Đừng trao "vũ khí hạng nặng" cho nhà báo tâm không sáng

Đó là chia sẻ của nhà báo, TS Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam trong buổi tọa đàm "Đạo đức người làm báo và những rủi ro trong quá trình tác nghiệp báo chí" do Chi hội Nhà báo Báo Thanh tra tổ chức sáng nay (26/10).

Theo TS Trần Bá Dung, đạo đức là vần đề cốt lõi, sống còn của người làm báo, bởi báo chí có tác động xã hội rất lớn. Người làm báo phải nêu cao được đạo đức nghề nghiệp, cũng là thực hiện trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Bảo đảm thông tin cho nhân dân vừa đáp ứng nhu cầu thời sự về cuộc sống, vừa phải hướng tới những giá trị nhân văn.

Có rất nhiều tình huống vi phạm đạo đức người làm báo: Cố tình hoặc vô tình vi phạm pháp luật; thông tin sai sự thật; vi phạm bí mật quốc gia; đưa tin làm phương hại đến lợi ích chung; xâm phạm đời tư; thông tin phản văn hóa hay thiếu tôn trọng công chúng...

TS Trần Bá Dung chia sẻ tại tọa đàm "Đạo đức người làm báo và những rủi ro trong quá trình tác nghiệp báo chí" do Chi hội Nhà báo Báo Thanh tra tổ chức ngày 26/10. Ảnh: Trọng Tài

Thực tế thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc nhà báo viết vì mục đích trục lợi cá nhân. Có người đã bị xử lí theo pháp luật vì tham gia chạy án, tống tiền doanh nghiệp, cá nhân, viết sai sự thật… TS Dung cũng dẫn chứng cụ thể, vụ thông tin nước mắm nhiễm arsen gây hoang mang hàng chục triệu người tiêu dùng, đẩy hàng vạn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nước mắm đứng trước nguy cơ phá sản. Mặc dù ngay sau đó, Bộ Y tế đã công bố kết quả kiểm tra khẳng định tất cả mẫu nước mắm lấy trên thị trường đều an toàn, nhưng nỗi oan thì được giải, hệ lụy thì vẫn còn đó...

Trên trận tuyến chống tham nhũng, tiêu cực, TS Trần Bá Dung nhấn mạnh, nhà báo cần phải bảo vệ nhân vật. Nếu nhà báo chỉ đưa thông tin mà không bảo vệ nhân vật của mình, sẽ đưa họ đến chỗ nguy hiểm, thậm chí phương hại đến tính mạng. Đó cũng là một sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp không thể chấp nhận.

Bên cạnh đó, người làm báo cũng không được vụ lợi trong tác nghiệp. Nhiều trường hợp, nhà báo lợi dụng mối quan hệ với nhân vật để "ra" tiền, "ra" căn hộ, "ra" thuế, biên chế... Một nhóm nhỏ người làm báo ấy đã biến báo chí trở thành công cụ để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân "đánh" lẫn nhau.

"Mỗi cơ quan báo chí có cách quản lý phóng viên riêng, có tiêu chí đánh giá năng lực riêng đối với cán bộ, phóng viên. Đó là quyền của tổng biên tập. Nhưng tổng biên tập của một cơ quan báo chí thì phải biết tư cách đạo đức của phóng viên,đừng bao giờ giao cho những nhà báo tâm không sáng, lòng không trong đi viết điều tra. Bởi điều đó chẳng khác nào trao "vũ khí hạng nặng" cho không đúng người, sẽ gây ra những hậu quả không thể lường hết được", ông Trần Bá Dung nhấn mạnh.

Để tránh được những rủi ro trong tác nghiệp báo chí, theo nhà báo Trần Bá Dung, những người làm báo cần bám thật sát vào khung pháp lý để hiểu được quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, những gì được phép làm, những gì phải tránh.

Kết thúc buổi tọa đàm, TS Trần Bá Dung chia sẻ: "Nghề báo là một nghề rất vinh quang, nhưng cũng có lúc nếm trải cay đắng. Các nhà báo phải tự bảo vệ mình và lúc nào cũng khắc cốt ghi tâm một điều trước khi đặt ngòi bút, đó là, những gì mình viết ra có hại cho người khác không, có hại cho nhân dân không?".

H.P

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/dung-trao-vu-khi-hang-nang-cho-nha-bao-tam-khong-sang_t114c1159n111180