Dùng thuốc bừa bãi, gây suy thận

PN - Chỉ vì lạm dụng thuốc giảm đau, nhiều bệnh nhân phải ghép thận hoặc lọc máu, chạy thận nhân tạo suốt đời.

Các bác sĩ cho biết, có đến 85% bệnh nhân khi phát hiện suy thận đã rơi vào giai đoạn cuối, bởi hầu hết người bệnh suy thận thường không có triệu chứng rõ rệt ban đầu; thậm chí, khi mắc bệnh lại nhầm do biếng ăn, suy dinh dưỡng, cao huyết áp… Tự đầu độc Mỗi tuần, PGS-TS-BS Phạm Văn Bùi, Phó giám đốc BV Nguyễn Tri Phương đã tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân (BN) có dấu hiệu suy thận đến khám. Đáng nói là hầu hết BN đều đã bước sang giai đoạn cuối của bệnh. Mặc dù chưa thống kê đầy đủ, nhưng BS Bùi cho biết, hiện có hơn 20 trường hợp BN suy thận được ông theo dõi điều trị có liên quan đến tình trạng sử dụng thuốc vô tội vạ. Còn tại BV Nhi Đồng II TP.HCM, có đến 60 trẻ mắc bệnh suy thận mãn giai đoạn cuối phải nằm điều trị nội trú để lọc máu liên tục. Cũng như người lớn, chậm được phát hiện bị suy thận, có đến 85% trẻ em khi chẩn đoán đúng bệnh đã ở giai đoạn cuối. Số còn lại nhờ vô tình phát hiện ra hoặc do bệnh liên quan đến thận sẵn có. PGS-TS Trần Thị Mộng Hiệp - Trưởng khoa Thận - máu - nội tiết, BV Nhi Đồng II cho biết, nguyên nhân của suy thận thường do dị dạng đường tiết niệu, bệnh lý cầu thận, di truyền, nhưng có đến 50% trẻ bị suy thận mà không tìm ra nguyên nhân. Những trường hợp này, suy thận chính là hậu quả của các bệnh lý khác nhau gây ra; trong đó có cả việc sử dụng tràn lan thuốc kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch. Các thuốc này khi thải qua thận lâu dài, sẽ khiến tế bào của ống thận bị hoại tử, gây suy thận. Trẻ bị suy thận phải lọc máu liên tục tại BV Nhi Đồng II TP.HCM Các BS khuyến cáo, có trên 90% loại thuốc uống bài tiết qua thận trước khi rời khỏi cơ thể. Nhiều loại thuốc tích tụ lâu ngày trong cơ thể trở thành chất độc, khiến thận hay những bộ phận khác trong cơ thể bị tổn thương, đặc biệt là các nhóm thuốc giảm đau (nhức đầu, cảm cúm, sốt, viêm khớp) hoặc thuốc kháng sinh. Riêng với một số loại thảo dược, người ta còn phát hiện những chất tồn tại trong cây cỏ như Aristolochic axít… nếu uống lâu dài không kiểm soát, không chỉ khiến thận bị suy mà còn có thể ung thư. Do đó, việc uống thuốc buộc phải có chỉ định và được bác sĩ theo dõi. 3% người bị suy thận sống đến giai đoạn cuối Nhiều BN thấy cao huyết áp nghĩ do mắc bệnh tim, thấy xanh xao nghĩ thiếu máu, cuối cùng bệnh không hết lại đi siêu âm thận, lúc này khi bệnh được phát hiện thì đã quá muộn bởi sự lòng vòng trước đó. Đặc biệt, nhiều trẻ em trở nên biếng ăn, chậm tăng trưởng chiều cao, cân nặng so với trẻ bình thường, thế nhưng nhiều bác sĩ chỉ kê toa chế độ dinh dưỡng hợp lý mà bỏ qua kiểm tra chức năng thận, khiến trẻ không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời. Vì không được tầm soát tốt, nên mỗi năm BV Nhi Đồng II “đón nhận” hơn 20 bệnh nhi mới phải ghép thận hoặc lọc máu, chạy thận nhân tạo suốt đời. Theo BS Mộng Hiệp, khi phát hiện trễ, nhiều hậu quả ập lên đầu người bệnh, chi phí trung bình cho một BN chạy thận nhân tạo suy thận mãn giai đoạn cuối mỗi năm lên đến 100 triệu đồng, còn BN ghép thận cũng tiêu tốn ngót nghét 80-90 triệu đồng/năm cho các loại thuốc chống thải ghép. Chưa kể, nhiều trường hợp bị tai biến dẫn đến tử vong trong quá trình phẫu thuật, điều trị. BS Bùi lo ngại, nhiều người cho rằng khi nào đến giai đoạn cuối thì bệnh suy thận mới nguy hiểm, nhưng thực tế chỉ có khoảng 3% người bị suy thận sống được đến giai đoạn cuối. Vì sự chủ quan, không điều trị chặt chẽ nên đã xảy ra một số tai biến, biến chứng khiến BN tử vong ở những giai đoạn trước đó. Theo BS Bùi, một trong những biểu hiện của bệnh thận mãn tính là cao huyết áp. Suy thận thường không có triệu chứng ban đầu, khi có vài dấu hiệu như: chán ăn, nhợn ói liên tục, chậm tăng trưởng, cao huyết áp… lúc này đã rơi vào tình trạng thiếu máu do độ lọc cầu thận đã giảm mạnh (dưới 25%), tình trạng phù phổi cấp bắt đầu ở giai đoạn nặng. Triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm sinh học và biến chứng của suy thận mãn ở trẻ em tương tự như ở người lớn. Điều khác biệt là suy thận mãn ở trẻ em diễn ra trên một cơ thể đang tăng trưởng. Thật khó để xác định khi nào thận bị suy chức năng vì không có dấu hiệu lâm sàng, hoặc chỉ có dấu hiệu lâm sàng ở giai đoạn bệnh đã tiến triển xa. Do đó, với những BN bị hội chứng thận hư, dị dạng đường tiết niệu… nên đi khám thường xuyên để phát hiện bệnh kịp thời. Nếu đã mắc bệnh, phải cố gắng điều trị để làm chậm suy thận tiến đến giai đoạn cuối, kéo dài sự sống cho người bệnh. Có thể dự phòng bằng cách phát hiện sớm nguyên nhân qua tầm soát bằng que thử nước tiểu, hoặc khám sức khỏe định kỳ để được thử nước tiểu, máu, sinh thiết thận, siêu âm. Văn Thanh - An Quý

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2010/Pages/dung-thuoc-bua-bai-gay-suy-than.aspx