“Đứng” trong “lúa đứng cái” là gì?

Để có biện pháp chăm sóc phù hợp, căn cứ quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa, người ta chia ra nhiều thời kỳ khác nhau. Ví dụ: thời kỳ mạ, bén rễ hồi xanh; đẻ nhánh; đứng cái; làm đòng; trổ bông... Trong đó, “lúa đứng cái” là thời kỳ đặc biệt, đánh dấu bước phát triển quan trọng của cây lúa. Vậy “lúa đứng cái” là gì?

1- “Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên) giải nghĩa: “đứng cái”: t. Nói cây lúa bắt đầu đứng thẳng trước khi có đòng đòng”.

2- “Từ điển tiếng Việt (Vietlex): “đứng cái”: t. [cây lúa] ở vào giai đoạn đã ngừng đẻ nhánh, thân đứng thẳng và chuẩn bị phát triển thành đòng”.

3- “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “đứng cái”: Nói cây lúa ngừng đẻ nhánh, bắt đầu đứng thẳng trước khi làm đòng: Lúa mới đứng cái mà lụt thì mất mùa”.

4- “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “đứng cái”: dt. Nở bụi to, đứng sởn-sơ, gần có đòng-đòng: Lúa đứng cái”.

Như vậy, theo như các cuốn từ điển 1-2-3 thì “đứng” trong “đứng cái” nghĩa là “đứng thẳng”. Riêng cuốn thứ 4, Lê Văn Đức giải nghĩa là “đứng sởn-sơ”. Chính “Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức giải thích: “sởn sơ”: tt. Mạnh khỏe, tươi đẹp, mau lớn. Cách giải thích này không rõ nghĩa khi hình dung về cây lúa.

Theo chúng tôi, cách giải thích của các nhà biên soạn từ điển chỉ mới đúng được nửa đầu (tức “đứng cái” là lúc cây lúa sắp có đòng). Bởi lúa vừa cấy xong, cây lúa bị ngả nghiêng nhưng chỉ sau khoảng 1 tuần và suốt quá trình sinh trưởng, lúc nào cây lúa chẳng “đứng thẳng”?

Thời kỳ sắp làm đòng, lá lúa cứng và đứng lá hơn nhưng “đứng” ở đây không phải “đứng thẳng” mà nghĩa là dừng, không đẻ nhánh nữa; “cái” là cây mẹ, nhánh mẹ, có khả năng đẻ ra nhánh con. Lúa “đứng cái”, tức cây lúa chấm dứt thời kỳ đẻ nhánh để chuyển sang một giai đoạn sinh trưởng khác: làm đòng. “Đứng” ở đây được hiểu tương tự trong “đứng bóng” (còn gọi “tròn bóng”) hay “đứng tuổi” - một kiểu “chuyển tiếp” giữa hai thời kỳ: “người đã quá tuổi trẻ mà chưa đến tuổi già” (Việt Nam tự điển - Hội Khai trí).

“Từ điển Bách khoa nông nghiệp” giải nghĩa “lúa đứng cái” như sau: “lúa ở thời kỳ đã đẻ nhánh xong và chuẩn bị làm đòng. Thời kỳ đứng cái biểu hiện rõ với các giống lúa cao cây, dài ngày, các nhánh lúa đều ngừng đẻ, bụi lúa như đứng lại. Còn đối với các giống lúa thấp cây ngắn ngày, thời kỳ đứng cái không biểu hiện rõ. Ở thời kỳ chuyển tiếp này, trong mỗi bụi lúa đã có nhánh phân hóa đòng, trong khi một vài nhánh còn tiếp tục đẻ thêm trong mấy ngày rồi cả bụi lúa mới chuyển sang làm đòng”.

“Từ điển sinh học phổ thông” (NXB Từ điển Bách khoa, 2005): “Lúa đứng cái - Giai đoạn cây lúa chuyển từ dinh dưỡng sang sinh thực, hình thành cơ quan sinh sản và phát triển, thay đổi cấu tạo, hình thể, sinh lý, sinh hóa”. (NXB Từ điển Bách khoa, 2005).

Nghĩa của “đứng” trong “đứng cái” là như vậy, nên muốn xác định thời điểm lúa “đứng cái” để tiến hành bón đón đòng, người ta thường quan sát xem đầu lá đã “thắt eo” (tức hơi co lại ở vị trí cách đầu lá chừng 4-5 cm) hay chưa hoặc cây lúa đã “tròn khóm” (đẻ đồng đều), “tròn mình” (hình thành lóng) chưa chứ không phải xem cây lúa có “đứng thẳng” hay không.

HOÀNG TUẤN CÔNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/dung-trong-lua-dung-cai-la-gi-20160716211820867.htm