Đường Hầm – khẳng định nội lực điện ảnh Hàn

Trong tháng 9, nếu đã lỡ bị điện ảnh Hàn cuốn vào cuộc hành trình khốc liệt tới Busan (Train To Busan), thì Tunnel (Đường Hầm) sẽ là một bộ phim không thể bỏ qua.

Bộ phim Tunnel - Đường Hầm của đạo diễn kiêm biên kịch Kim Seong-hun, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn So Jae-Won, xoay quanh Lee Jung-su (do nam diễn viên Ha Jung-woo thủ vai), một người làm nghề bán xe hơi. Trong hành trình trở về nhà, Jung-su lái xe qua một đường hầm xuyên núi đúng lúc nó đổ sập xuống. Do đây là công trình mới được thông xe, lại chạy qua khu vực đồi núi vắng vẻ, Jung-su dường như hoàn toàn cô độc trong thảm họa.

Không bị chấn thương nặng, Jung-su gọi cho 911 nhờ trợ giúp. Anh tin rằng mình sẽ nhanh chóng được cứu thoát mà không ngờ tình huống bấy giờ nguy hiểm hơn nhiều so với tưởng tượng, đến mức thu hút được cả sự chú ý của giới chính trị và truyền thông. Hay tin chồng gặp nạn, vợ anh, Se-hyeon (Bae Doona thủ vai) ngay lập tức đến hiện trường tai nạn. Trong suốt những ngày chờ được giải cứu, Jung-su nghe theo chỉ dẫn của đội trưởng đội cứu hộ Kim Dae-gyeong (Oh Dal-su thủ vai), và cố gắng sống sót trong tình cảnh vô cùng khắc nghiệt bằng số thực phẩm ít ỏi trên xe, gồm hai chai nước khoáng 500 ml và chiếc bánh sinh nhật mua cho con gái.

Câu chuyện về tình người

Không giống như những bộ phim thảm họa khác, với mô típ quen thuộc về một hoặc hai người hùng cố gắng cứu sống các nhân vật khác, Đường Hầm kể về hành trình sinh tồn đơn độc của một người đàn ông. Nhân vật chính cũng không phải là một người anh hùng có sức mạnh to lớn, dẫu anh là người lương thiện và cũng sẵn lòng giúp đỡ những người khác.Kim Seong-hun xây dựng nhân vật Jung-su như một người đàn ông bình thường, anh tìm thấy niềm vui qua những điều nhỏ nhặt, dễ dàng nổi giận bởi những thứ vớ vẩn, nhưng nhờ đó, nhân vật này trở nên chân thật hơn và dễ dàng kết nối được tới khán giả: câu chuyện của Jung-su có thể xảy đến với bất cứ ai trong số chúng ta.

Từ một góc nào đó, có thể nhận thấy sự tương đồng giữa Jung-su và Chuck Noland (do Tom Hanks thủ vai) trong bộ phim Mỹ "Cast Away" (2000). Tuy nhiên, nếu Noland sống trên một hòn đảo hoang vắng, cách xa nền văn minh sau một tai nạn máy bay, thì Jung-su lại may mắn hơn vì anh có sẵn chút ít thực phẩm và chiếc điện thoại di động được sạc đầy, vài chiếc đèn pin, một chiếc áo giúp giữ ấm, bộ cắt móng tay, và quan trọng hơn là hệ thống đài phát thanh giúp anh có thể nghe nhạc và theo dõi tin tức từ thế giới bên ngoài. Mặt khác, như Noland được hít thở không khí trong lành và tận hưởng cuộc sống ngoài thiên nhiên, thì Jung-su lại mắc kẹt trong cảnh tăm tối, tù túng, ngột ngạt đến cùng cực – một cuộc sống mà nếu không có tinh thần lạc quan như anh thì khó có thể tồn tại được.

