Đường sắt cao tốc Bắc-Nam: Bộ GTVT khẳng định thêm

Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, đến năm 2050 sẽ hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao, khổ 1.435 mm trục Bắc - Nam.

Sáng 31/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã trình bày Tờ trình dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) trước Quốc hội.

Bộ trưởng Nghĩa khẳng định, việc sửa đổi là cần thiết để phù hợp với nội dung Hiến pháp 2013 và các luật, pháp lệnh mới ban hành.

Ông Nghĩa cho biết, dự luật lần này dành chương 8 với 5 điều (từ điều 88 đến điều 92) cho nội dung về đường sắt tốc độ cao.

Nội dung cụ thể quy định về chính sách phát triển, yêu cầu chung với đường sắt tốc độ cao, quản lý, bảo trì, quản lý an toàn và các yêu cầu chung khi đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, đến năm 2050, sẽ phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao Bắc-Nam, khổ 1.435 mm. Ảnh minh họa

Đặc biệt, ông Nghĩa nhấn mạnh, theo quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn từ 2020 đến năm 2030 ngành sẽ triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao. Trước mắt tốc độ chạy tàu được khai thác từ 160 km/h đến dưới 200 km/h. Đây là bước chuẩn bị để hoàn thiện và chạy tàu tốc độ ≥ 200 km/h.

Tầm nhìn đến năm 2050, ngành phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao, khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam; sau năm 2050 khai thác với tốc độ 350 km/h.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng đề xuất bổ sung mới một mục về đường sắt tốc độ cao (với tốc độ thiết kế ≥ 200 km/h) với các điều chủ yếu quy định về chính sách phát triển; các yêu cầu chung; đầu tư xây dựng; quản lý, bảo trì và kinh doanh; quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao.

Dự luật cũng nêu rõ việc phát triển đường sắt tốc độ cao kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội quốc gia. Nhà nước đóng vai trò chính trong việc đầu tư xây dựng, tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác, kinh doanh đường sắt tốc độ cao.

Thẩm tra dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu rõ: Dù còn có những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, tuy nhiên hồ sơ dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) của Chính phủ trình Quốc hội đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ, đúng với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ông Dũng nhấn mạnh thêm, Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường nhất trí cho rằng, dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) đã đủ điều kiện trình Quốc hội khóa XIV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.

Trước đó, ngày 12/9, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật đường sắt (sửa đổi).

Theo Thứ trưởng Đông, trong số các nội dung mới của dự luật sửa đổi sẽ có một chương về đường sắt tốc độ cao. Dù Quốc hội từng bác dự án đường sắt cao tốc song theo Chiến lược, Quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt, toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao, khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam sẽ hoàn thành vào năm 2050.

Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu tiền khả thi. Theo đó, dự kiến năm 2018, Bộ sẽ trình Chính phủ thẩm định, sau đó trình Quốc hội phấn đấu thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trước 2020.

Thứ trưởng Đông nhấn mạnh, theo dự báo vận tải, đến năm 2030, Việt Nam xây dựng các dự án khác như cảng hàng không, đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ 4 - 6 làn xe và cải tạo đường sắt cũ với tốc độ 80 km/h vẫn cần có thêm tuyến đường sắt mới vì khi đó, với khoảng 57 triệu hành khách/năm, bắt buộc phải có thêm đường sắt cao tốc Bắc – Nam mới có thể kham nổi.

Hà Đông

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/duong-sat-cao-toc-bac-nam-bo-gtvt-khang-dinh-them-3322009/