Em ơi, không chủ động sao thoát cảnh làm nông?

Câu chuyện buồn của em Đặng Thị Huyền – nữ sinh đạt giải quốc gia mà không trúng tuyển đại học đã để lại bài học về sự chủ động cho nhiều người, đặc biệt là học sinh sống ở vùng sâu vùng xa...

Huyền thương mến,

Chị vừa đọc bức “tâm thư” em gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ, không kìm lòng được nên phải viết ngay cho em mấy dòng.

Trước hết, chị rất trân trọng sự cố gắng trong học tập của em. Bởi chị đã từng tiếp xúc, trao đổi với nhiều bạn sinh viên người dân tộc thiểu số và bản thân chị cũng lớn lên ở một xã đặc biệt khó khăn. Những người chưa từng đặt chân tới các xã vùng sâu, vùng cao và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn sẽ khó mà hiểu thấu nỗi nhọc nhằn trên đôi vai của những đứa trẻ như chúng ta khi cắp sách đến trường.

Em Đặng Thị Huyền (thôn Na Cho Cai, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang).

Chị từng trải qua cảm giác sợ hãi, lo lắng xen lẫn tủi thân mỗi lần phải xin tiền đóng học (dù đã được giảm 50% học phí). Những năm cuối cấp bố chị ốm yếu, chương trình học lại nặng hơn rất nhiều, song chị vẫn chuyên cần tới lớp, vừa cất cặp sách là cuống cuồng ra đồng chân lấm tay bùn phụ mẹ.

Chị chưa bao giờ chối bỏ nguồn gốc nông dân, cũng không ngại ngần gì chuyện lao động chân tay. Nhưng chứng kiến bố mẹ quanh năm lam lũ một nắng hai sương mà vẫn nghèo khổ, chị luôn hi vọng được tiếp tục học cao hơn để hiểu biết hơn – và quan trọng nhất là để thay đổi cuộc đời.

Không tuyệt vọng vì trượt đại học vào năm thi đầu tiên, chị quyết tâm vừa ôn luyện kiến thức vừa làm thuê làm mướn đỡ đần gia đình. Và ở lần thi tiếp theo, may mắn đã mỉm cười với chị.

Vậy nên khi đọc tới đoạn: […]và đây cũng là cơ hội học tập duy nhất của cháu bởi gia đình cháu rất khó khăn. Chắc cháu không có cơ hội để năm sau thi tiếp.” trong thư, chị có hơi thất vọng chút xíu. Em có biết cuộc sống sau khi bước vào trường đại học còn khó khăn hơn gấp trăm lần? Em có biết ngay sau khi có thông tin điểm thi và việc xét tuyển của các trường, nhà trường đã nhiều lần liên lạc tới số điện thoại em đăng kí trước đó nhưng không thể gọi được?

Chị tin rằng Huyền cũng như chị ngày xưa, tham gia đầy đủ các buổi tư vấn về kì thi để không bỏ lỡ bất cứ một thông tin nào về quy trình xét tuyển. Nhưng chị không hiểu tại sao em lại phó mặc tương lai cho … mạng Internet quyết định trong khi nhà trường đã tổ chức rất nhiều buổi tư vấn thi cử, và em cũng có mặt trong buổi giao lưu trực tuyến với Giám đốc Sở GD&ĐT dành cho học sinh lớp 12.

Thật lòng, chị mong em được tạo điều kiện nhập học trong năm nay. ĐH Luật HN và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là hai trường đại học danh tiếng, có chất lượng đào tạo tốt. Nhưng nếu chẳng may tuột mất cơ hội này, em đừng nản chí mà bỏ cuộc nhé!

Nếu muốn thoát li cảnh khó khăn thì em buộc phải kiên trì. Những cánh cửa ở phía trước chỉ mở ra khi em chủ động bước đến, thật mạnh mẽ và quyết tâm…

Chúc em may mắn,

Hải Âu

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/hs-gioi-quoc-gia-truot-dh-khong-chu-dong-sao-thoat-canh-lam-nong-a305614.html