Đường lên dốc đá...

Mãi đến khi đến Bình Thuận, tôi mới biết mình nhầm: “Đường lên dốc đá” của Hàn Mặc Tử không phải ở Quy Nhơn như đã tưởng; Lầu Ông Hoàng là địa danh nằm trong một quần thể đồi xinh đẹp chứ không phải “lầu của ông Hoàng”…

Tháp chăm Pôsanư. ảnh: T.A

Tay tài xế taxi tên Tuấn chở chúng tôi từ TP.Phan Thiết “mừng rơn” khi biết tôi nhầm, nên nói ngay: “Nhiều người nhầm lắm, kể cả người dân ở đây chớ huống hồ gì du khách. Vì Lầu Ông Hoàng đó sập rồi, có cái lô cốt thôi à. Nhưng mà quần thể tháp Chăm Pôsanư trên đồi Bà Nài thì còn nguyên. Vẫn đẹp. Có điều phải nói là, nhờ chuyện tình của Hàn Mặc Tử mà người ta lên đây nhiều hơn”.

Trong tư liệu của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cũng cập nhật chính xác địa danh Lầu Ông Hoàng. Năm 1911, công tước người Pháp tên là De Montpensier khi đến đây thấy phong cảnh hữu tình, nên muốn xây dựng một biệt thự để nghỉ dưỡng và săn bắn. Sau đó, chính quyền nhà Nguyễn đã bán ngọn đồi cho công tước Pháp. Ngày 21.2.1911, ngôi biệt thự được xây dựng, và gần một năm sau hoàn thành với diện tích 536m2 gồm 13 phòng thuộc diện hiện đại nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Và cái tên Lầu Ông Hoàng (thể hiện sự sang trọng) có từ đó. Đến năm 1917, công tước De Montpensier bán lại toàn bộ ngọn đồi Bà Nài cho một ông chủ người Pháp khác. Sau này, nó thuộc quyền sở hữu của vua Bảo Đại.

Còn quần thể tháp Chăm Pôsanư mà tài xế Tuấn nhắc đến, ngày xưa là đền thờ công chúa Chăm. Du khách đến Phan Thiết hầu hết đến đây rồi sau đó leo dốc đến đỉnh đồi Bà Nài, nơi tọa lạc Lầu Ông Hoàng để nhìn xuống Phan Thiết đang hòa quyện trong màu nắng, màu gió và màu của biển. Ngành du lịch Bình Thuận đã đưa vào khai thác quần thể các di tích này từ nhiều năm trước. Do vậy, đường dẫn về các nhóm tháp tương đối tốt, giá vé tham quan 20.000 đồng/người, chủ yếu dùng để tu bổ, tôn tạo di tích hằng năm. Tại đây, du khách có thể tìm hiểu cách dệt vải của đồng bào, mua hàng lưu niệm bằng đá, thổ cẩm…

Từ TP.Phan Thiết lên tháp Chăm Pôsanư chỉ 7km nên phương tiện đi lại khá dễ dàng. Thú vị nhất vẫn là xe máy, để có thể ghé bất kỳ nơi nào trên đường đi. Tháp Chăm Pôsanư còn có tên Tháp Chăm Phố Hài, là một trong những ngọn tháp có kích thước vừa, còn khá nguyên vẹn, vẫn giữ được những nét nghệ thuật cổ xưa của lối kiến trúc Hòa Lai tinh tế.

Về tổng thể ngọn tháp được xây dựng nên từ những viên gạch nung đỏ, giống với Khu di tích Mỹ Sơn ở Quảng Nam. Xung quanh 4 mặt tháp có hình vuông, phân tầng càng lên cao thì càng nhỏ lại, cửa tháp có hình vòm cuốn với nhiều hoa văn tinh tế. Quần thể tháp này được người Chăm xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 8 để thờ vị thần Shiva cao quý, cho đến thế kỷ 15, một vài ngôi đền được xây dựng với quy mô nhỏ và đơn giản hơn dùng để thờ công chúa Pôsanư con của vua Para Chanh - một người nhan sắc, tài đức vẹn toàn được người dân Chăm xưa hết mực yêu quý. Từ đó, quần thể kiến trúc này được gọi là tháp Chăm Pôsanư.

Sẽ đặc biệt thú vị nếu đến đây vào mùa lễ hội, khi người Chăm cả nước hành hương về dự lễ hội Rija Nưga (tương tự như Tết Nguyên đán của người Việt) được tổ chức vào đầu tháng Giêng Chăm lịch. Họ cầu mưa, xin những điều tốt lành, mong một năm yên an phúc lộc. Và đừng quên ghé qua Lầu Ông Hoàng… ngắm trăng, để biết vì sao khi vào thi ca, trăng ở đây lãng mạn như vậy!

Tay tài xế Tuấn vẫn tiếp tục quảng bá cho du lịch Bình Thuận trên chặng đường về với chúng tôi. Rằng, “hồi nhật thực toàn phần năm 1995, thiên hạ mới đổ xô về đây vì là nơi ngắm nhật thực chuẩn nhất thế giới. Lầu Ông Hoàng, Mũi Né đông nghịt người. Du lịch Bình Thuận từ đó phát triển chóng mặt. À, còn có quán cà phê Mộng Cầm – người tình của Hàn Mặc Tử - ở ngay thành phố, cũng thơ không kém gì đâu!”.

Theo Báo Quảng Nam

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/duong-len-doc-da.aspx