Đường hoa - tình rừng - mùa Tây Bắc

Trời đất không chỉ âm thầm mượn màu hoa, sắc núi, hương rừng để loan báo rằng tạo hóa đang bận bịu tô điểm mùa, chuyển mùa.

Si Ma Cai

Tháng 3, mưa phùn không dứt, độ ẩm kịch trần. Mỗi chuyển dịch của áp thấp phía Tây hay sự dùng dằng của gió Đông Nam dường như đủ khiến cả thành phố quay đảo nhịp sống.

Cả Hà Nội chỉ có chốn rửa xe là vui, tất bật. Các nhân viên nữ văn phòng đau đầu khó lường. Những hàng bán đồ hong sấy lên giá. Và Facebook thì sũng sĩnh, ẩm ướt, nhớp nháp những dòng ta thán: ối giời ơi.

Vẫn là xoay vần muôn thuở, trời đất có chút cảm ứng lòng người nhưng không quên thể tất mưu cầu của muôn loài. Cữ ấy, kẻ cắm mặt thì nhận thấy đất bùn bẩn thỉu, nhem nhuốc, mốc mác.

Ai đó nhìn ngang có thể liên tưởng rồi dẫn dắt vui buồn lãng đãng theo sương bay. Hiếm hoi người ngước lên một chút, ánh mắt khẽ chạm vào nõn nà trắng, nõn nà xanh của hoa, lá cây Sưa. Tay cành mảnh mai, nụ lộc tươi mới, hoa trắng hơn mây có thể xui khiến vài đứa nhả thơ.

Nhưng cũng chỉ như gió thoảng, tựa mây bay. Những nỗ lực tuyệt đỉnh của hoa Sưa trắng, bằng lăng tím hay vông vàng, lộc vừng đỏ… cũng không thể tự nâng đỡ những thân trạng xao xác, cô độc, lạc lõng.

Thời nay, khi địa ốc choán hết nắng, gió, khí trời của địa lan, mọi vui buồn nhân thế loay xoay quanh hoa “đồng tiền” thì Hà Nội đâu còn mấy thói yêu, nghề chơi, cách suy tư và cái nền cảm hứng của thời sở hữu “dinh hoa”, “lũy hoa”.

Chẳng nên tìm, chớ thưởng hoa giữa chốn đô thành. Những tập hợp hoa là không đủ về số lượng, kích cỡ để cân bằng sinh thái, càng chưa thể viên mãn đủ độ để có thể kết nối ý trời và tình người.

Làm cách nào để hoa có thể đối thoại được với những con phố ô trọc, xộc xệch và thói đời vân cẩu. Tất cả đều thôi thúc một “kiếp ngựa tù chân lại nhớ đường”.

Khởi hành phương Nam? Thẩm mỹ về hoa đã hoàn toàn định hình, đứng khựng lại trên những điêu khắc hoa gỗ ở đền thờ Đinh Tiên Hoàng hay chạn khắc đá ở nhà thờ đá Phát Diệm. Vào tới xứ Thanh? Sẽ còn phơ phất mãi ảo ảnh màu tím hoa sim?

Quất ngựa truy phong hướng Đông Bắc? Nơi đó biển đảo trập trùng, mây nước huyền ảo nhưng những thân đào đẹp nhất ở Vân Đồn đã rất xơ kiệt, quá tàn tạ.

Xuôi về Hải Phòng ư? Còn xa lắm và rất lâu nữa người đất cảng mới có thể trở lại một thời hoa đỏ.

Trực chỉ Tây Bắc? Hahaha… ngày chưa xa, từng có kẻ muốn dùng sáu tính từ, trạng từ, vài con chữ thô kệch để “nhuộm” đủ trắng, xanh, đỏ, vàng cho Tây Bắc, biến nơi tiếp giáp Đất - Trời kỳ vĩ, khiến mường Trời linh thiêng thành sân khấu chính trị ọp ẹp.

Chưa quên kẻ muốn diễn tình rừng, làm xiếc ngôn từ, uốn cong ngòi bút, mượn quyền lực vô song của đất trời, tạo hóa hòng tô vẽ cho cái hiện tại thô bản, nông hoẻn. Tàn tạ một kiếp mạng buông xuôi tài hoa, bán rẻ liêm sỉ, chỉ cầu tồn sinh, ước yên thân, mong phì gia… nói chi đến tình rừng.