Phim diễn ra trong một bối cảnh khá hẹp, đòi hỏi nhà làm phim phải có đầu óc sáng tạo vừa đủ, nhưng phải thật chặt chẽ. Với kinh nghiệm và bản tính nghệ thuật cầu toàn của mình, Kim Seong-hun đã xây dựng được một câu chuyện tròn trịa theo nhiều khía cạnh. Xuyên suốt mạch phim, tình cảm con người luôn được đề cao nhất, dù là trong hoàn cảnh nào, đặc biệt là tình yêu, tình cảm vợ chồng. Đối mặt với cảnh hoạn nạn của chồng, Se-hyeon đã rất mạnh mẽ, đặt niềm tin hoàn toàn nơi chồng mình, dẫu ngoài nỗi đau đớn, lo lắng cho sự an nguy của chồng, cô còn phải chịu áp lực từ dư luận, từ những lực lượng to lớn hơn từ mọi phía.Không chỉ tình yêu, mà tình người giữa những kẻ xa lạ cũng khiến người xem cảm động. Vì lời hứa, vì lương tâm nghề nghiệp, đội trưởng đội cứu hộ Kim Dae-gyeong đã cố gắng tìm mọi cách cứu Jung-su cho đến tận giờ phút cuối cùng, bất chấp tất cả những quy định, mệnh lệnh của cấp trên và thậm chí cả sự an toàn của bản thân.

Không hề là cổ tích

Dù đẩy tình người lên mức cao nhất, nhưng Đường Hầm không bị rơi vào trạng thái tô đẹp, “cổ tích hóa” đời sống. Phim không phải câu chuyện về một người gặp nạn, và cả cộng đồng đều chung tay giúp đỡ, cứu sống anh ta. Những mặt tối trong thực tại xã hội hiện nay bị phơi bày. Tham nhũng, rút ruột công trình là nguyên nhân xảy ra hai thảm kịch chính trong phim, nó không những làm đường hầm bị sập, mà còn khiến việc cứu hộ rơi vào ngõ cụt. Việc cứu người không phải chỉ về lý do nhân văn, mà còn vì động cơ chính trị, phô trương thanh thế của một số cá nhân, phe phái, và sẵn sàng bị dẹp bỏ khi nó gây ra ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế.

Giới truyền thông trong phim xuất hiện với hình ảnh tiêu cực. Họ sẵng sàng cản trở quá trình cứu hộ, gây nguy hiểm cho người gặp nạn chỉ nhằm mục đích đua tranh để đưa tin sớm nhất và được độc quyền. Sự vô cảm của lực lượng này được thể hiện qua những chi tiết như, khi Se-hyeon ngất xỉu giữa trời tuyết lạnh vì thương chồng, cả rừng máy ảnh lập tức chĩa vào cô, lóe lên những tia đèn flash lạnh lẽo. Phim phản ánh một cách đời hơn, nhẹ nhàng hơn cách mà phim Nightcrawler đã bi kịch hóa đạo đức nghề nghiệp của gã phóng viên Louis Bloom (Jake Gyllenhaal), một kẻ làm truyền thông vô sỉ, vô học và táng tận lương tâm, làm mọi giá để có được những thước phim gây sốc cho bản tin truyền hình.

Đường Hầm mang phong cách đặc trưng của nền điện ảnh Hàn, đồng thời nằm trong thế giới quan riêng biệt của những tác phẩm nghệ thuật do Kim Seong-hun sáng tạo ra. Dẫu tình huống căng thẳng, ngặt nghèo xuyên suốt từ đầu chí cuối, trong mỗi trường đoạn, ông đều khéo léo lồng ghép những tình huống hài hước, giúp người xem bớt cảm giác nặng nề trong suốt 127 phút xem phim.

Trong phim, thủ pháp điện ảnh được thể hiện qua việc lồng ghép những trường đoạn giúp lột tả các chi tiết mang tính chất kết nối quan trọng. Từng góc máy đều có ý đồ rõ ràng của người đạo diễn, được xâu chuỗi tỉ mỉ và nhuần nhuyễn, không để xảy ra những tình huống phi logic. Ví dụ, trong đoạn mở đầu, đạo diễn thường cho quay cận cảnh các chi tiết, với hàm ý mọi sự việc diễn ra tưởng như tình cờ, mà lại mang tính vận mệnh. Nhờ việc kiên nhẫn chờ đợi người đổ xăng già, Jung-su được ông ta tặng cho 2 chai nước khoáng, lượng nước quyết định tính sống còn của anh . Nhờ ông ta đổ lượng xăng nhiều quá mức so với số Jung-su định mua, anh đã có đủ nhiên liệu để bật đèn xe, nghe radio trong suốt thời gian mắc kẹt. Sự việc diễn ra vào ngày sinh nhật con gái, nhờ đó, Jung-su đã có sẵn chiếc bánh kem giúp anh thoát nguy cơ chết đói.

