Được hỗ trợ DN chẳng dám mừng

(VEF.VN) - Được "cứu" bằng 5 nhóm giải pháp tổng thể với quy mô giá trị 29.000 tỷ đồng nhưng các doanh nghiệp lại tỏ ra không hoan hỉ cho lắm.

DN cần thiết thực hơn

Có thể, dư âm của gói kích cầu khổng lồ 17.000 tỷ đồng cho nền kinh tế hồi năm 2009 vẫn còn ấn tượng sâu đậm trong giới doanh nghiệp Việt Nam. Ngay sau công bố gói cứu trợ 29.000 tỷ đồng quy mô tiền thuế, Bộ Tài chính đã khẳng định đây không phải là gói kích thích nền kinh tế như năm 2009 mà chỉ là gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp lúc khó khăn. Nhưng dù vậy, nhiều doanh nghiệp chia sẻ với Diễn đàn kinh tế Việt Nam, báo VietnamNet đã không giấu nổi sự thất vọng.

"Chúng tôi chẳng thấy thiết thực lắm với gói cứu trợ của Bộ Tài chính. Các giải pháp đưa ra rất toàn diện nhưng không thấy mang lại nhiều lợi ích sát sườn cho doanh nghiệp dệt may", bà Dương Thị Ngọc Dung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may thẳng thắn bày tỏ.

Theo vị lãnh đạo này, các doanh nghiệp ngành dệt may đang đôn đáo tìm kiếm đơn hàng. Hiện, quý II vào mùa cao điểm thì tình hình ký hợp đồng mới tạm đỡ khó khăn nhưng quý III, quý IV thì vẫn chưa có tín hiệu sáng sủa gì. Các công ty dệt may nhỏ còn khốn khó hơn nhiều.

"Giờ đây, giữ được kết quả kinh doanh không lỗ là khó lắm rồi. Các doanh nghiệp dệt may chúng tôi còn lo chiến đấu để tồn tại, đau đầu với bài toán làm sao để có tí chút lợi nhuận, để không chết yểu. Chẳng ai thấy quan tâm hào hứng với việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp hay gia hạn thuế VAT trong 6 tháng", bà Dung nói.

Theo bà Dung phân tích, gói hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tức sẽ phải có các điều kiện tiêu chí, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp dệt may sử dụng nhiều lao động nữ lại không được ưu tiên gì.

Nhiều chính sách thiết thực cho doanh nghiệp dệt may, đã từng sử dụng thành công ở năm 2009 thì Bộ Tài chính không đề xuất áp dụng.

Đơn cử như khoản có tác dụng trực tiếp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp là giảm 50% tiền thuê đất thì Bộ lại dành cho ngành thương mại, dịch vụ mà không ưu tiên cho ngành sản xuất, gia công.

Vị lãnh đạo doanh nghiệp này lộ rõ sự thất vọng khi nói: "Chính sách hỗ trợ thiết thực nhất là bù lãi suất như năm 2009 thì năm nay, Chính phủ không giải quyết giúp doanh nghiệp theo hướng này. Trong khi đó, các doanh nghiệp gia công đang phải co cụm lại, hạn chế phải đi vay nguồn vốn nên việc giảm lãi suất ngân hàng vừa qua cũng chưa tận dụng được. Đáng lẽ, doanh nghiệp nhập khẩu để làm hàng xuất khẩu sẽ được vay ngoại tệ vỡi lãi suất bằng đồng Việt Nam nhưng thông tư mới đây của Ngân hàng nhà nước lại không cho vay ngoại tệ đối với các trường hợp này.

Trước đây, năm 2009, doanh nghiệp còn được giảm thuế giá trị gia tăng VAT. Khi có lãi, chính khoản tiền VAT này sẽ được các doanh nghiệp dệt may sử dụng để chi thêm vào quỹ lương để giữ chân người lao động. Bởi lương công nhân dệt may đang thấp và bị cạnh tranh khốc liệt về nhân lực. Nhưng nay, VAT chỉ được gia hạn chứ không được giảm. Cùng đó, các chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương chủ trì để giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường lại đang bị hạn chế lớn về kinh phí.

Dường như rất đồng cảm với vị phó tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam, ông Đinh Huy Tam, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, các phương án về thuế của Bộ Tài chính đề xuất chưa có ý nghĩa gì nhiều đối với chúng tôi.

Theo ông Tam, mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp thép là giảm hẳn thuế VAT từ 10% xuống 5% hoặc 0%. Còn việc trì hoãn 6 tháng khoản thuế nay thì tác dụng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là không lớn, không đáng kể.

Như đại diện Bộ Tài chính cho biết, gói cứu trợ doanh nghiệp đặt trong bối cảnh triển khai đồng bộ với các chính sách ngành khác, như lộ trình giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Vì thế, giải pháp về lãi suất không đề cập trong gói cứu trợ này.

