Dược sinh học 'Made in Vietnam'

Nhiều lãnh đạo Bộ Y tế cũng không tin được sản phẩm do Nanogen sản xuất là thành quả của người Việt.

Cuối năm 2010, làng dược trong nước xôn xao khi công ty dược phẩm hàng đầu thế giới kiện Pegnano, nhà sản xuất một loại thuốc điều trị viêm gan của Việt Nam, với lý do vi phạm bản quyền. Ba năm sau sự việc mới lắng xuống vì công ty dược đa quốc gia không đưa ra được văn bản pháp lý để chứng minh điều đó. Sự việc xảy ra được ví như “châu chấu đá voi” khi một công ty Việt Nam đối đầu trực tiếp với “người khổng lồ” của ngành dược thế giới.

Người ta chỉ biết nhà sản xuất Pegnano là công ty Nanogen, chứ ít ai hình dung được chặng đường dài mà công ty Việt Nam duy nhất sản xuất được thuốc sinh học đã trải qua.

Cách đây vài năm, viêm gan là bệnh có nguy cơ cao ở Việt Nam. Cả nước chỉ khoảng 1.000 người sử dụng được thuốc điều trị viêm gan nhập khẩu vì giá đắt đỏ. Đến nay, nước ta đã hoàn toàn khống chế được căn bệnh này. Đóng góp vào thành quả ấy không thể không nhắc đến sản phẩm do Nanogen sản xuất, đã chiếm được 80% thị phần thuốc điều trị viêm gan B, C chỉ sau 2 năm xuất hiện trên thị trường. Bằng phương pháp sinh học phân tử, Nanogen đang sản xuất các dòng sản phẩm khác điều trị suy thận, xơ gan, tăng bạch cầu trung tính hỗ trợ bệnh nhân ung thư hóa trị, xạ trị… vốn là những thị trường độc quyền của các tập đoàn dược đa quốc gia.

Không còn xa lạ với các bác sĩ trong ngành nhưng Nanogen không chi tiền cho các kế hoạch marketing để được biết đến rộng rãi. Cũng như vậy, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty là Tiến sĩ Hồ Nhân là người kín tiếng. Ông từng sinh sống và tốt nghiệp tại Mỹ về ngành công nghệ sinh học. Nhìn thấy cơ hội ở Việt Nam khi chưa có một đơn vị đủ tài lực và trình độ sản xuất dược sinh học, lại muốn sống kề cận gia đình, nên Tiến sĩ Hồ Nhân gác lại công việc kinh doanh ở Mỹ để về lập nghiệp tại quê nhà.

Lúc đó, y học trong nước chỉ mới nghe đến sinh học phân tử chứ chưa có những nghiên cứu ứng dụng cụ thể. Cơ sở pháp lý để quản lý các đơn vị hoạt động ngành này cũng chưa có. “Hồ sơ về dự án sản xuất thuốc sinh học của tôi mất gần 2 năm mới được duyệt. Khi thành lập Khu công nghệ cao tại quận 9, tôi được giao một mảnh đất nhỏ, xung quanh cây cối um tùm...”, ông Nhân kể lại những ngày đầu xây dựng cơ sở Nanogen từ năm 2006. Đến nay, hai nhà máy hiện đại đạt chuẩn châu Âu với tổng mức đầu tư 50 triệu USD của Nanogen vừa hoàn thiện và đi vào vận hành với tổng công suất 40 triệu đơn vị thuốc/năm.

Dược hóa học đang chiếm phần lớn thị trường Việt Nam, đa phần là thuốc nhập khẩu vì nhà sản xuất trong nước không chủ động được nguồn nguyên liệu. Trong khi đó, dược sinh học là một hướng đi mới đang được cả thế giới đầu tư nghiên cứu, nhiều nhất là Mỹ khi nước này mỗi năm chi hàng trăm triệu USD cho nghiên cứu. Giá trị của ngành dược sinh học năm 2014 từng được ước tính hơn 1.000 tỉ USD và có tốc độ tăng trưởng 9,4%/năm cho đến năm 2020.

Ngành sản xuất dược sinh học đứng trước cơ hội lớn khi loại thuốc này được công nhận điều trị trúng đích, hiệu quả hơn và ít có phản ứng phụ với người bệnh do được bào chế qua nhiều công đoạn “bắt chước” quá trình sinh học thực tế của cơ thể người.