Hôm nay, dẫu khi xuống chợ nhiều gái bản đã quên đi khăn piêu, áo bướm, váy lanh. Những tiếng đàn đá, khèn lá gọi bạn tình đã được tua lại từ những thiết bị điện tử. Những căn nhà mái gỗ pưmu đã đổi thành tôn xi măng…

Nhưng cái nguyên khí của tự nhiên vẫn còn lưu bám đâu đó. Thật diễm phúc khi một lần đối diện trước những đường hoa, dáng núi, màu xuân. Hãy thầm biết ơn đất hiểm, núi cao, sông dài, thác lớn, gió mùa, mưa nắng đã cố lưu giữ lại cho thiên nhiên những dáng vẻ hoang sơ, tinh nguyên.

Mùa này, hoa đào vẫn thắm trên Tả Phìn, Sa Pa. Hoa mận trắng muốt trên núi cao Cán Cấu, Simacai. Hoa cải vẫn nở vàng rực Sủng Là - Hà Giang. Hoa ban bừng nở Hát Lót, Sơn La, Mường Then, Lai Châu…

Trời đất không chỉ âm thầm mượn màu hoa, sắc núi, hương rừng để loan báo rằng tạo hóa đang bận bịu tô điểm mùa, chuyển mùa.

Năm này qua năm khác, những khoảnh khắc mùa, từng vòng xoay sinh tồn đó đã kịp in dấu trên những màu váy đỏ của người Hmong, nếp khăn piêu của người Thái, chi tiết hoa văn rau dớn của người Mường và sự hững hờ trong vạt áo thêu một dáng sa mu của người Hà Nhì…

Mùa này, tựa cửa nhà sàn, chếnh choáng bên hũ rượu ngô, có chàng rể Thái ở đồngrừng Hát Lót ư ử chào đón hoa ban bằng một lời ca tửng từng tưng:

Chân giò hầm với hoa ban.
Mẹ vợ đi qua không nhìn thấy

Mùa này, nếu ai đó may mắn có thể bắt gặp trong những lời si khi các cô gái Tày ru nựng đời mình ngoài nương rừng:

Tháng Giêng hoa xòe nụ âm âm
Hoa “loỏng” nở tháng Hai thơm ngọt
Tháng Ba hoa “mạ” nở làm mùa
Hoa guột nở tháng Năm mùa cấy
Hoa “kim hoa” tháng Sáu nở sáng trưng
Tháng Bảy là hoa bông trắng nõn
Hoa “con gái” tháng Tám non tươi

Trong đêm lượn của người Nùng, trai gái cũng mượn hoa làm chốn hẹn hò e ấp mà tình tứ:

Anh ơi tìm vàng hay tìm ngọc
Tìm hoa, hoa nở gốc cây đào
Tìm nụ, nụ nở trào cây mận

Những cô gái đồng rừng chỉ trao tình mình cho những chàng trai:

Múc nước thành hoa
Vục nước thành nụ

Và khi mấy con trăng đi qua, nhiều kỳ nước cạn nối mùa nước lũ, họ cùng thề nguyền:

Thương nhau bắc cầu nụ hoa…

Khi đó, đất trời hào phóng ban cho hồng, đào, mận, mơ một cuộc đua sắc khoe hương. Con người mau mắn tận hưởng, nhận thấy cái hình, cảm được cái sắc, mơ thấy hoa, tan vào mây hoa và ngỏ lời dâng tặng những đường hoa tất cả những âm thanh thầm thì của mùa yêu.

Cảm khái đó đánh thức trong tâm cảm những kẻ lãng du một khái niệm mùa. Bọn chúng gọi tên những gặp gỡ kỳ ảo, lặng lẽ đó là Mùa Tây Bắc.

Nguồn DNSG: http://doanhnhansaigon.vn/online/doanh-nhan/di-nghi-viet/2012/04/1063262/duong-hoa-tinh-rung-mua-tay-bac/