Đường ơi là đường

Google mới đây đã bật tính năng thông báo tình trạng giao thông cho ứng dụng bản đồ tại Việt Nam, hiển thị mật độ tham gia giao thông ở các tuyến đường lớn tại Hà Nội và TP.HCM.

Đây là một tin mừng cho người tham gia giao thông, song cũng cho thấy tình trạng tắc đường về cả không gian và thời gian ở các thành phố lớn này đã trở nên “nổi tiếng” toàn cầu một cách không mong muốn; bất chấp nhiều giải pháp đã được triển khai.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, để giải quyết căn cơ vấn nạn này, cần tiến hành đồng thời cả hai nhóm giải pháp: Giải pháp chiến lược và giải pháp tác nghiệp.

Trong nhóm giải pháp chiến lược, công tác quy hoạch là giải pháp quan trọng hàng đầu, bao gồm cả quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông. Chuyên gia giàu kinh nghiệm này lo lắng, việc quy hoạch nhiều khu đô thị mới hiện nay đã không làm được điều này. Đơn cử, ở Hà Nội, quy hoạch xây dựng khu đô thị Royal City đã không có sự gắn kết với quy hoạch phát triển giao thông khu vực Ngã Tư Sở. Tới đây, nếu xây dựng một cao ốc 50 tầng tại địa điểm Triển lãm Giảng Võ mà không quy hoạch mở rộng đường Ngọc Khánh và ngã tư Giảng Võ - La Thành thì không ùn tắc mới là chuyện lạ - ông Liêm cảnh báo. Ngoài ra, tình trạng úng ngập khi xảy ra mưa lớn tại Hà Nội hay triều cường tại TP.HCM cũng cần được quan tâm và đã trở nên cấp bách. Cùng với đó là nhóm giải pháp tác nghiệp (như hạn chế phương tiện giao thông cá nhân - chỉ có thể thực hiện khi đồng thời phát triển giao thông công cộng; phân luồng, điều tiết giao thông…).

Trong khi đường sắt đô thị thì có thể hàng chục năm nữa mới có thể vận hành những tuyến đầu tiên, dự án xe bus nhanh còn nhiều trục trặc thì Hà Nội hiện đã có trên 5,5 triệu phương tiện giao thông cá nhân (gần 535.000 ôtô và hơn 4,9 triệu môtô), chưa kể nhiều xe mang biển ngoại tỉnh vẫn hoạt động; còn TP.HCM thì mỗi ngày tăng thêm 1.000 xe máy, 180 ô tô các loại…

Cũng cần nói thêm rằng, cuộc sống luôn vận động; cho dù tình trạng có được cải thiện thì cũng sẽ luôn có những vấn đề mới nảy sinh cần giải quyết. Một quy hoạch tốt luôn phải tính đến yếu tố “động” này mới mong có “tuổi thọ” lâu dài. Hy vọng với việc Luật Quy hoạch có thể được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này, một văn bản luật tốt sẽ sớm đi vào cuộc sống, góp phần giải quyết vấn nạn đang rất bức xúc đối với hàng chục triệu người dân đô thị.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/duong-oi-la-duong.aspx