'Dưới ánh mặt trời': Góc nhìn khác về Bắc Triều Tiên

Bộ phim tài liệu “Under the Sun” của Vitaly Mansky mang đến những thước phim khác biệt về “quốc gia bí ẩn nhất thế giới” thông qua câu chuyện về một em nhỏ Triều Tiên đáng yêu.

Người ta kể lại rằng trong chuyến thăm đầu tiên tới Liên Xô vào năm 1963, lãnh tụ Cuba của Fidel Castro được sắp xếp đi tham quan rất nhiều cơ sở văn hóa kinh tế khang trang. Tại thành phố Leningrad (nay là Saint Petersburg), khi được một bé gái đáng yêu tặng hoa, ông Castro lập tức đề nghị muốn ghé thăm nhà trẻ của cô bé.

Yêu cầu bất ngờ của vị lãnh tụ người Cuba khiến các quan chức địa phương bối rối. Sau nhiều lần từ chối, họ đưa ông tới một ngôi trường mẫu giáo khang trang tại Leningrad, nơi mà bé gái đang theo học.

Gặp lại em bé tặng hoa cho mình mấy hôm trước, ông Castro vui vẻ gợi ý em hãy dẫn ông đi thăm quan trường lớp, để rồi nhận được câu trả lời bất ngờ rằng: “Cháu xin lỗi, cháu vẫn chưa quen đường. Cháu mới ở đây được hai ngày thôi”.

Bộ phim tài liệu Under the Sun khiến người xem phần nào nhớ đến câu chuyện của lãnh tụ Fidel Castro tại Liên Xô năm 1963. Ảnh: Icarus Films.

Câu chuyện một cô bé

Hóa ra cô bé là thành viên một trại trẻ mồ côi còn nghèo, và các quan chức địa phương buộc phải chuyển em tới “ngôi trường mới” đẹp đẽ chỉ để gây ấn tượng với Fidel Castro.

Hơn một nửa thế kỷ sau câu chuyện của Fidel Castro tại Liên Xô, đạo diễn người Nga Vitaly Mansky quyết định kể lại câu chuyện tương tự về một bé gái Bắc Triều Tiên thông qua tác phẩm tài liệu Under the Sun.

Bộ phim khắc họa cuộc sống thường nhật của cô bé học sinh Lee Zin Mi những ngày trước, trong, và sau khi được kết nạp vào Đội Thiếu niên Kim Nhật Thành vào đúng Quang Minh Tinh - dịp kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh tụ Kim Jong Il.

Sinh ra trong một gia đình “cơ bản” của xã hội Bắc Triều Tiên với bố là kỹ sư trong phân xưởng may và mẹ là công nhân xí nghiệp sữa đậu nành, Zin Mi cũng giống như rất nhiều đứa trẻ khác tại Bình Nhưỡng.

Under the Sun theo chân Lee Zin Mi (bìa phải). Cô bé đang chuẩn bị được kết nạp vào Đội Thiếu niên Kim Nhật Thành và sống trong một gia đình cơ bản tại Bắc Triều Tiên. Ảnh: Icarus Films.

Cô bé được thụ hưởng những điều kiện vật chất và tinh thần đầy đủ với trường học hiện đại, nhà văn hóa đẹp đẽ, bệnh viện tiện nghi, và không thể không kể tới những bữa ăn hấp dẫn với món kim chi bổ dưỡng.

Nhưng cũng giống như câu chuyện của Fidel Castro ở thành phố Leningrad năm xưa, khán giả nhanh chóng nhận ra rằng cuộc sống của Lee Zin Mi ở giữa thủ đô Bình Nhưỡng không chỉ có màu hồng.

Đi ngược lại nguyên tắc của phim tài liệu

Không sử dụng lời dẫn, nhưng bằng những đoạn băng quay thừa “outtake” (vốn luôn bị cắt bỏ trong các phim tài liệu thông thường) và vài dòng chú thích ngắn gọn, Under the Sun mang tới cho người xem một bức tranh khác về cuộc sống của Zin Mi nói riêng và xã hội Bắc Triều Tiên nói chung.

Trái ngược với ý nghĩa của dòng phim tài liệu là phải mô tả sự thật, mọi hành vi, cử chỉ của các “nhân vật” trong Under the Sun đều phải tuân theo kịch bản và sự chỉ đạo của các “đạo diễn” người Bắc Triều Tiên. Họ sẵn sàng can thiệp, bắt Zin Mi và gia đình phải diễn đi diễn lại các phân cảnh nhiều lần cho tới khi ưng ý.

Cũng giống như cô bé mồ côi tại Leningrad năm xưa, Zin Mi được các “đạo diễn” người Bắc Triều Tiên đưa vào không gian sống đẹp đẽ nhất, để phản ánh rõ nhất sự ưu việt của chế độ xã hội tại đây.

Các "đạo diễn" người Bắc Triều Tiên là những nhân vật rất quan trọng của Under the Sun, giúp người xem cảm nhận rõ bầu không khí ngột ngạt tại quốc gia châu Á. Ảnh: Icarus Films.

Cha mẹ của em phải chuyển từ nghề nghiệp thật của họ - một nhà báo và nhân viên nhà hàng - sang những công việc mang tính đại diện hơn cho nhà nước Triều Tiên là kỹ sư và công nhân.

