Đừng nói chữ thương lượng trong bồi thường oan sai

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị như vậy khi thảo luận dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) ngày 27-10.

Khi Nhà nước bồi thường cho người dân bị oan sai, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị phải quy định cụ thể chứ không dùng khái niệm “thương lượng” - Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết qua thực tế thực hiện bồi thường thì đây là lĩnh vực vô cùng khó khăn, vướng mắc.

“Cho đến nay chưa có người nào được bồi thường mà được chi trả đúng thời hạn” - đại biểu Quốc Khánh nói.

Bà Khánh không đồng tình với hai chữ “thương lượng” được quy định trong dự thảo luật: “Phải quy định cụ thể chứ không nên thương lượng. Cần có công thức tính đúng, tính đủ với người bị oan. Làm oan, người ta phải đi tù mà giờ cò kè bớt một thêm hai là không đúng”.

Bà cũng cho rằng thủ tục giải quyết bồi thường phải gọn, dễ cho người bị oan, chứ không thể đặt ra nhiều thủ tục khó khăn, khiến phải xin - cho.

“Tôi cũng đồng ý quy định cơ quan nào làm sai thì cơ quan đó phải có trách nhiệm bồi thường, như vậy sẽ không làm phát sinh đầu mối, cũng tránh tình trạng quýt làm cam chịu” - bà Khánh bày tỏ.

Khẳng định quan điểm khi người thực thi công vụ gây ra thiệt hại cho dân thì Nhà nước phải bồi thường, nhưng Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết trong thực tế thực hiện rất khó, gặp nhiều vướng mắc.

Dẫn vụ ông Nén ở Bình Thuận, ông Bình cho rằng nếu theo đúng quy định thì ông Nén không có bao nhiêu giấy tờ chứng minh (phí tổn, tổn thất).

“Có nhiều khoản không thể chứng cứ hóa được, thiệt hại về danh dự, tinh thần thì không thể định lượng” - ông Bình nói.

Chính vì vậy, với những vụ án oan như của ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, “có người nói rằng thỏa thuận không được thì đưa ra tòa, nhưng ngay cả khi ra tòa cũng rất khó bởi muốn giải quyết phải có căn cứ”.

Theo ông Bình, dự thảo luật quy định cơ quan nào gây ra oan sai thì phải đứng ra bồi thường, nhưng các nước ít có nước nào bồi thường kiểu này mà họ có bộ máy riêng để đàm phán bồi thường, tránh tình trạng mỗi nơi thực hiện một kiểu.

Nguồn nào để bồi thường, hay tiền thuế của dân? Chánh án TAND tối cao cho biết trên thế giới, nhiều nước lập ra quỹ bồi thường, nguồn cho quỹ đó lấy từ việc thu có nguồn gốc hoạt động tội phạm như buôn lậu, ma túy, tham nhũng... bị sung công.

Thiệt hại vì bị tố giác oan cũng phải bồi thường

Đây là đề nghị của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM). Ông nói: “Có trường hợp ngăn chặn xuất cảnh hai, ba năm mà không có một tờ quyết định. Có người là giám đốc doanh nghiệp, vì lệnh cấm xuất cảnh này mà gây thiệt hại.

Hoặc khi có tin báo tố giác tội phạm, có người mời lên mời xuống, cuối cùng được xác định là không liên can. Nhưng thiệt hại thì không biết kêu bồi thường ở đâu”.

Ông Nghĩa đề nghị bổ sung vào dự luật việc phải bồi thường nếu có thiệt hại từ việc ra quyết định hạn chế quyền công dân mà không có căn cứ.

Theo tuoitre.vn

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/dung-noi-chu-thuong-luong-trong-boi-thuong-oan-sai-d33979.html