Duterte học chính sách đối ngoại của tiền nhiệm: Lợi bất cập hại?

Sau khi trở thành Tổng thống Philippines, khác với người tiền nhiệm Benigno Aquino III, ông Rodrigo Duterte tỏ ra "thô lỗ" đối với đồng minh Mỹ - theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA).

Duterte học chính sách đối ngoại của tiền nhiệm: Lợi bất cập hại?

Đánh đổi chính sách đối ngoại bằng uy tín cá nhân?

Theo VOA, một số nhà nghiên cứu Philippines nhận thấy ông Duterte đang theo đuổi chính sách "đu dây" dưới thời nữ tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo, nhằm cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ.

VOA dẫn lời học giả Renato Cruz De Castro từ Trung tâm nghiên cứu các vấn đề quốc tế, thuộc Đại học De la Salle, Philippines, bình luận về chính sách đối ngoại của Duterte:

"Tôi nghĩ cách làm hiện nay của chính quyền mới giống với thời tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo, nhằm cân bằng quan hệ với các nước lớn. Không quá gần gũi với bất kỳ nước lớn nào, giữ khoảng cách và hy vọng sau cùng sẽ cân bằng họ.

Điều này, không chỉ ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác an ninh giữa Philippines và Mỹ mà thậm chí còn tác động tới quan hệ đối tác an ninh với Nhật Bản."

Ông De Castro chỉ ra, chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte theo đuổi chính sách ngoại giao cân bằng này không phải là ngẫu nhiên, bởi bà Arroyo hiện là một trong những cố vấn chính sách quan trọng cho chính phủ mới.

Theo ông, cân bằng quan hệ chắc chắn sẽ giúp Manila hưởng lợi từ hai nước lớn là Trung Quốc và Mỹ.

Philippines sẽ nhận được viện trợ quân sự trị giá hàng triệu USD từ Mỹ, hay khoản đầu tư xã hội có giá trị lên tới 1,5 tỷ USD của Trung Quốc. Đó là chính là điều mà chính quyền Aquino, cùng chính sách cứng rắn với Bắc Kinh, không thể có được.

Nhưng ông De Castro cũng đưa ra cảnh báo về hậu quả là sự tổn hại uy tín đối với vị tân Tổng thống Philippines :

"Đến khi Arroyo kết thúc nhiệm kỳ, không còn ai tín nhiệm bà nữa. Trung Quốc không tin tưởng bà và Mỹ cũng vậy. Tôi không nghĩ cách làm này sẽ có lợi."

Theo học giả Philippines, cựu tổng thống Gloria Arroyo cũng thực hiện chính sách đối ngoại cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Philippines chắc chắn sẽ nối lại quan hệ với Bắc Kinh

Kể từ khi nhậm chức vào cuối tháng 6, Duterte đã có một số phát ngôn không lấy gì làm tốt đẹp với Mỹ. Gần đây nhất là việc yêu cầu lực lượng đặc biệt Mỹ rời khỏi khu vực phía nam Philippines, và quyết định chấm dứt tuần tra chung trên Biển Đông với Washington.

Ông còn cho biết sẽ mua vũ khí của Nga và Trung Quốc. Manila cũng có động thái thực sự thúc đẩy quan hệ quân sự với Moscow.

Những phát ngôn này làm dấy lên đồn đoán về tương lai mối quan hệ đồng minh Philippines-Mỹ.

Mặt khác, quan hệ "đóng băng" giữa Philippines và Trung Quốc do vụ kiện biển Đông đã xuất hiện những tín hiệu tích cực. Hai nước đã tiến hành các cuộc tiếp xúc "song hành" trên hai kênh chính thức và không chính thức.

Hồi tuần trước, ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã có chuyến công du Washington nhằm hóa giải những nguy cơ mới trong quan hệ hai nước, bên cạnh việc nhắc lại Philippines luôn tin tưởng và tuân thủ quan hệ đồng minh với Mỹ.

Ông Yasay không quên nhấn mạnh Manila mong muốn theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ.

Ông nói: "Tôi cần phải nhấn mạnh một chút rằng dù cho chúng tôi muốn cùng các nước láng giềng, gồm Trung Quốc và các nước trong ASEAN, phát triển mối quan hệ mật thiết hơn, thì điều đó không đồng nghĩa chúng tôi sẽ xa cách các nước khác...

Philippines mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị với tất cả các nước."

VOA bình luận, tuyên bố của Ngoại trưởng Yasay là sự thừa nhận Philippines đang mong muốn phát triển quan hệ mật thiết hơn với Trung Quốc.

theo Thế giới trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/duterte-hoc-chinh-sach-doi-ngoai-cua-tien-nhiem-loi-bat-cap-hai-20160922194040918.htm