Đường đến trường quá xa…

Lúc mọi người còn đang ngon giấc (4 giờ sáng), thì ở cái tuổi ăn, tuổi ngủ, các em học sinh trường PTCS Hùng Vương xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa phải lục dụcđạp xe, hoặc “cuốc bộ” cả chục cây số để đến lớp và trở về nhà cũng như vậy giữa cái nắng như rang hoặc khi trời đã tối mịt...

Lúc mọi người còn đang ngon giấc (4 giờ sáng), thì ở cái tuổi ăn, tuổi ngủ, các em học sinh trường PTCS Hùng Vương xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa phải lục dụcđạp xe, hoặc “cuốc bộ” cả chục cây số để đến lớp và trở về nhà cũng như vậy giữa cái nắng như rang hoặc khi trời đã tối mịt...

CôngThương - Tất cả những điều tưởng chừng chỉ còn là ký ức của những năm tháng chiến tranh, của những ngày “bao cấp” khốn khó, lại đang là chuyện thường ngày của hàng trăm em học sinh ở 2 thôn Cù Hin và Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Vượt khó đi tìm con chữ

Bị chia cắt với đất liền bởi núi Cù Hin, biển và đầm Thủy Triều, người dân Cam Hải Đông hơn mười năm trước không biết đến đường nhựa và điện. Trong xã chỉ có duy nhất một trường tiểu học. Ngày ấy, muốn học tiếp lên lớp trên, học sinh của xã phải bơi thuyền vượt biển, sang bờ bên kia. Từ đó, các em còn phải đi bộ gần chục cây số để đến trường THCS Hùng Vương thuộc xã Cam Hải Tây bên cạnh. Do đường xa, khó đi nên không ít học sinh phải bỏ học giữa chừng. Mấy chục năm qua, số học sinh tốt nghiệp THPT của Cam Hải Đông có thể đếm trên đầu ngón tay, số tốt nghiệp đại học lại càng hiếm hoi hơn.

Năm 2004, Đại lộ Nguyễn Tất Thành được mở vượt qua núi Cù Hin (nối TP.Nha Trang với Sân bay Cam Ranh), chạy qua suốt từ Bắc đến Nam xã Cam Hải Đông. Học sinh Cam Hải Đông không còn phải băng đầm vượt biển nhưu trước. Tuy nhiên, hàng ngày các em học sinh PTCS vẫn phải “cuốc bộ” hơn chục cây số đến trường, còn các em học sinh tiểu học thì “cuốc bộ” gần 4 cây số, bởi cho đến nay địa phương này chỉ có trường tiểu học, chưa có trường PTCS.

Ông Trần Văn Phúc- nguyên Phó chủ tịch UBND xã Cam Hải Đông, kể: “Dậy từ 4 giờ sáng, nhịn đói đến trường đối với những học sinh nơi đây đã thành quen. Ngày 2 bận đi về, các em phải cuốc bộ hơn 20 cây số. Ngày nắng phải vượt qua đồi cát bỏng rát đôi chân. Ngày mưa, rét run vì lạnh, nhiều em trượt ngã ướt hết sách vở, áo quần. Ngay cả những em mới vào lớp 6, vài ngày đầu thì còn được bố mẹ đưa tới trường cho quen đường. Sau đó các em cũng phải theo các anh chị tự mình đến trường vì bố mẹ còn bận đi biển, làm vườn, làm rẫy để kiếm cái ăn, cái mặc,… Bài học đầu tiên mà những đứa trẻ mới bước chân vào THCS nơi đây không xe đạp, đều phải biết: vẫy tay xin quá giang bất cứ ai trên đường. Chỉ một số ít gia đình khá giả lắm mới có chiếc xe đạp cũ cho con đi học mà thôi.”

Vừa đi vừa quệt mồ hôi đầm đìa trên mặt, em Lê Văn Công, học sinh lớp 6A1, hổn hển tâm sự:: “Đường xa nhưng chúng cháu phải cố gắng đi về chứ không ở trọ lại vì nhà ai cũng nghèo. Dù thế nào cháu vẫn ước mơ học hết cấp 3 và được vào đại học.”

