Duterte: Chính khách khôn khéo hay 'tay mơ' về ngoại giao

Người không thích Duterte cho rằng ông là chính khách thiếu kinh nghiệm về ngoại giao. Nhưng trong con mắt người thực tế, nhà lãnh đạo này đã mang về rất nhiều điều cho Philippines.

Lạnh nhạt với Mỹ, nhưng hết lòng ủng hộ Nhật Bản

Sau nhiều tuần gây rạn nứt trong quan hệ với Mỹ và tìm đến sự thân thiện hơn với Trung Quốc, có vẻ như Tổng thống Philippines Rodrigo Dutertetại đã có cho mình một sự ôn hòa nhất định trong hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Tư với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Hai bên đồng ý rằng các tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc phải được giải quyết dựa trên các khuôn khổ của luật pháp và không sử dụng vũ lực.

Dù bị nhận xét là thiếu kinh nghiệm ngoại giao, ông Duterte vẫn thành công trong chuyến thăm tới Trung Quốc và Nhật Bản.

Phần lớn tuyên bố chung của nhà lãnh đạo Manila với ông Abe đều nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp luật về an ninh hàng hải, trong đó nổi bật hơn cả là phán quyết về Biển Đông được tòa án trọng tài ở The Hague đưa ra hồi tháng 7, mang lại kết quả có lợi cho Philippines.

Vào lúc bắt đầu cuộc gặp ở Nhật Bản hôm 26/10, ông Duterte nói rằng Philippines và Nhật Bản đang có cùng mối quan tâm chung là vấn đề tranh chấp hàng hải với Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết đây không phải thời điểm để thảo luận về tranh chấp của nước ông với Bắc Kinh.

Thay vào đó Duterte nói rằng, khi cần thiết Philippines sẽ lựa chọn đứng về phía Nhật Bản - vốn là đồng minh thân thiết của Mỹ ở châu Á, bất chấp mọi lời thù địch mà ông dành cho Washington thời gian qua.

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tuần trước, nhà lãnh đạo Philippines từng cho biết phán quyết về Biển Đông không phải là chủ đề được ưu tiên. Nhưng đến với Tokyo, nó có thể trở thành một tiếng nói ủng hộ.

"Phán quyết có thể được phục vụ một phần nào đó cho Nhật Bản", Narushige Michishita, giáo sư tại Viện nghiên cứu chính sách quốc gia ở Tokyo cho biết sau tuyên bố chung. "Tuy nhiên mọi thứ vẫn chưa cụ thể", ông nhấn mạnh.

Theo đó Duterte có thể không bàn nhiều đến phán quyết PCA trong các chương trình nghị sự với Trung Quốc, để có thể tạm giải tỏa sự căng thẳng giữa hai nước và tìm kiếm những lợi ích trên các lĩnh vực khác như kinh tế, đầu tư, thương mại - điều Manila đang rất muốn có trong lúc này.

Nhưng ngược lại, phán quyết mà Philippines đang nắm giữ có thể trở thành một công cụ về mặt pháp lý để giúp đỡ một phần nào đó cho Tokyo trong việc giải quyết các tranh chấp với Bắc Kinh trên Biển Hoa Đông.

Giới quan sát nhận định, tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo sẽ đóng góp nhiều vào sự ổn định và hòa bình trong khu vực và thúc đẩy an ninh hàng hải.

Một quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết điều này cũng thể hiện tình trạng của liên minh Philippine-Mỹ ngay lúc này. Được biết Duterte đã trấn an Nhật Bản rằng ông sẽ không cắt đứt quan hệ ngoại giao với Washington.

Chiến lược khôn khéo hay chính khách thiếu kinh nghiệm?

Duterte muốn có chiến lược đối ngoại đa dạng hơn thông qua việc gần gũi hơn với Trung Quốc. Nhưng một số chuyên gia cho rằng ý kiến của ông luôn thiếu sự nhất quán là do vị cựu thị trưởng thành phố Davao không có nhiều kinh nghiệm về ngoại giao.

Điều đầu tiên mà ông Duterte cần ở một đối tác nước ngoài đó là không chỉ trích về nhân quyền.

"Ông ấy luôn luôn là như thế. Bởi vậy chúng ta nên để mắt đến những gì mang ý nghĩa dài hạn hơn của Duterte", Naoji Shibata, giáo sư từ Đại học Kindai Osaka cho biết. "Mặc dù các phát ngôn gây sốc của ông ấy chỉ mang tính nhất thời nhưng phong cách đặc biệt này đã thu hút các cử tri".

Chuyến đi của Duterte tới Trung Quốc và Nhật Bản nhìn chung đều thành công theo ý muốn của vị tổng thống này.

Ông đã thành công trong việc tìm kiếm đầu tư để hỗ trợ cho nền kinh tế ốm yếu của Philippines và sự ủng hộ về cuộc càn quét ma túy vốn luôn bị chỉ trích về nhân quyền.

Nhật Bản đã cam kết hơn 21,3 tỷ yên tài trợ cho phát triển nông nghiệp ở Mindanao. Ông Abe cũng cam kết sẽ cung cấp các chương trình phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy ở Philippines mà không nhắc đến những vi phạm về nhân quyền như Mỹ từng phàn nàn.

"Những gì ông ấy cần là một quốc gia nước ngoài không can dự vào kế hoạch chống ma túy ở Philippines", Malcolm Cook, thành viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nêu quan điểm.

Không ai khẳng định đường lối đối ngoại của Duterte là một sự mâu thuẫn do thiếu kinh nghiệm ngoại giao hay một chiến lược khôn khéo trong việc cân bằng quyền lực trong khu vực, nhưng thực tế có thể nhận thấy rằng bước đi này đang tập trung được rất nhiều nước ủng hộ và giúp đỡ cho Philippines.

Tuy nhiên các chuyên gia đồng ý rằng gần gũi với Nhật Bản, lạnh nhạt với Mỹ không phải là một sự lựa chọn tốt khi vốn dĩ cả hai đều là đồng minh của nhau.

"Những phát ngôn khó hiểu như vậy sẽ làm suy yếu tín nhiệm đối với Duterte, cũng của uy tín của Philippines trên trường quốc tế", Wu Shang-Su, một nhà nghiên cứu tại trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Công nghệ Nanyang cho biết. "Về lâu dài, một phong cách như vậy sẽ khó làm cho chính sách đối ngoại trở nên tiến bộ".

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/duterte-chinh-khach-khon-kheo-hay-tay-mo-ve-ngoai-giao-a304404.html