Mở đầu, phim sử dụng nhiều cú máy bám theo nhân vật, gợi cảm giác chờ đợi, dự đoán có điều chẳng hay sắp xảy ra. Tại trường đoạn sập hầm, nhịp cắt cảnh diễn ra rất nhanh, tạo cảm giác bất ngờ, choáng váng. Cuộc sống của Jung-su trong đường hầm sập được diễn tả qua các cú máy với tiêu cự hẹp, có quá nhiều tiền cảnh ở hình, nhân vật ở hậu cảnh, gợi cảm giác chật chội, nguy hiểm bủa vây, bởi chỉ một sơ sẩy cũng có thể khiến Jung-su bị đất đá vùi lấp bất cứ lúc nào. Kĩ xảo điện ảnh và cảnh hành động không xuất hiện quá nhiều, nhưng đủ khiến khán giả mãn nhãn ở những khung cảnh sập hầm.

Diễn xuất tròn trịa

Ha Jung-woo là một diễn viên gạo cội trong làng giải trí Hàn, được biết đến qua các phim đình đám như The Chaser, và The Terror Live… Cũng như những vai diễn trước đó, trong Đường Hầm, anh đã thành công trong việc giữ vai trò chủ đạo và là trọng tâm dẫn dắt cốt truyện. Tuy nhiên, so với những phim khác, trong một kịch bản mang đậm chất dark comedy như Đường Hầm, việc điều phối cảm xúc là một điều khó khăn. Jung-woo đã có sự sáng tạo khác biệt khi thể hiện vẻ mặt tinh ranh, thoải mái trong những trường đoạn cao trào mang tính quyết định, giúp bầu không khí phim đỡ căng thẳng. Ở những trường đoạn tâm lý cảm động, Jung-woo không diễn theo kiểu sướt mướt như hàng ngàn diễn viên khác trong đế chế điện ảnh Hàn, mà kìm nén cảm xúc qua ánh mắt một cách tinh tế.

Vào vai người vợ, nữ diễn viên giàu kinh nghiệm Bae Doona không gây thất vọng cho bất cứ ai, kể cả bản thân cô. Là một ngôi sao đã gây được dấu ấn tại thị trường Hollywood, Bae Doona không quá khó khăn trong việc lột tả cảm xúc khi thì đau khổ, tuyệt vọng, khi lại tràn đầy niềm tin. Khuôn mặt không quá đẹp nhưng đậm chất điện ảnh của Doona tuyệt đối phù hợp cho vai diễn. Cô chính là một nhân vật cực đời thường, một người vợ, người mẹ dễ thấy ở bất cứ đâu.

Đội trưởng cứu hộ Kim Dae-gyeong (Oh Dal-su) cũng là một trong ba nhân vật đáng nhớ nhất phim, với bản tính bộc trực, lương thiện và thẳng thắn – đây là nhân vật giúp đẩy cao tinh thần lạc quan về tình cảm và đạo đức con người giữa những kẻ xa lạ. Câu nói của ông trong buổi họp báo về việc có nên tiếp tục hay không việc giải cứu Jung-su, trước việc một quan chức cho rằng không thể chỉ vì một người mà làm thiệt hại kinh tế đất nước, khiến khiến người xem chợt hiểu rằng tại sao cả nước lại phải huy động mọi nguồn lực chỉ vì một cá nhân: “Ở dưới đó có một con người”.

Đường Hầm là một dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của đạo diễn Kim Seong-hun và đồng thời của điện ảnh Hàn Quốc. Với người xem phim Việt, ấn tượng về những bộ phim xứ kim chi lúc nào cũng chỉ tràn ngập nước mắt, bệnh ung thư và tình yêu trai gái… đã phai nhạt đáng kể, sau hai bộ phim chiếu rạp thành công gần đây là Train To Busan (tựa Việt là Chuyến tàu sinh tử) và Tunnel (Đường Hầm).Khai thác những câu chuyện hoàn toàn khác biệt, nhưng trong cả hai bộ phim, sinh mệnh con người đều được đặt lên hàng đầu, thấm đẫm tinh thần nhân văn và hi vọng. Sức sống của con người vượt lên trên tất cả, dù là đại dịch zombie, hay 35 ngày đằng đẵng bị vùi lấp trong đống đổ nát.

Lan Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-giai-tri/duong-ham-%e2%80%93-khang-dinh-noi-luc-dien-anh-han