Đường thủy cũng xây BOT: Đừng để dân 'còng lưng gánh phí'

BOT chỉ là một giải pháp, chúng ta đừng lạm dụng nó, loại hình vận tải nào cũng BOT khi đó sẽ tạo áp lực cho dân.

Đừng lạm dụng BOT

PV:- Vừa qua, Bộ GTVT có đưa ra kế hoạch, trong thời gian tới sẽ kêu gọi thêm các nhà đầu tư xây dựng một loạt các dự án BOT đường thủy. Có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, bên cạnh gánh nặng phí BOT đường bộ, xuất hiện thêm hiện tượng BOT đường thủy thì sẽ tăng gánh nặng lên dân, đặc biệt là người dân vùng ĐBSCL. Bà nghĩ sao về hiện tượng này?

Trong bối cảnh hiện nay, theo bà việc mở rộng làm BOT các dự án đường thủy có nên hay không?

ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết: - Việc huy động các nguồn vốn xã hội vào đầu tư dưới hình thức BOT cho những dự án lớn của nhà nước, trong đó có các dự án giao thông là việc cần thiết. Cho nên, việc kêu gọi xây dựng BOT đường bộ, đường thủy đó cũng là điều kiện để chúng ta có thể đầu tư mang tính nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết.

Nhưng thời gian vừa qua, việc triển khai BOT đường bộ, kiểm soát năng lực doanh nghiệp, thực hiện xử lý thẩm tra dự án đầu tư còn nhiều bất cập mà nhà nước cần rút kinh nghiệm.

Thực tế, rất nhiều DN không đủ vốn đầu tư công trình giao thông, phải vay Ngân hàng trả lãi, từ đó với áp lực lãi suất họ tính vào giá đầu tư công trình, khi đó suất đầu tư đường lúc nào cũng cao, khiến mức thu phí tăng và thậm chí kéo dài.

Khi đường bộ còn chưa sửa chữa được hết các điểm bất cập thì việc áp dụng BOT vào đường thủy chắc chắn sẽ nhiều khó khăn. Trong khi giao thông đường thủy, lại là phương tiện mà các tỉnh ĐBSCL cần hoàn thiện từ cơ sở đầu tư, đến phân luồng tuyến rạch thì vấn đề thẩm tra năng lực kinh nghiệm, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ vấn đề phát triển, cơ sở căn cứ tính phí dự án một cách chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của dân càng trở nên cấp thiết.

Loại hình vận tải nào cũng BOT thì chỉ gây áp lực cho dân

Hiện nay, các Ủy ban của Quốc hội đã và đang tiến hành giám sát các dự án giao thông đường bộ, trên cơ sở tổng kết, đánh giá, xem xét các sơ hở trong vấn đề huy động vốn xã hội, từ đó đưa ra các giải pháp, mở ra nhiều hoạt động với loại hình giao thông khác.

Tôi xin nhấn mạnh, BOT chỉ là một giải pháp, chúng ta đừng lạm dụng nó, đó không phải là giải pháp duy nhất. Loại hình vận tải nào cũng BOT sẽ tạo áp lực cho dân, còng lưng gánh phí.

PV:- Với hai dự án đầu tiên là nhà đầu tư đề xuất thu phí 30-50 đồng/tấn/km trong năm đầu và mỗi năm tiếp theo tăng thêm . Nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư BOT thấp mà không rõ ràng thu phí thì người dân sẽ bị thiệt. Quan điểm của bà như thế nào?

ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết: - Hiện nay, các mặt hàng như gạo, hoa quả ở vùng ĐBSCL, đang phải cạnh tranh gay gắt. Như vậy, chỉ cần nâng giá ở mức nhỏ cũng làm năng lực cạnh tranh của mặt hàng gạo bị giảm sút so với các thị trường gần như Thái Lan, Campuchia, chưa nói các thị trường xa hơn như Ấn Độ, Myanmar. Giả sử một tấn gạo phải cõng thêm 30.000 -50.000 đồng phí/1000 tấn/1 km đường thì không biết giá sẽ đội lên bao nhiêu.

Hiện ở ĐBSCL phương tiện vận tải đường thủy nội địa chiếm đến hơn 80% số phương tiện của cả nước. Với các tàu có trọng tải toàn phần từ 200 tấn trở lên chỉ khoảng 1.100 chiếc nhưng phải đảm nhận vai trò vận tải trên 85% tổng lượng hàng hóa của vùng.

An Giang được đánh giá có lợi thế vận tải thủy nội địa nhất vùng ĐBSCL, bởi sông Tiền và sông Hậu đạt tiêu chuẩn cấp I vận tải thủy nội địa. Là tỉnh tiếp giáp biên giới Campuchia, có cảng sông Hậu Mỹ Thới và Bình Long, vị trí cách TP. Cần Thơ khoảng 60km và trung tâm TP. Hồ Chí Minh hơn 200km. Thế nhưng hiện vận tải đường thủy vẫn chưa phát triển, mà áp dụng BOT thì chắc chắn sẽ không thể phát huy được năng lực của nó.

Theo tôi, nếu làm BOT đường thủy thì nhất thiết phải xác định đúng, đủ, kỹ thuật đạt yêu cầu, phải tính trên cơ sở chính xác giá thành một cách phù hợp, doanh nghiệp phải có năng lực, hạn chế lãi vay.

Vấn đề khấu hao phải kéo dài không nên dồn lại tính vào giá thành, tính trên cơ sở giá thành mang tính cạnh tranh sản phẩm tốt hơn, chứ không tạo áp lực quá lớn trên giá thành một sản phẩm.

PV:- Thay vì đầu tư những dự án chưa hiệu quả ngay như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, nhà nước có nên chủ động phát triển đường thủy để tạo kênh vận chuyển mới hiệu quả hơn, giá thành hợp với sức dân thay vì cho doanh nghiệp đầu tư rồi thu phí BOT?

ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết: - Bây giờ phải tính toán hài hòa bài toán phát triển các phương tiện giao thông từ đường thủy - đường bộ - đường sắt - đường hàng không, không nên cục bộ đầu tư cho một loại hình nào.

Chúng ta đã có kế hoạch cơ cấu kinh tế đến năm 2020 định hướng 2030, đã tính toán, từng giai đoạn hàng hóa bao nhiêu, đi lại vận tải bằng loại hình nào, năng lực nhà nước đáp ứng được bao nhiêu %, còn lại thì huy động các nguồn vốn XH trong và ngoài nước.

Ví dụ như xuất khẩu ở An Giang phải đưa hàng hóa qua cầu Cảng ở huyện Châu Phú, nhưng do luồng rạch không thuận lợi, không đủ công suất, nên phải đưa về TP.HCM rồi xuất đi các nước.

Giờ nhu cầu vận tải ngày càng cao thì phải huy động vốn của xã hội, trong đó XHH nạo vét, luồng rạch, ở các tỉnh ĐBSCL, để nâng cao hiệu quả trong vấn đề vận chuyển. Tính toán mức phí BOT phải có sức cạnh tranh, như đưa hàng hóa lên TP.HCM, Cần Thơ thì giá sẽ rẻ hơn. Từ đó, sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp, cho người dân.

- Cảm ơn bà đã chia sẻ với Đất Việt!

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/duong-thuy-cung-xay-bot-dung-de-dan-cong-lung-ganh-phi-3323062/