Sản xuất thuốc sinh học bắt đầu từ nghiên cứu, thiết kế gen theo mong muốn, rồi cấy gen đó vào tế bào và nuôi cấy dòng tế bào lớn lên. Khi phát triển, tế bào đồng thời sản sinh được những protein mong muốn. Protein sau đó được thu về, tinh sạch để trở thành thuốc nguyên liệu... Tóm tắt là vậy nhưng trên thực tế, quy trình sản xuất mỗi loại thuốc sinh học trải qua khoảng 5.000 bước và phải kiểm tra chất lượng sau mỗi công đoạn để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe, không được xảy ra bất kỳ sai sót nào vì ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Vì vậy, thậm chí nhiều lãnh đạo Bộ Y tế và các cơ quan ban ngành cũng không tin được những sản phẩm do Nanogen sản xuất là thành quả của người Việt đến khi tận mắt tham quan dây chuyền sản xuất của nhà máy. “Nhiều loại thuốc sản xuất tại những tập đoàn đa quốc gia đều do người Việt ở nước ngoài thực hiện”, ông Nhân khẳng định trình độ của những nhà khoa học nước ta trong nghiên cứu dòng sản phẩm này. Thế nhưng không phải ai cũng làm được, vì mỗi loại thuốc cần hàng ngàn tỉ đồng để nghiên cứu sản xuất, máy móc cao cấp phải nhập khẩu. Đến nay, Nanogen là thương hiệu Việt duy nhất tồn tại được trên sân chơi này.

Phòng nghiên cứu của Nanogen. Ảnh: Sơn Phạm

Thời gian để phát minh và sản xuất một loại thuốc sinh học cần đến 10 năm, còn để sản xuất thuốc tương đương sinh học, tức sản xuất thuốc có hoạt tính tương đương thành tố của thuốc gốc sau khi hết bản quyền thì mất 4-5 năm. Nanogen đi theo cách làm này, đồng thời nâng cao tỉ lệ nội địa hóa trong sản phẩm để hạ thấp giá thành. Các sản phẩm của Công ty có giá chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 những loại thuốc cùng loại do nước ngoài sản xuất.

Ngoài cạnh tranh, mức giá này còn giúp sản phẩm Nanogen vào được hế thống bảo hiểm y tế, tạo cơ hội cho nhiều người tiếp cận được với thuốc sinh học.

Theo BMI, tổng giá trị tiêu thụ thuốc của thị trường Việt Nam năm 2016 ước đạt 105.798 tỉ đồng. Trong đó, ông Nhân cho biết ngành thuốc sinh học đạt khoảng 5.000-7.000 tỉ đồng và sẽ tiếp tục tăng trưởng. Ước tính của Nanogen cho biết các sản phẩm “made in Vietnam” của Công ty đang chiếm 30% giá trị và hơn 50% thị trường dược sinh học tại Việt Nam. Ngoài bán sản phẩm, nguồn thu còn đến nhượng quyền và nghiên cứu theo hợp đồng cho những đối tác nước ngoài.

Thành tựu đạt được ngày nay không đơn giản khi trước đó Nanogen phải tìm cách thuyết phục các bác sĩ sử dụng thuốc của một công ty Việt chưa có tên tuổi thay vì sản phẩm ngoại. Các nhân viên của công ty tìm đến nhiều bệnh viện ở các quận, huyện TP.HCM và các thành phố lân cận thuyết phục các bác sĩ sử dụng thuốc. Một tháng sau nếu bệnh nhân tiến triển tốt, ít phản ứng phụ thì Công ty mới lấy tiền thuốc.

Đến nay, ngoài thị trường nội địa, các sản phẩm thuốc tiêm đặc trị của Công ty còn xuất khẩu sang các thị trường Đông Nam Á, châu Phi, Nam Mỹ… để phục vụ số đông người dân chưa có điều kiện tiếp cận thuốc sinh học. Không dừng lại ở thuốc, một nhà máy đang được Nanogen xây dựng để sản xuất thiết bị thông minh giúp người bệnh và bác sĩ tương tác, chăm sóc sức khỏe nhờ công nghệ. Các thiết bị đeo tay kết nối Wi-Fi giúp bác sĩ khám, chẩn đoán, nhắn tin nhắc nhở bệnh nhân, tự động ngấm thuốc vào thời gian xác định… là những tác dụng của thiết bị đang được Nanogen nghiên cứu vốn chưa từng xuất hiện trên thị trường.

Với bản tính ít nói, trầm ngâm, kế hoạch trong thời gian sắp tới được ông Nhân chia sẻ thận trọng. Để mở rộng quy mô Công ty, ông đang cân nhắc bán cổ phần cho các công ty đa quốc gia, để huy động được vốn mua lại những công ty dược tại Nga, Trung Quốc, châu Phi nhằm mở đường cho Nanogen bước vào những thị trường này. Kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) cũng được ông nhắc đến khi giá trị Công ty hiện tại đã được định giá hơn 1 tỉ USD.

Với những kế hoạch lớn còn ấp ủ, thế nhưng kết thúc cuộc trò chuyện với NCĐT, điều làm nhà khoa học - doanh nhân này trăn trở lại là làm thế nào để đầu tư và mở lối được nhiều hơn cho sự phát triển của thế hệ sau.

Lan Anh

Lan Anh

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/cong-nghe/kham-pha/duoc-sinh-hoc-made-in-vietnam-3317110/