Đừng thờ ơ trước nỗi đau đồng loại

Tại sao không dùng mạng xã hội như MC Phan Anh – người đã kêu gọi được số tiền hơn 10 tỷ ủng hộ đồng bào Miền Trung trong cơn lũ vừa qua, hay chí ít cũng là những sẽ chia bằng lời nói, hình ảnh với đau thương mất mát của đồng bào mình. Buồn thay, trong những ngày mà khúc ruột Miền Trung đang vật vã khắc phục thiên tai thì một bộ phận không nhỏ vẫn vô tư khoe hình vui chơi, nhày múa chốn xa hoa. Có lẽ vì bức xúc mà một người bạn của tôi trên facebook đã to gan lớn mật ra lời kêu gọi tạm gác lại những bức hình khoe mẽ cá nhân

Ảnh minh họa (internet)

Mạng xã hội giờ chẳng khác mấy với cái “sọt rác online”, tuy nhiên không phải ai muốn quăng thứ gì vào đó cũng được mà không cần đắn đo suy nghĩ, bởi thông tin vô tâm của bạn có thể giết chết một người ở đâu đó mà bạn không hề hay biết.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất thế giới với 45,5 triệu người dùng chiếm 48% dân số, trong đó có hơn 30 triệu người dùng Facebook (Fb) – mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Thật đáng buồn và bất ngờ vì “nhiên liệu” để tạo nên tốc độ tăng trưởng vũ bão là hàng chục triệu bạn trẻ dành hầu hết thời gian để ngày đêm “cày” game và mạng xã hội mà đại diện là Fb. Không ai có thể phủ nhận sự tiện ích của Fb trong đời sống hằng ngày, với một ưu thế là “siêu kết nối” Fb có thể mang lại cho người dùng những người bạn từ mọi nơi, đây cũng là phương tiện giúp chúng ta chia sẻ nhanh những thông tin bổ ích, những hoàn cảnh éo le cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng…

Tuy nhiên, cách ứng xử lệch lạc của không ít người dùng, nhất là giới trẻ đã biến Fb trở thành cái sọt rác khổng lồ, là nơi phát tán những thông tin không thể nào “nhảm” hơn được, như cách đây không lâu cái gọi là “Bản tuyên ngôn học sinh” của một học sinh THPT tung lên Fb xuyên tạc lịch sử, thóa mạ nhà trường và thầy cô khiến cộng đồng mạng không khỏi bàng hoàng bức xúc.

Sự lôi cuốn kỳ diệu của nút “thích” khiến các “Facebooker” bất chấp mọi hoàn cảnh, điều kiện, đạo đức và thuần phong mỹ tục để có được một bức hình dị, độc, lạ!?. Khiến nhiều người phải thốt lên; cái nút “thích” là gì mà khiến con người ta mê cuồng đến khủng khiếp.

Fb còn là nơi để không ít người bêu xấu nhau, hạ nhục nhau mỗi khi có mâu thuẫn, với tốc độ lan truyền chóng mặt từ tiện ích “chia sẻ”, thông tin bất kể đúng sai sẽ lan truyền đến hàng ngàn hàng vạn người chỉ trong chốc lát. Chắc hẳn dư luận vẫn chưa thể quên được cái chết tức tưởi đau đớn của một nữ sinh lớp 9 ở Đồng Nai vì bị bạn trai phát tán hình ảnh nhạy cảm lên Fb khi hai bên xãy ra mâu thuẫn, hay một cô giáo tương lai ở Hà Tĩnh dở sống dở chết trước cảnh bị tung ảnh nóng… và nhan nhãn những sự việc như giết người, đâm chém, hành hung bạn…chỉ vì mâu thuẫn trên Fb.

Với tính năng “bình luận”, các “anh hùng bàn phím” vô tư văng tục, miệt thị đối tượng mình không ưa, sẵn sàng gây mâu thuẫn với bất kỳ ai. Fb là nơi mang lại thật nhiều giá trị “ảo” vậy nên chính nó là thủ phạm cướp đi rất nhiều giá trị thực tế của không ít người dùng, đã góp phần không nhỏ khiến con người ngày càng thờ ơ, lãnh đạm với nỗi đau và hoạn nạn của đồng loại mình.

Vụ tai nạn liên hoàn do tài xế taxi gây ra trên cầu vượt Thái Hà - Hà Nội làm dư luận bàng hoàng cách đây hơn một năm về trước, khi xem lại clip không ít người có lương tâm đã tỏ ra đau xót bức xúc trước hành động thấy tai nạn nhưng nhiều bạn trẻ rút điện thoại ra chỉ để… quay phim chụp ảnh tung lên Fb với mục đích nhận được nhiều bình luận và chú ý, trong khi nhiều nạn nhân nằm la liệt cần sự giúp đỡ.

Với ưu điểm tương tác cao, Fb đã bị lợi dụng để biến thành những khu “chợ tình online” nhộn nhịp người ra kẻ vào thâu đêm suốt sáng, tình trạng báo động đến nỗi mới đây đích thân Ban quản trị Fb đã phải ra tay ngăn chặn những trang web “đen” xuất phát từ Việt Nam.

Đau đớn hơn, không ít nữ sinh đã rơi vào tay những gã săn tình từ Fb và hậu quả đau lòng khi tương lai các em bỗng trở nên u ám, mù mịt vì trót dại nên mang trong mình những dư chấn quá lớn về tâm, sinh lý. Mạng xã hội đang ngày càng trở thành “liều thuốc” an thần không thể thiếu của giới trẻ, ở Mỹ và Trung Quốc đã có trại “cai nghiện Facebook”, với Việt Nam, đứng thứ 6 Châu á và xếp 17/20 quốc gia có số lượng người dùng Internet lớn nhất thế giới, thì nguy cơ xuất hiện trại “cai nghiện Facebook” là hoàn toàn có thể.

Fb nói riêng và mạng xã hội nói chung đã và đang tạo ra những ma trận thông tin, những cái bẫy với đủ các thể loại khác nhau luôn luôn giăng sẵn rình rập người dùng, nhất là hiện nay kỹ năng sống của giới trẻ chưa được chú trọng bồi dưỡng từ trong gia đình và nhà trường.

Internet và mạng xã hội sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai, không ai có thể chắc rằng sẽ không còn những cái chết thương tâm hoặc những sự việc đau lòng khi con người, nhất là giới trẻ quá thiếu kỹ năng để ứng xử trên mạng xã hội. Việc thiếu định hướng, hướng dẫn từ gia đình, nhà trường về kỹ năng sử dụng mạng xã hội, nhất là vấn đề chọn lựa thông tin đã đẩy các em vào mê cung thật - giả lẫn lộn, khi mạng ảo nhưng nỗi đau là thật.

Trương Khắc Trà

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/ban-doc-viet/dung-tho-o-truoc-noi-dau-dong-loai-603911.bld