Đúng, nhưng lẽ ra nên làm sớm hơn

​Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ra quyết định 1981QĐ/Ttg phê duyệt “Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân” gồm 4 cấp học: mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học (ĐH) là một tin tốt. Vẫn biết rằng bây giờ mới tiến hành thì có muộn đôi chút, song rõ ràng là cần thiết và phù hợp với hệ thống giáo dục đào tạo mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng từ lâu. Đây là một bước tiến tích cực xuất phát từ thực tiễn, đã đến lúc phải làm nếu không muốn tụt hậu xa hơn nữa về giáo dục so với các nước khác.

Theo quyết định này, cấu trúc khung trình độ quốc gia có 8 bậc, kèm theo mỗi bậc là các quy định về chuẩn đầu ra, khối lượng tích lũy học tập, văn bằng tương ứng. Thay đổi đáng chú ý trong khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới là việc phân loại đào tạo ở bậc đại học (ĐH) theo định hướng nghiên cứu và ĐH theo định hướng ứng dụng. So với trước kia, thời gian đào tạo bậc ĐH đã rút ngắn từ 4 - 6 năm xuống còn 3 - 5 năm. Thời gian đào tạo Cao đẳng thay vì 3 năm, nay là 2 - 3 năm.

Bậc cao học trước đây đào tạo 2 năm, nay dù là thạc sĩ định hướng nghiên cứu hay định hướng ứng dụng đều quy định linh hoạt từ 1 - 2 năm. Riêng bậc tiến sĩ, trước kia nếu xong cao học, người học chỉ cần học 2 năm tập trung nhưng nay tăng thành 3 năm; với người có trình độ ĐH thì thời gian đào tạo tiến sĩ vẫn là 4 năm.

Tôi không phải là người am tường về giáo dục và đào tạo nói chung. Nhưng đã từ nhiều năm nay, qua tìm hiểu, tôi cũng có đủ cơ sở để biết một điều: Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta so với nhiều nước trên thế giới là khá lạc hậu. Người ta học đại học có khi chỉ 3 năm đã ra trường. Chúng ta học đến 4 -5 năm mới xong. Ấy thế lại vẫn chưa tinh thông ngoại ngữ, tin học - thứ tối thiểu cần có của một người có trình độ đại học nói chung. Thay vào đó chúng ta lại "nhồi "vào đầu các em những kiến thức, những môn học mà nếu có cũng tốt, không có cũng vẫn có thể làm tốt chuyên môn. Điều đó khiến cho thời gian học đại học của sinh viên dài thêm mà kiến thức cần có thì vẫn thiếu, nhiều khi ra trường, đi làm việc vẫn phải tự học thêm.

Tôi không nhớ chính xác chuyện tôi kể sau là vào năm nào nhưng chắc chắn là vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20 (có thể là 1998-1999). Trong một buổi họp giao ban báo chí tại Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo), Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo, GS.TS Nguyễn Minh Hiển có đến báo cáo nhanh với lãnh đạo các cơ quan báo chí về một việc gì đó có liên quan đến ngành ông sau một thời gian thực hiện Nghị quyết Trung ương 2, khóa 8 về công tác giáo dục... Hôm đó, tôi có nêu câu hỏi nhưng thực ra là trình bày nhanh quan điểm cá nhân mình. Tôi nêu những băn khoăn của mình về lĩnh vực đào tạo, mong được ông bộ trưởng giải đáp.

Tôi bày tỏ đại thể như sau: Nghị quyết Trung ương 2 của Đảng vừa ban hành là một động thái tích cực và cần thiết trong bối cảnh chung của đất nước đang có những mối lo tụt hậu về công tác giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, tôi thắc mắc một điều về thời gian học đại học của sinh viên khi đó có hơi dài so với nhiều nước mà cảm thấy vẫn còn hổng kiến thức do những môn học không gắn với chuyên ngành đạo tạo, không mang lại hiệu quả khi các em ra trường làm việc. Ví dụ như sinh viên học khoa học xã hội (KHXH) với sinh viên học khoa học tự nhiên (KHTN) mà sao cùng học các môn Triết học Mác - Lê Nin, Kinh tế chính trị học và Chủ nghĩa xã hội khoa học cũng như chuyên đề Tư tưởng Hồ Chí Minh... giống nhau? (Riêng môn này tôi được biết vào hồi đó đã chiếm khoảng 60 giờ trong toàn khóa học). Nên chăng với những ai học KHXH thì hãy như vậy, còn các sinh viên KHTN thì nên giảm đi một chút để dành thời gian cho các em học môn khác, hiệu quả hơn, cần thiết hơn...

Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển hồi đó hình như cũng mới nhậm chức, nếu không nhầm thì cũng mới chỉ 1-2 năm gì đó nên ông cũng rất tế nhị khi trả lời. Ông chỉ "xin ghi nhận ý kiến đóng góp của nhà báo để chúng tôi nghiên cứu thêm..." chứ ông không hề bày tỏ quan điểm cá nhân ông với tư cách người đứng đầu ngành...

Bản thân tôi bữa đó phát biểu chuyện này cũng phải rào trước đón sau khá cẩn trọng, kẻo dễ hiểu lầm rằng mình coi nhẹ học các môn nói trên trong hệ thống giáo dục của các trường đại học. Tiếc thay, một sự việc tưởng đơn giản là thế nhưng phải gần hai chục năm sau, những tín hiệu tích cực mới được điều chỉnh. Nói theo tư duy triết học, phải chăng nhận thức cũng là cả một quá trình?

Sắp tới, tôi cũng không rõ các chuyên gia giáo dục chuyên ngành của chúng ta sẽ tham mưu thế nào cho chuẩn nhất nội dung học, thời lượng từng môn học. Nhưng có lẽ, đây cũng sẽ là một nội dung cần xem xét sao cho linh hoạt, phù hợp nhất với mỗi ngành học, sao cho vừa đủ, không thừa và cũng không thiếu. Thêm 1-2 năm học đối với các em sinh viên không phải là chuyện nhỏ với nhiều gia đình nghèo hiện nay. Đó là cả một gánh nặng tài chính mà mỗi gia đình các em phải vượt qua. Đó là chưa nói đến chuyện lãng phí về mặt thời gian đối với xã hội. Cái đó thì vô giá! Nên xem xét cách nào để những ai học ở nước ngoài cũng như trong nước không còn vênh nhau về kiến thức chuyên môn...

Quốc Phong

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/dung-nhung-le-ra-nen-lam-som-hon-46827.html