Theo chân em Lê Văn Công về nhà, tôi gặp chị Nguyễn Thị Hiền- mẹ em (ngụ thôn Cù Hin, Cam Hải Đông). Vừa đang tất tả cùng mấy đứa con thu gom mớ rong biển đã phơi khô vào bao, chị vừa bộc bạch: “Nghề này là nguồn thu nhập chính của gia đình chúng tôi. Tôi có 9 đứa con, chồng tôi làm nghề đục đá và đã mất vì bị đá đè. Dù khó khăn thế nào, tôi cũng cố gắng động viên các con đến trường. Nhưng hiện tại, phần vì đường đi lại quá xa, phần vì các con thương mẹ khó nhọc nên 3 đứa con giữa đã bỏ học ngay từ lớp 6. Giá mà trường ở gần nhà hơn, hoặc có nơi nào cho các cháu trọ học miễn phí, có lẽ con tôi đã không phải nghỉ học sớm!...”

Mái ấm chắp cánh ước mơ

Thực tế, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể cũng rất quan tâm, nhưng lực bất tòng tâm. Bởi lẽ, mặc dù số học sinh ở đây nhiều, nhưng chưa đủ sức thuyết phục để đầu tư xây dựng một trường PTCS. Đặc biệt, địa hình, địa lý và sự phân bổ dân cư lại thưa thớt, bất hợp lý, phần lớn họ sống tự phát theo điều kiện và nhu cầu của mỗi hộ cá thể. Vì vậy, hơn mười năm qua, Cộng đoàn Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ tại Tổ dân phố Bãi Giếng 3, Cam Đức (Cam Lâm, Khánh Hòa) là một trong những nơi nuôi dưỡng, chắp cánh cho ước mơ còn dang dở của những trẻ em nghèo nơi đây. Tại nhà dòng, ngoài thời gian đến trường, các em được cho ăn no, được vui chơi và còn được học những bài học đạo đức tối thiểu trong ứng xử.

Chị Nguyễn Thị Tâm, người dân thôn Cù Hin, Cam Hải Đông, chia sẻ: “Tôi có 6 đứa con thì đã có 3 đứa phải bỏ học. Tôi xót lắm, đứa nào cũng học sinh tiên tiến cả. Gia đình tôi sống bằng nghề mò cua, bắt ốc, vớt rong biển… thu nhập luôn không đủ chi phí. May có các Sơ nhà dòng Khiết Tâm giúp đỡ nơi ăn chốn ở, nên còn 2 cháu Lê Thị Mai và Lê Văn Mỹ đang được đến trường. Chúng tôi hy vọng, được sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện như trên, không chỉ các con chúng tôi mà cả các cháu trong xã này sẽ có tương lai sáng sủa hơn…”

Sơ Bảo Vân- phụ trách Cộng đoàn Khiết Tâm cho biết: “Người dân Cam Hải Đông còn khổ cực lắm, làm không đủ ăn chứ nói gì đến việc cho con em đi học. Nhà nào khá thì cho con đi học được vài năm rồi nghỉ giữa chừng, còn nhà khó thì thì việc học chỉ là mơ ước. Thiết nghĩ, các em cần phải được học chữ thì mới có thể thoát khỏi cái nghèo và giúp ích cho xã hội, cho đất nước, nên chúng tôi đã vận động lòng hảo tâm của mọi người, tạo điều kiện cho các em được đến trường. Tuy nhiên, hiện nay khuôn viên nhà dòng đã quá chật hẹp, số lượng các em được đến trường ngày càng tăng, nơi dành cho các em ăn, ngủ, học tập đã bắt đầu quá tải, vì vậy Linh mục quản xứ đề nghị chúng tôi dành mảnh đất gần 400m 2 kề bên nhà dòng để xây nơi ăn ở mới cho các cháu. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng vừa mừng, vừa lo vì chưa biết lấy kinh phí từ đâu để xây dựng khu ký túc xá này…”

Hành trình đến với cái chữ của trẻ em xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa còn quá gian nan và ước mơ chân chính được đi học, được trở thành công dân sống có ích, cống hiến nhiều cho xã hội của trẻ thơ Cam Hải Đông trở nên xa tầm tay với. Nếu xã hội có được nhiều hơn những tấm lòng vàng, là chúng ta cho các em thêm cơ hội trưởng thành, chấp cánh cho các em đến những ước mơ, chân lý cao đẹp nhất!...

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/p0c186n21189/duong-den-truong-qua-xa.htm