Đường cao tốc Bắc - Nam: Đáng lẽ phải đầu tư cách đây 20 năm!

Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, đáng lẽ ra dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phải được làm cách đây 20 năm.

Bớt tượng đài, cổng chào... lấy vốn xây đường cao tốc

Bộ Giao thông vận tải vừa trình Chính phủ đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP.HCM với tổng chiều dài 1.372 km.

Bộ này cho biết, hiện đang triển khai một số dự án cao tốc, dự kiến đến năm 2020 sẽ đưa vào khai thác 470 km. Do vậy, để thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam dài khoảng 1.800 km, sẽ phải đầu tư thêm 1.372 km từ nay đến 2020.

Tuy nhiên, vấn đề có lẽ lớn nhất của dự án vừa được Bộ Tài chính chỉ ra đó là việc huy động nguồn vốn. Với kinh phí đầu tư khoảng 229.800 tỷ đồng, vốn nhà nước chiếm tới 93.500 tỷ đồng (40%) – đây là con số quá lớn so với kế hoạch đầu tư công trung hạn, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.

Cũng theo Bộ Tài chính, trường hợp không cân đối được nguồn vốn ngân sách nhà nước như dự kiến trong đề án thì phải nghiên cứu lùi thời điểm thực hiện.

Nêu quan điểm về vấn đề này với BizLIVE, ông Huỳnh Thế Du – giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, đáng lẽ ra dự án này phải được làm cách đây 20 năm.

“Bây giờ làm quá trễ rồi. Sau 30 năm đổi mới mà chúng ta vẫn chưa xây dựng được hệ thống đường bộ cao tốc từ Bắc chí Nam… Do vậy cần phải làm ngay và làm thật nhanh”, ông Du nêu quan điểm.

Theo ông Du, Việt Nam đang có rất nhiều khoản đầu tư không hợp lý và những quyết định không dứt khoát, từ tượng đài đến cổng chào, rồi việc xây đường Hồ Chí Minh hết sức tốn kém ít người sử dụng hay việc mở rộng quốc lộ 1A cách đây 20 năm rồi bây giờ lại mở rộng nữa… Những quyết định đầu tư không dứt khoát làm cho việc đưa ra những quyết định quan trọng rất khó.

Ví dụ, do quốc lộ 1A đã có quyết định mở rộng và đường Hồ Chí Minh đã xây nên sẽ gây khó khăn trong việc tập trung lượng xe cho đường cao tốc. Bây giờ lại khó và nếu bây giờ không dứt khoát thì một thời gian sau lại phải tiếp tục làm theo kiểu nửa vời này.

“Cần rà soát để cắt tất cả các dự án vô bổ hay đầu tư nửa vời. Tập trung vào những công trình trọng điểm như đường cao tốc Bắc – Nam và nhiều những dự án khác”, ông Du nhấn mạnh.

Theo ông Du, trước nay Việt Nam vẫn đề cập tới việc tái đầu tư công nhưng đến nay vẫn chưa làm được tốt việc đó. Muốn làm tốt, không còn cách nào khác là chúng ta buộc phải lựa chọn: Hoặc là tiếp tục đầu tư dàn trải để nền kinh tế vốn đã có “trục trặc” lại càng trầm trọng hơn hoặc chọn xây dựng công trình trọng điểm quan trọng, tạo động lực cho nền kinh tế.

“Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 sắp diễn ra vào tháng 10 tới đây, tôi nghĩ nên đem vấn đề này ra mổ xẻ. Chúng ta cần phải có quan điểm phát triển rõ ràng hơn. Cổng chào hay tượng đài không tạo ra tăng trưởng kinh tế, khi nào đất nước mình giàu lên rồi hãy làm việc đó.

Tại Diễn đàn kinh tế vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia đã dẫn chứng chi thấy nguồn lực của Việt Nam không phải là ít, thực tế chúng ta huy động nguồn lực rất lớn nhưng sử dụng không hiệu quả”, ông Du chia sẻ.

Liệu có hiệu quả?

Bên cạnh vấn đề về huy động vốn, một số chuyên gia cũng lo ngại về tính hiệu quả của đề án. TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, quốc lộ 1 hiện có chất lượng khá tốt, do vậy nếu sau này mức phí cho một xe ôtô lưu thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam lên đến hàng triệu đồng, người dân sẽ chọn đi quốc lộ 1 hoặc đi máy bay, còn hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt, do vậy cao tốc Bắc Nam có thể vắng khách.

Ông Thủy cho biết, ông đi đường Hồ Chí Minh thấy nhiều đoạn rất ít phương tiện, như vậy là tuyến đường này chưa phát huy hết hiệu quả. Đường bộ Bắc Nam đã có quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, giờ thêm cao tốc là dàn trải trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn hẹp.

Bàn về vấn đề này, ông Huỳnh Thế Du phân tích: Bình quân quốc lộ 1 chỉ đạt vận tốc khoảng 40-50km/h. Đó là sự lãng phí vô cùng. Nếu tăng gấp đôi vận tốc này lên, giảm thời gian vận tải sẽ tiết kiệm rất nhiều cho doanh nghiệp. Nếu chúng ta tính toán được phương án làm sao để cho một mức phí vừa phải, chắc chắn người ta sẽ chọn đi cao tốc.

“Còn nếu Quốc lộ 1 không thu phí mà phí đường cao tốc Bắc Nam cao quá thì khả năng cao sẽ vắng xe”, ông Du nói.

Theo ông Du, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống đường cao tốc đóng vai trò xương sống cho hạ tầng giao thông quốc gia. Đó cũng là lý do khiến hoạt động kinh tế chỉ tập trung ở vùng Hà Nội và TP.HCM, trong khi các địa phương khác rất khó phát triển. Do vậy, Nhà nước cần bỏ tiền ngân sách ra xây dựng hệ thống đường bộ từ Bắc tới Nam. Và một số trục xương cá phải làm.

“Tốc độ xe chậm kéo theo năng suất nền kinh tế cũng giảm. Nếu chúng ta nhìn vào nền kinh tế lớn nhất thế giới thì sẽ thấy. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ xây đường cao tốc rất là hoàn thiện, tạo đà phát triển rất lớn cho sự phát triển kinh tế sau này”, ông Du nói.

Mạnh Nguyễn

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/dia-oc/duong-cao-toc-bac-nam-dang-le-phai-dau-tu-cach-day-20-nam-2079484.html