Tuy nhiên, ông Tam cho hay, hạ lãi suất là một tín hiệu tích cực nhưng thực tế bao giờ cũng có độ trễ chính sách. Điều quan trọng hơn là các ngân hàng thương mại thực tế cho vay thì giảm lãi suất đến mức nào, có dễ tiếp cận không. Như thời gian qua, các doanh nghiệp thép chúng tôi vẫn thấy rất khó tiếp cận kênh này.Ngoài trừ hàng xuất khẩu, nông sả... được ưu tiên, ngành thép vẫn phải chịu lãi vay từ 14,5% đến 18%/năm, bên ngoài còn cao hơn.

Theo ông Đinh Huy Tam, khi Chính phủ thắt chặt tín dụng, giảm đầu tư công thời gian qua, ngành bất động sản và cả ngành vật liệu xây dựng đã bị ảnh hưởng nặng nề. Cách thức hỗ trợ tốt nhất là Nhà nước cần khơi thông đầu ra cho ngành này. Chỉ khi nào bất động sản hồi phục lại, các dự án xây dựng đầu tư công hoạt động đẩy mạnh tiến độ thì ngành vật liệu xây dựng, trong đó có thép mới không bị đình trệ.

Mặc dù Nhà nước đã đưa ra giải pháp cứu nhưng các doanh nghiệp thép vẫn chờ đợi diễn biến để liều lượng hoạt động của mình.

Cần cụ thể tới từng nhóm đối tượng

Chia sẻ với Diễn đàn kinh tế Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ, phạm vi của gói hỗ trợ doanh nghiệp này rất hẹp và con số tổng mức hỗ trợ theo một số chuyên gia tính toán thực sự chỉ là 9.500 tỷ đồng, chỉ là số lẻ của quy mô giá trị được công bố. Trong gói này, hầu hết là các khoản phí, thuế chỉ là hoãn lại, giãn lại, Nhà nước cho doanh nghiệp vay khoản đó trong vài tháng sau đó sẽ phải trả lại mà không phải trả lãi.

"So với khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa thì gói hỗ trợ như vậy là rất khiêm tốn", bà Lan đánh giá. Bên cạnh đó, vị chuyên gia kinh tế này chỉ ra những lo ngại nhãn tiền về hệ lụy cơ chế xin - cho, không minh bạch, không công bằng khi gói cứu trợ đi vào thực tế.

Liên quan giải pháp chi tiêu công, Nhà nước có dự kiến đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án công nhằm tiêu thụ sắt thép, xi măng tồn kho... Nhưng tính hiệu quả của đầu tư công nhiều năm nay là kém, đã được nói nhiều. Liệu rằng, cơ hội cung ứng hàng hóa vật tư cho các dự án công này có được dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa không?

Rút kinh nghiệm bài học này, bà Lan cho rằng phải làm sao đưa ra cơ chế phân loại doanh nghiệp được hưởng cứu trợ một cách minh bạch, rõ ràng hơn, tránh để các doanh nghiệp lớn "nuốt" mất. Thậm chí, Chính phủ cần công bố danh sách những doanh nghiệp nhận sự hỗ trợ của gói cứu trợ.

Điều đáng lưu ý, bà Phạm Chi Lan cho rằng, riêng thuế VAT cần thiết phải giảm thì mới mong gánh đỡ phần nào khó khăn cho người tiêu dùng. Nếu không hỗ trợ cho tiêu dùng thì đầu ra của doanh nghiệp hàng hóa vẫn bị tắc. Trong khi tiêu dùng nội địa hiện đóng góp tới 65% tăng trưởng của nền kinh tế.

Không kỳ vọng quá nhiều ở gói cứu trợ này, TS Nguyễn Minh Phong thẳng thắn bình luận, gói cứu trợ chủ yếu là các giải pháp kỹ thuật về mặt chính sách. Nhà nước chỉ đưa ra chính sách chứ không tung ra tiền như trước. Điều này cũng cần thông cảm vì ngân sách luôn bí tiền. Một số giải pháp khác đòi hỏi tốn tiền hơn, không hợp với mục tiêu lạm phát nên Nhà nước không sử dụng.

TS Phong nhìn nhận rằng: "Ở lần cứu trợ này, sẽ có những doanh nghiệp sắp chết mà không được hỗ trợ nhiều. Nhưng 1/3 là doanh nghiệp ảo, doanh nghiệp đầu cơ thì đáng để cho chết. Chúng ta không nên đặt nặng nề quá vấn đề phải cứu tất cả các doanh nghiệp sắp chết, nhất là khi nguồn lực có hạn".

Nguồn VietnamNet: http://vef.vn/2012-05-11-duoc-ho-tro-dn-chang-dam-mung