Dùng ngân sách giúp ngân hàng kém: Lấy tiền ở đâu?

Đành rằng phải dùng tiền tươi để hỗ trợ ngân hàng yếu kém nhưng Chính phủ sẽ lấy tiền ở đâu, trong dự thảo không thấy đề cập.

Đây là nhận xét của TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng khi trao đổi với Đất Việt về dự thảo luật Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến.

PV: - NHNN đang lấy ý kiến dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Trong một bài viết mới đây, chuyên gia kinh tế - TS Phan Minh Ngọc cho rằng, dự thảo đã hợp pháp hóa việc dùng ngân sách để xử lý nợ xấu.

Để minh chứng điều này, TS Ngọc dẫn điều 31 của dự thảo luật về biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém được mua bắt buộc, trong đó nêu rõ tổ chức tín dụng yếu kém được mua bắt buộc có thể được Chính phủ cấp vốn để bổ sung vốn điều lệ, hoặc được Chính phủ cho vay dài hạn với lãi suất đến 0%.

Ông có đồng tình với quan điểm này của TS Phan Minh Ngọc? Vì sao?

Ocean Bank là một trong những ngân hàng đã được ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng.

Ocean Bank là một trong những ngân hàng đã được ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng.

TS Nguyễn Trí Hiếu: - Tôi đồng tình với nhận định của TS Phan Minh Ngọc. Theo đó, các ngân hàng yếu kém sau khi được NHNN mua với giá 0 đồng cần phải bổ sung vốn điều lệ. Đối với ba ngân hàng đã được NHNN mua với giá 0 đồng (OceanBank, CBBank, GPBank), vốn chủ sở hữu (vốn thực của vốn điều lệ) có thể đã âm, mà theo Luật các tổ chức tín dụng, một ngân hàng phải có vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Nếu các ngân hàng đó có vốn âm thì bắt buộc NHNN, vốn là công ty mẹ của các ngân hàng đó và là nhà đầu tư duy nhất, phải bổ sung vốn vào để đảm bảo số vốn điều lệ tối thiểu. Tiền đó là tiền của NHNN, tức là tiền ngân sách.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, không ai biết 3 ngân hàng đó đã được bổ sung vốn điều lệ bao nhiêu. NHNN giao cho các ngân hàng mà Nhà nước nắm quyền chi phối là VietinBank, Vietcombank hỗ trợ 3 ngân hàng 0 đồng, nhưng họ chỉ hỗ trợ vốn hoạt động, tức cho các ngân hàng 0 đồng vay, các ngân hàng này dùng tiền đó để chi trả cho khách hàng hoặc cho vay lại.

Từ đây, tôi cho rằng trong dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu nên bỏ qua bước mua với giá 0 đồng vì bước này không cần thiết.

Sau khi 1 ngân hàng yếu kém bị kiểm soát đặc biệt, thanh tra của NHNN có thể đi đến kết luận ngân hàng này có phục hồi được hay không. Nếu có thể phục hồi được thì đi luôn tới giai đoạn cuối cùng là (tình nguyện/cưỡng bức) sáp nhập, hoặc bán ngân hàng đó cho các nhà đầu tư. Nếu không còn ai muốn mua thì cho ngân hàng phá sản.

Biện pháp mua ngân hàng với giá 0 đồng cách đây 2 năm là để tránh tình trạng đổ vỡ hệ thống, nhưng đó không phải là cách giải quyết hiệu quả. Đến giờ này, chưa thấy các ngân hàng 0 đồng phục hồi mạnh mẽ và nếu cứ trong tình trạng này, cuối cùng chúng cũng đi vào con đường phá sản.

Chính vì thế, tôi đồng ý với TS Phan Minh Ngọc là dự thảo luật đã hợp pháp hóa việc dùng ngân sách để xử lý nợ xấu vì phải bơm vốn vào ngân hàng 0 đồng. Nhưng tôi đề nghị bỏ luôn bước 0 đồng, không cần dùng ngân sách để xử lý nợ xấu và xử lý ngân hàng yếu kém. Thay vào đó, hãy để cho thị trường tự xử lý. Khi vào trong thị trường, nếu ngân hàng hoạt động tốt, có khả năng phục hồi thì thị trường sẽ bơm vốn cho nó hoạt động, còn ngược lại thì cho ngân hàng phá sản luôn, Chính phủ không cần phải bận tâm dùng công quỹ cứu ngân hàng đó nữa.

Nhiều ý kiến băn khoăn rằng: đồng ý phải dùng tiền tươi để hỗ trợ ngân hàng yếu kém nhưng sẽ lấy tiền ở đâu? Trong dự thảo luật không thấy đề cập đến chuyện này.

Khi mua 1 ngân hàng mà vốn của nó âm hoặc bằng 0, muốn nó tồn tại trên thị trường không thể nào không bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng ấy. Thành ra nếu xử lý nợ xấu mà phải bổ sung vốn cho ngân hàng hoạt động, hợp pháp hóa việc NHNN mua với giá 0 đồng thì đến cuối cùng NHNN phải đổ vốn vào, tức tiền của ngân sách đổ vào, đó là điều không tránh được.

Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, nợ công tăng, đi vay khó khăn thì cách hay nhất là không mua lại ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng, không tốn công quỹ gì nữa.

Việt Nam rất "nửa chừng xuân" khi đưa ra giải pháp mà không đưa phương tiện để giải quyết mà giải pháp lại không hợp lý nên không cần đến giải pháp đó nữa.

Một điểm không hợp lý khác, theo tôi, đó là cụm từ mua ngân hàng với giá 0 đồng chỉ mang tính ngụy trang, thực chất nó là quốc hữu hóa. Ba ngân hàng 0 đồng là NHNN mua tất cả cổ phần với giá 0 đồng và NHNN trở thành ngân hàng mẹ của 3 ngân hàng đó, thực chất là quốc hữu hóa ngân hàng. Nhưng có lẽ do ngại nhạy cảm nên người ta sử dụng cụm từ mua ngân hàng với giá 0 đồng

Vậy sự khác biệt giữa quốc hữu hóa ở Việt Nam với quốc hữu hóa ở các nước khác như thế nào? Các nước khác khi quốc hữu hóa 1 ngân hàng, Bộ Tài chính sẽ đứng ra bổ sung vốn cũng như tìm cách quản lý ngân hàng đó theo chính sách của quốc gia đó, mà thường họ quốc hữu hóa vì lợi ích chung chứ không phải quốc hữu hóa để cứu ngân hàng yếu kém.

Trong khi đó, ở Việt Nam thì ngược lại, không vì mục đích nào khác ngoài mục đích không cho đổ vỡ hệ thống ngân hàng. Nhưng khi cứu ngân hàng yếu kém thì lại giao cho mấy ngân hàng thương mại có vốn nhà nước 'nuôi', còn NHNN không đụng gì đến, có chăng cho vay chút đỉnh hoặc mua nợ xấu cho ngân hàng.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/dung-ngan-sach-giup-ngan-hang-kem-lay-tien-o-dau-3333199/