Dùng thuốc 'bổ não cấp tốc' - Nên hay không?

Những dịp cuối năm học, các bậc phụ huynh và học sinh lại truyền tai nhau mua những loại thuốc “bổ não”, thuốc tăng cường trí nhớ

Những dịp cuối năm học, các bậc phụ huynh và học sinh lại truyền tai nhau mua những loại thuốc “bổ não”, thuốc tăng cường trí nhớ với hy vọng những viên thuốc này có thể giúp các em vượt qua kỳ thi một cách dễ dàng và đạt điểm số cao. Vậy những viên thuốc này có thực sự giúp các em như mong đợi?

Có thuốc “bổ não” không?

Thuốc bổ là cách gọi dân dã khi nhắc đến các loại thuốc chứa vitamin, khoáng chất hoặc dịch chiết thực vật… có tác dụng bổ sung vi chất, làm trẻ hóa tế bào, tăng cường khả năng biến đổi thức ăn thành dưỡng chất nuôi cơ thể. Thực tế trong y học không có nhóm dược lý nào có tên thuốc bổ não. Một số thuốc được sử dụng trên đối tượng người già mắc chứng bệnh suy giảm trí nhớ, nhưng ngày nay đang ngày càng bị lạm dụng trên các đối tượng khác như trẻ em, học sinh những người khỏe mạnh bình thường với hy vọng tăng trí nhớ để vượt qua kỳ thi.

Có nhiều loại thuốc bổ đang được coi là có tác dụng trên hệ thần kinh. Thực tế, thì một số thuốc có tác dụng cải thiện trí nhớ và một số tác dụng khác như tăng khả năng nhận thức, tư duy… Phần nào các thuốc này giúp cho hệ thần kinh có thể đạt được sự minh mẫn, do đó chúng được gọi là các thuốc thông minh. Tuy nhiên, các tác dụng này đều không đặc hiệu. Các thuốc này được chia thành các nhóm:

Các chất dinh dưỡng: Bao gồm vitamin B, omega-3, DHA. Vitamin nhóm B là nhóm vitamin có thể hòa tan trong nước đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình trao đổi chất của các tế bào trong cơ thể và cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể. Tất cả các loại vitamin nhóm B sẽ kết hợp với nhau và giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, phát triển hệ thần kinh, duy trì quá trình trao đổi chất, gia tăng khả năng phân chia và phát triển của các tế bào trong cơ thể.

Các thuốc cải thiện hoạt động trí tuệ: Đây là các thuốc thuộc nhóm racetam như piracetam, aniracetam, nebracetam, fasoracetam, imuracetam… Chúng có một số tác dụng chung là làm tăng nồng độ các chất trung gian thần kinh như acetylcholin, tăng hoạt hóa thần kinh, tăng chuyển hóa trong tế bào thần kinh nên có vẻ như nó làm cải thiện hoạt động trí tuệ.

Các chất kích thích thần kinh: Đây là những thuốc có tác dụng làm tăng nồng độ các chất trung gian thần kinh, làm cường chức năng các thụ cảm thể alpha trung ương, do đó là tăng khả năng tỉnh táo và khả năng học tập. Những thuốc này không trực tiếp tác động vào hoạt động tư duy mà chỉ tạo điều kiện cho hoạt động ấy diễn ra tốt hơn. Các thuốc này bao gồm: atomoxetine, reboxetine, synephrine, arecoline, nicotine, caphein, adrafinil, armodafinil, modafinil...

Các thuốc cải thiện trí nhớ: Những thuốc này đều có chung một mục đích là làm tăng nồng độ acetylcholin, chất trung gian dẫn truyền ở não bộ. Thuốc có tác dụng tốt nhất là ở những người bị bệnh sa sút trí tuệ, mất trí nhớ nghiêm trọng.

Các thuốc bổ thần kinh: Ví dụ như picamilon, gingko, vinpocetin, cinnarizin… là những thuốc được coi là thuốc bổ thần kinh và hay được dùng trong mùa ôn thi. Các thuốc này có tác dụng làm thay đổi lưu lượng máu não và làm thay đổi chuyển hóa của các tế bào não. Những thuốc này đặc biệt có tác dụng với những người bị chứng thoái hóa, xơ cứng mạch, cao tuổi, nhồi máu, chảy máu não.

Tự dùng thuốc – lợi bất cập hại

Thật dễ dàng để mua một thuốc được cho là bổ não, tăng cường trí nhớ tại các nhà thuốc, thậm chí các thuốc này thuộc nhóm thuốc cần phải kê đơn. Không chỉ tại Việt Nam, rất nhiều quốc gia trên thế giới đều gặp một tình trạng chung: Học sinh, sinh viên sử dụng chất kích thích, các thuốc tăng cường trí nhớ trước mùa thi. Đây cũng là cơ hội để thị trường đen đưa vào các dòng thuốc, thực phẩm chức năng đáp ứng nhu cầu của các gia đình bất kể chất lượng thuốc ra sao. Những kẻ trục lợi sẽ lợi dụng tâm lý lo lắng của phụ huynh và học sinh, họ đăng quảng cáo thông tin thuốc “siêu tốc” cho trí nhớ học sinh trên các diễn đàn học tập, dẫn nhiều đường link và cố gắng dụ dỗ, thuyết phục đến việc mua thuốc một cách dễ dàng. Bố mẹ không nên tự ý cho con dùng thuốc để tránh các biến cố bất lợi có thể xảy ra với con.

Không nên tự ý mua thuốc cho con uống để tránh những biến cố bất lợi có thể xảy ra.

Như trên đã phân tích về cách thức tác dụng của thuốc trên hệ thần kinh và tỏ ra hiệu quả trong khả năng cải thiện chức năng thần kinh trung ương. Nhưng các thuốc này chỉ có tác động rõ nét trên trường hợp bệnh lý điển hình và hầu như ít tác dụng trên người bình thường khỏe mạnh. Nếu sử dụng chúng như những thuốc bổ mùa ôn thi, thì lợi bất cập hại và phải lưu ý đến những vấn đề sau:

Các chất DHA, omega-3 cần cho sự hình thành và phát triển não bộ nên rất cần cho trẻ em. Ở người trưởng thành, não bộ không hình thành và phát triển thêm nữa và DHA, omega 3 ít có ý nghĩa với người trưởng thành. Đối với vitamin nhóm B, khi bị thiếu thì sẽ dễ nổi nóng, thần kinh bị suy nhược, thậm chí bị co giật. Ngược lại, nếu dùng một lượng lớn các thuốc bổ sung vitamin B thì hệ thần kinh sẽ bị rối loạn hoặc bị tê liệt.

Các thuốc như vinpocetin, galantamine… có tác dụng phụ nghiêm trọng vì nó tác động vào mạch máu, các thụ cảm thể thần kinh, tác động vào nồng độ các chất trung gian thần kinh. Thuốc modafinil giúp làm giảm cơn buồn ngủ nặng do chứng ngủ rũ và các chứng rối loạn giấc ngủ khác. Học sinh sử dụng modafinil với mục đích chống buồn ngủ để tăng thời gian học thì thuốc có thể gây ra nhiều phản ứng bất lợi cho cơ thể như nhịp tim không đều, chứng ảo giác, suy nghĩ, hành vi bất thường…

Vậy nên phụ huynh và học sinh không nên dùng thuốc kê đơn mà không theo chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý dùng thuốc không có trong chỉ định mà nhà sản xuất đưa ra để tránh các tác dụng không mong muốn xảy ra.

DS. Lê Thị Thùy Dung

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/dung-thuoc-bo-nao-cap-toc-nen-hay-khong-n132554.html