Dùng ngân sách hỗ trợ các trường học khó khăn, cấm lạm thu

Tình trạng lạm thu xảy ra ngày càng tinh vi, một trong những yêu cầu của PTT Vũ Đức Đam là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải bố trí đủ nguồn lực cho giáo dục của địa phương theo quy định.

Hằng năm, trước khi bước vào năm học mới, các cấp quản lý giáo dục đều ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan tới công tác thu chi, thậm chí còn tổ chức đi kiểm tra nhưng cứ đến hẹn lại lên, đầu năm vẫn nóng chuyện lạm thu. Sự việc lùm xùm xảy ra tại một số trường ở Hà Nội, Hải Phòng, Cà Mau, Đồng Tháp... do phải đóng quá nhiều khoản, nhà trường 'núp bóng' tự nguyện để thu vô lý, học sinh chưa được hỗ trợ chi phí của năm học cũ... là một trong số những ví dụ điển hình.

Trước lo ngại của phụ huynh, đưa ra các giải pháp hạn chế tình hình lạm thu, ông Nguyễn Viết Cẩn từng trao đổi với báo chí: Trước hết, ngân sách nhà nước cần đảm bảo điều kiện hoạt động thường xuyên cho nhà trường, vì thế, các địa phương tạo điều kiện về quỹ ngân sách chi cho hoạt động giáo dục. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra và quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Khi phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm minh. Các nhà trường cần thực hiện công khai minh bạch các khoản thu.

Ông Lưu Luyến, Trưởng phòng GD-ĐT H.Phú Xuyên (Hà Nội) cũng cho rằng muốn chống triệt để lạm thu thì chỉ còn cách ngân sách nhà nước phải đầu tư cho sự nghiệp GD-ĐT nhiều hơn nữa. “Người ta không đủ điều kiện thì phải xã hội hóa. Việc lạm thu là do xã hội mong muốn đòi hỏi ở giáo dục rất nhiều, nhưng đầu tư cho giáo dục chưa được nhiều lắm, chưa đáp ứng được hết. Ví dụ như huyện tôi năm nay riêng sửa chữa trường lớp có hơn 10 tỉ, trong khi nhu cầu thực tế cần gấp 3 - 4 lần”.

Thực tế cho thấy, lạm thu xảy ra ngày càng tinh vi đến mức báo động khiến nhiều phụ huynh bày tỏ sự mất niềm tin trong cơ chế quản lý bởi: “Người cấm thì cứ cấm, người thu thì cứ thu". Trong khi đó, những người quản lý giáo dục lại đưa ra rất nhiều lí do để biện minh.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các văn bản của Bộ bảo đảm chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật. Các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải bảo đảm đúng tính chất tự nguyện của người, tổ chức tài trợ, đóng góp. Tuyệt đối không để lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí đủ nguồn lực cho giáo dục của địa phương theo quy định, cấm lạm thu; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm việc thu các khoản thu theo đúng quy định.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm; kịp thời hỗ trợ các trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các cơ sở giáo dục ở khu vực khó khăn, chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, bảo đảm tất cả học sinh được đi học đầy đủ.

Bảo Trâm

Nguồn ANTT: http://antt.vn/dung-ngan-sach-ho-tro-cac-truong-hoc-kho-khan-cam-lam-thu-209705.htm