Nhưng bất chấp hàng loạt nỗ lực dàn dựng của nhà chức trách bản địa, người xem vẫn thấy những căn phòng lạnh lẽo, những hành lang tối tăm không chút ánh đèn, và trên hết là những con người Triều Tiên vất vả “dưới ánh mặt trời”.

Nỗ lực làm phim về 'đất nước bí ẩn nhất thế giới'

Thật tình cờ là đạo diễn của Under the Sun sinh đúng vào năm mà Fidel Castro viếng thăm Liên Xô, tức 1963. Ông Mansky quyết tâm thực hiện nên bộ phim miêu tả chân thực cuộc sống, xã hội, và nhất là con người tại đất nước bí ẩn nhất thế giới.

Ông đã phải bỏ ra gần hai năm ròng rã để xin chính quyền Bắc Triều Tiên cho phép mình tới Bình Nhưỡng ghi lại cuộc sống của em học sinh Lee Zin Mi.

Tuy được “bật đèn xanh”, nhưng Mansky và đoàn làm phim phải tuân thủ những điều kiện kiểm duyệt ngặt nghèo như chỉ quay theo kịch bản, nhân vật và bối cảnh được duyệt trước. Đồng thời, mọi thước phim đã quay đều phải được phía Triều Tiên kiểm tra và biên tập cắt bỏ nếu cần thiết.

Nhưng với các thủ thuật nghề nghiệp như bấm máy quay khi các “đạo diễn” người Triều Tiên lơi là và sử dụng thẻ nhớ phụ để lưu lại những thước phim không bị kiểm duyệt, ông Mansky đã thành công trong việc mang tới khán giả hình ảnh Bắc Triều Tiên rất khác.

Bất chấp điều kiện quay phim ngặt nghèo, đạo diễn Vitaly Mansky vẫn phần nào thành công trong ý đồ nghệ thuật của bản thân. Ảnh: Icarus Films.

Chẳng cần tới lời dẫn, những trường đoạn dài đằng đẵng nối tiếp nhau mô tả các “đạo diễn” Triều Tiên bắt “diễn viên” của họ diễn đi diễn lại. Bộ phim chứa đựng nhiều hình ảnh đắt giá: trẻ em phải học các mẩu chuyện với nội dung chống Mỹ và Hàn Quốc mà các em phải học thuộc lòng, các nghệ sĩ nhí khi biểu diễn phải gắn trên đầu biểu tượng vũ khí hạt nhân.

Nhưng sự kiểm duyệt gắt gao của chính quyền Triều Tiên đã khiến Vitaly Mansky không có nhiều lựa chọn về mặt hình ảnh và nội dung cho tác phẩm.

Sự lặp đi lặp lại mô-típ các “đạo diễn” Triều Tiên can thiệp vào cảnh quay dễ khiến khán giả cảm thấy nhàm chán khi không có quá nhiều điều mới lạ ở một bộ phim kéo dài hơn 100 phút nếu so với những gì báo chí phương Tây thường mô tả về Bắc Triều Tiên.

Khó ai có thể cầm lòng trước vẻ trong trẻo, ngây thơ, hay những giọt nước mắt buồn bã của Zin Mi và các bạn của em. Và hẳn nhiều người cũng đồng tình với nhận xét của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye sau khi xem xong bộ phim vào ngày Thiếu nhi Hàn Quốc 5/5.

Bà nói: “Tôi cảm thấy rằng chúng ta cần quan tâm tới trẻ em Bắc Triều Tiên, những đứa trẻ đang phải sống không có mơ ước trong hoàn cảnh cơ cực, kể cả trong ngày Thiếu nhi này”.

Bình Nhưỡng phản ứng mạnh

Tuy nhiên, sự tương tác còn hạn chế giữa đoàn làm phim của Mansky với đối tượng của bộ phim, đặc biệt là Zin-mi, cũng khiến cho thông điệp của bộ phim còn thiếu đi tính thuyết phục.

Chưa hẳn thuyết phục, nhưng Under the Sun có thể khiến người xem chiêm nghiệm ra nhiều điều về quốc gia Bắc Triều Tiên. Ảnh: Icarus Films.

Bởi Bắc Triều Tiên hoàn toàn có thể lý luận rằng không phải họ, mà chính Vitaly Mansky mới cố tình “lợi dụng” sự ngây thơ của Zin Mi và dàn dựng bộ phim theo ý đồ chính trị của ông. Theo Asahi, chính quyền Bình Nhưỡng đã yêu cầu Nga cấm chiếu bộ phim, tịch thu phim và trừng phạt đạo diễn.

Sự thật nằm ở Mansky hay chính quyền Triều Tiên, hẳn mỗi khán giả sẽ có câu trả lời cho riêng mình. Nhưng ánh mắt vô hồn, buồn bã của người dân Bình Nhưỡng trong những bức hình gia đình chụp kỷ niệm, hay những bậc cầu thang âm u không chút ánh sáng vì thiếu điện là những hình ảnh hiếm thấy về Triều Tiên.

Công chúng và báo chí quốc tế phản ứng tích cực với Under the Sun. Tuy nhiên nhiều người lo ngại bộ phim sẽ khiến nhà chức trách Triều Tiên quyết tâm nói không với các đoàn làm phim nước ngoài.

Việt Phương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/duoi-anh-mat-troi-goc-nhin-khac-ve-bac-trieu-tien-post688745.html