viên để phục vụ công việc thì họ có kiểm tra, giám sát nếu thấy người dùng sử dụng hộp thư sai mục đích. Đây không phải là hành vi xâm phạm bí mật đời tư.

Nơi cấp là chủ hộp thư

TS Tiến phân tích: Email nội bộ do doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức cấp cho nhân viên khác với email cá nhân của nhân viên tự lập như Yahoo Mail, Gmail… Bởi với email nội bộ, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức phải bỏ tiền đăng ký, mua tên miền… Họ có toàn quyền quản trị, quyền cấp hay không cấp email cho mỗi cá nhân nhân viên, mục đích cấp cũng là phục vụ cho công việc. Do đó, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức là chủ của email nội bộ, còn nhân viên được cấp email chỉ là người sử dụng.

Nếu thấy cần thiết, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có quyền kiểm tra email của mình đã cấp cho nhân viên. Thậm chí, dù giữa doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và nhân viên không hề có giao kết trước thì ai cũng hiểu rằng mục đích của việc cấp email đó là để trao đổi công việc, gắn với vấn đề chuyên môn, nội bộ. Như vậy, nhân viên phải sử dụng email đúng mục đích này, nếu sử dụng sai mục đích sẽ bị cơ quan chủ quản chấn chỉnh, nhắc nhở.

Đồng tình, ThS Nguyễn Văn Trí bổ sung: Việc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức kiểm tra email nội bộ như một động tác kiểm tra hoạt động chuyên môn của nhân viên. Công việc này được tiến hành dễ dàng vì doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nắm quyền quản trị, trong đó có việc quản lý mật khẩu của hộp thư. Hộp thư email nội bộ là tài sản của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thì việc kiểm tra email cũng được xem là hợp pháp và phù hợp với chức trách. Nếu nhân viên sử dụng hộp thư sai mục đích, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức còn có quyền yêu cầu nhân viên trả lại hộp thư đã cấp hoặc chủ động thu hồi.

Để phục vụ công việc

Bàn thêm, Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) nhận xét: Việc một người sử dụng hộp thư email nội bộ mà cơ quan chủ quản cấp vào mục đích riêng là không ổn, không nên.

Về mặt pháp lý, Thẩm phán Hùng cho rằng pháp luật dân sự quy định cá nhân có quyền được bảo vệ bí mật đời tư, được bảo vệ bí mật thư tín, email, điện thoại… của cá nhân nhưng trong trường hợp cần thiết, cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn có quyền kiểm tra, thu thập. Riêng đối với hộp thư email được doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức cấp, nhân viên không thể coi đó là tài sản cá nhân mà phải sử dụng nó một cách có điều kiện. Nói nôm na giống như việc một người đi mướn nhà trọ thì anh ta không thể tự ý đẽo đục, sửa sang nội thất ngôi nhà như đối với nhà riêng của mình mà phải hỏi ý kiến chủ nhà.

Về mặt đạo đức và quan niệm sống, Thẩm phán Hùng nói: “Người xưa có câu “ăn cây nào rào cây ấy”, ý nói một cá nhân làm trong một tập thể thì anh ta phải có trách nhiệm và bổn phận vun đắp cho sự nghiệp chung. Nếu thấy tập thể mình có gì chưa ổn, có khuyết tật thì với tư cách là thành viên trong đó, anh phải thông báo, góp ý xây dựng cho tập thể sửa chữa. Nếu không đưa được sáng kiến để khắc phục thì cũng không nên bung thông tin ra bên ngoài dư luận, làm ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của tập thể mình”.

Nên có quy định, thông báo

Để chặt chẽ hơn về pháp lý, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức cần quy định rõ về việc sử dụng hộp thư điện tử được cấp của nhân viên (yêu cầu sử dụng vào mục đích gì, cơ quan chủ quản có quyền chủ động kiểm tra, giám sát hay không…) trong nội quy lao động. Nếu không thì khi cấp hộp thư điện tử cho nhân viên, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức cần có thông báo rõ về chuyện này bằng văn bản. Càng làm chặt chẽ bao nhiêu thì càng tránh được khả năng xảy ra những tranh chấp tương tự như của KS Tạch bấy nhiêu.

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG,
Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Toyota Việt Nam cho rằng KS Tạch vi phạm nội quy

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, ngày 4-7 vừa qua, TAND thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) đã xử sơ thẩm, tuyên bác yêu cầu Công ty Toyota Việt Nam phải xin lỗi, cải chính công khai của KS Lê Văn Tạch. Theo tòa, KS Tạch đã vi phạm nội quy lao động, kỷ luật lao động của công ty khi sử dụng email được cấp vào mục đích ngoài công việc.

Trong văn bản gửi cho giới báo chí sau khi phiên tòa trên kết thúc, Công ty Toyota Việt Nam cho biết thực tế trong hợp đồng lao động ký kết giữa Toyota Việt Nam và KS Lê Văn Tạch đã nêu rõ ông Tạch phải tuân thủ các nội quy lao động và quy định của công ty, trong đó có chính sách quản lý và sử dụng máy tính. Cụ thể, điểm 6 và 7 Phần IV trong chính sách quản lý và sử dụng máy tính quy định rõ: “Nghiêm cấm việc sử dụng hộp thư nội bộ không phục vụ mục đích công việc, cấm hoàn toàn việc sử dụng các tài khoản hộp thư cá nhân không do công ty cấp trong công ty. Phòng hệ thống của công ty có toàn quyền kiểm tra, giám sát hoạt động, nội dung của các hộp thư nội bộ của công ty”. Vì vậy, Công ty Toyota Việt Nam cho rằng mình hoàn toàn có thẩm quyền khi truy cập, tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động và nội dung các giao dịch điện tử được thiết lập trên tên miền toyotavn.com.vn, trong đó có cả hòm thư của ông Tạch.

Về phần mình, KS Tạch cũng cho biết không đồng tình với phán quyết của tòa sơ thẩm và sẽ kháng cáo.

THANH TÙNG

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20120709113856362p0c1063/email-noi-bo-la-tai-san-cua-co-quan.htm