Dùng phân Lâm Thao 'trị' đất dốc, nông dân Sơn La lợi lớn

“Hàng chục năm nay, phân bón Lâm Thao đã gắn bó với bà con nông dân chúng tôi, nhờ thế mà ngay cả khi trồng trọt trên đất dốc, chúng tôi vẫn có những mùa màng tươi tốt” - ông Vì Văn Tuyên-Phó Trưởng bản To Buông, xã Lóng Phiên (huyện Yên Châu, Sơn La) khẳng định như vậy khi trò chuyện với chúng tôi.

Đất càng dốc, càng cần phân bón

So với những vùng miền khác trong tỉnh Sơn La, huyện Yên Châu có địa hình bị chia cắt dữ dội bởi những sườn núi cao. Vì thế, hầu hết diện tích đất sản xuất của bà con trong vùng đều là đất dốc, việc canh tác gặp nhiều khó khăn. “Đất dốc thì lớp màu dễ bị rửa trôi, cây trồng thường sinh trưởng chậm và cho năng suất kém. Để hóa giải bài toán này, ngoài biện pháp nâng cao kỹ thuật canh tác, chọn những giống tốt cho nông dân chúng tôi phải thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con sử dụng phân bón hợp lý trong quá trình sản xuất để nâng cao hiệu quả canh tác, từ đó tăng thu nhập” – ông Hà Như Huệ - Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết.

Cây bí ngô ở Yên Châu có năng suất tới hơn 10 tấn/ha (tương đương với 40 triệu đồng) nhờ phân bón Lâm Thao. Ảnh: Kiều Thiện

Có dịp đến với bà con nông dân bản To Buông, xã Lóng Phiêng, chúng tôi nhận thấy đâu đâu cũng là những quả đồi lúp xúp chen lẫn núi cao, hầu như không có đất bằng. “Trước đây, tỷ lệ hộ đói nghèo của địa phương luôn ở mức cao cũng bởi đất sản xuất có độ dốc lớn quá, trồng cấy rất vất vả. Không có đất bằng, tức là không có ruộng. Canh tác trên nương thì năng suất thấp, hoa màu lại dễ bị mưa, bão gây đổ ngã, thiệt hại…” – anh Vì Văn Thưởng, dân bản To Buông tâm sự.

Nhưng dù đất dốc, người dân Lóng Phiêng cũng không thể bỏ bản mà đi, và bà con đã được đội ngũ cán bộ khuyến nông vào cuộc quyết liệt trong việc tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật canh tác trên đất dốc. Đồng thời, cán bộ giúp bà con nhận thức được vai trò đặc biệt của việc bón phân cho cây trồng cũng như các bí quyết bón phân hiệu quả, tiết kiệm khi canh tác trên đất dốc.

“Trước đây chúng tôi ít bón phân lắm, nhất là những cây trên nương, chỉ tra hạt xong là đợi thu hoạch. Nhưng rồi cán bộ đến đây, làm những mô hình sản xuất có bón đủ phân để người dân tham quan, học tập. Chúng tôi thấy rõ tác dụng của phân bón không chỉ làm cho năng suất cây trồng tăng lên mà còn giúp cây trồng khỏe mạnh, chống chọi được gió bão tốt hơn. Bộ rễ cây trồng phát triển mạnh nên lại giúp chống được xói mòn, rửa trôi đất màu. Vì thế, chúng tôi đăng ký mua phân bón qua chính quyền, hội nông dân, qua các đại lý cung ứng. Khi năng suất cây trồng nâng lên thì nông dân lại có thu nhập lớn hơn. Vậy là niềm tin với phân bón được hình thành. Bây giờ thì ai trồng cây gì cũng phải bón phân cả rồi” – anh Thưởng kể.

Phân bón Lâm Thao giúp đất “đẻ” ra tiền

Tôi dùng phân bón Lâm Thao đã hơn 10 năm nay với nhiều loại khác nhau để bón cho lúa, ngô, khoai, sắn và nhiều cây rau, màu khác nữa. Thấy phân bón có tác dụng tốt cho hoa màu, lại có chính sách mua trả chậm nên tôi vận động bà con trong bản và các vùng lân cận mua về dùng. Đã mấy năm nay, tôi không chỉ mua phân bón Lâm Thao cho riêng nhà mình mà còn làm đại lý cho công ty”.

Anh Vì Văn Thưởng người dân bản To Buông

Chỉ vào những bao tải căng phồng đang chất cao dưới gầm nhà sàn, với những dòng chữ màu trắng trên nền xanh cùng logo 3 lá cọ đặc trưng của phân bón Lâm Thao, anh Vì Văn Thưởng cho biết: “Tôi dùng phân bón Lâm Thao đã hơn 10 năm nay với nhiều loại khác nhau để bón cho lúa, ngô, khoai, sắn và nhiều cây rau, màu khác nữa. Thấy phân bón có tác dụng tốt cho hoa màu, lại có chính sách mua trả chậm nên tôi vận động bà con trong bản và các vùng lân cận mua về dùng. Đã mấy năm nay, tôi không chỉ mua phân bón Lâm Thao cho riêng nhà mình mà còn làm luôn đại lý cho công ty”.

Anh Thưởng cũng cho biết, tuy phân bón Lâm Thao không làm cây “bốc” (tăng trưởng nhanh) như một số loại phân bón khác nhưng phân Lâm Thao có nhiều ưu điểm riêng: Giá thành rẻ và cho trả chậm, dùng phân trước tới khi thu hoạch mùa màng mới phải trả tiền - phù hợp với điều kiện của nhiều hộ nông dân nghèo. Phân bón Lâm Thao có nguồn dinh dưỡng đa chất (gồm cả đạm, lân, kali), lại bền màu nên bà con nông dân rất ưa chuộng. Loại phân bón này cũng thích hợp với nhiều loại cây trồng, nhất là với nền đất dốc.

Nằm ở giữa bản To Buông là ngôi nhà sàn mới dựng của chị Vì Thị Yêu, bên dưới gầm nhà có hàng ngàn quả bí đỏ đang chất thành đống cao. Chị Yêu khoe: “Nhờ bón phân Lâm Thao, năm nay gia đình tôi thu được khoảng 10 tấn bí đỏ, tính ra cũng thu được gần 40 triệu đồng. So với trồng cây ngô chính vụ thì bí đỏ cho thu lãi cao hơn nhiều”.

Anh Vì Văn Minh - Trưởng bản To Buông giải thích: “Người dân ở vùng này trước đây chỉ biết trồng 1 vụ ngô trên đất nương, còn lại là bỏ phí đất tới hơn nửa năm trời vì đất dốc và bạc màu. Từ ngày có đại lý phân bón Lâm Thao ở ngay tại bản, bà con có thể mua chịu được phân bón nên tranh thủ trồng xen 1 vụ cây bí đỏ trên đất trồng ngô. Chỉ là vụ làm thêm nhưng có phân bón tốt nên năng suất bí đỏ khá cao. Có nhà thu tới 20-25 tấn bí đỏ/vụ, tính ra còn lãi hơn cả làm ngô đấy. Nói rằng phân bón Lâm Thao đã giúp đất ở chỗ chúng tôi “đẻ thêm tiền” cũng không phải là quá lời đâu…”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/bi-quyet-nuoi-trong/dung-phan-lam-thao-tri-dat-doc-nong-dan-son-la-loi-lon-726724.html