Dùng ngân sách để xử lý nợ xấu là chưa thỏa đáng

Tại “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016 trong giai đoạn mới: thách thức tái cơ cấu và triển vọng”, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đã đưa ra một số lập luận về chuyện cần thiết phải dùng ngân sách để xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Bài viết này xin được góp thêm một số ý kiến chung quanh vấn đề này.

Có ý kiến cho rằng cần phải dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, điều này là không thỏa đáng, khi ngân sách còn nhiều việc cần thiết hơn để xử lý. Ảnh: THÀNH HOA

Trước tiên, người viết cũng đồng ý với quan điểm là phải giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, không vì quyền lợi của một vài cổ đông, một vài ngân hàng mà vì nền kinh tế nói chung. Đồng thời, muốn tái cơ cấu (xử lý) nợ xấu thì không thể để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đơn thương độc mã.

Tuy nhiên, cách nhìn nhận này không đồng nghĩa với cách nghĩ muốn xử lý nợ xấu (hiệu quả) thì phải dùng ngân sách nhà nước, vì hai vấn đề này không nhất thiết phải gắn với nhau.

Theo ông Phước, nguồn lực tham gia giải quyết nợ xấu trong năm năm qua lên đến 12,5% GDP nhưng không rõ nó gồm những khoản chi tiêu nào, ai chi, cho ai và vào đâu. Tuy vậy, theo diễn biến xử lý nợ xấu thực tế mà xã hội được biết thì nguồn lực này có thể bao gồm số tiền NHNN bỏ ra cho các ngân hàng yếu kém, 0 đồng vay dưới dạng cho vay tái cấp vốn để xử ý nợ xấu. Nhưng số tiền này của NHNN không phải là tiền từ ngân sách (mà từ tạo tiền, một nghiệp vụ thông thường của NHNN) nên không thể nói ngân sách đang được dùng để xử lý nợ xấu.

Hoặc nguồn lực trên cũng bao gồm số vốn VAMC đã bỏ ra dưới dạng trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu từ các ngân hàng. Nhưng trái phiếu VAMC cũng không phải là vốn từ ngân sách (bởi vì 2.000 tỉ đồng vốn điều lệ cấp cho VAMC hoạt động vẫn chưa được dùng đến một đồng nào, theo lời người đứng đầu VAMC nói với giới báo chí). Bởi vậy, cũng không thể nói ngân sách đang được dùng để xử lý nợ xấu.

Cho đến nay, chuyện tại sao phải dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu vẫn chưa (bao giờ) được giải đáp rõ ràng, thỏa đáng. Mà như vậy thì cũng không thể yêu cầu dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu!

Quan trọng hơn, dù cho nguồn lực trên có được lấy ra từ ngân sách (nhưng không công khai) để dùng vào một việc nào đó liên quan đến nợ xấu thì, theo nguyên tắc, không phải là cái cớ để kêu gọi tiếp tục và công khai, hợp pháp hóa cách làm này, trừ khi những người có trách nhiệm công khai rõ cách làm, sự cần thiết và lợi ích mang lại của nó cho nền kinh tế nói chung.

Như vậy, về quan điểm, rõ ràng chuyện tại sao phải dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu vẫn chưa (bao giờ) được giải đáp rõ ràng, thỏa đáng. Mà như vậy thì cũng không thể yêu cầu dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu!

Cũng theo ông Phước, để xử lý nợ xấu thì cần 25 tỉ đô la Mỹ trong 5 năm tới. Con số này bao gồm 10 tỉ đô la Mỹ để xử lý số nợ mà VAMC đã mua, 15 tỉ đô la Mỹ còn lại sẽ được các ngân hàng tự thực hiện bao gồm việc bán các tài sản, trích lập dự phòng cấn nợ trừ nợ... đồng thời cần thiết lập thị trường mua bán nợ thực sự.

Tuy nhiên, công luận sẽ đặt câu hỏi xử lý số nợ mà VAMC đã mua là xử lý kiểu gì? Phải chăng là VAMC dùng số tiền 10 tỉ đô la Mỹ này để chi trả các ngân hàng thương mại đã bán nợ xấu cho mình thay vì dùng trái phiếu đặc biệt?

Nếu đúng vậy thì có khác gì “thả gà ra đuổi”. Tại sao lại phải “hào phóng” với các ngân hàng một cách vô nguyên tắc như thế?

Nếu nói rằng cần phải dùng tiền thật để khơi thông những trở ngại về pháp lý và cơ sở hạ tầng (ví dụ, sự thiếu vắng thị trường mua bán nợ) đang ngăn cản VAMC xử lý nợ xấu thì còn có đôi phần có lý. Nhưng chi phí này không thể nào lên đến 10 tỉ đô la Mỹ, mà quá lắm thì cũng chỉ (được phép) là một phần nhỏ trong con số này mà thôi.

Về khoản 15 tỉ đô la Mỹ còn lại dành cho các ngân hàng tự thực hiện (việc xử lý nợ xấu), đề xuất này cũng không rõ ràng và hợp lý. Chẳng hạn, tại sao việc bán các tài sản tại các ngân hàng lại cần (ngân sách) phải rót thêm tiền vào? Nếu cho rằng doanh thu từ bán tài sản không đủ bù đắp chi phí bỏ ra để bán tài sản đó thì tốt nhất đừng tìm cách bán nữa, và ngân sách chẳng cần phải bỏ ra một đồng nào để hỗ trợ cả. Hơn nữa, nguyên tắc nào cho phép dùng ngân sách để hỗ trợ (cho vay) ngân hàng trong việc bán tài sản thế chấp?

Còn nếu nói rằng khoản tiền 15 tỉ đô la này giúp ngân hàng trích lập dự phòng, cấn nợ, trừ nợ... thì cũng vừa vô lý, vừa vô nguyên tắc. Các ngân hàng hiện đang hoạt động hoàn toàn có thể huy động vốn từ phát hành cổ phiếu, tăng mức đóng góp của cổ đông và/hoặc dùng vốn huy động để trích lập dự phòng, thực hiện các nghĩa vụ trả nợ.

Nếu cho rằng một số ngân hàng không thể phát hành cổ phiếu hay tăng mức đóng góp của cổ đông vì đã... không thể làm được nữa thì điều này chứng tỏ sức khỏe của ngân hàng rất yếu và NHNN lúc này buộc phải can thiệp, nếu thấy cần thiết thì cho vay tái cấp vốn như với các ngân hàng 0 đồng, tức là cũng không cần đến vốn từ ngân sách.

Về đề xuất phát hành trái phiếu đặc biệt để huy động vốn trong dân xử lý nợ xấu. Trái phiếu loại này muốn bán được phải có bảo lãnh của Chính phủ vì người mua tiềm năng không muốn phải chứng kiến cảnh “thả gà ra đuổi”. Mà như vậy thì không khác gì việc Chính phủ phát hành trái phiếu thu tiền về cho ngân sách rồi từ ngân sách rót vào các ngân hàng.

Ngoài ra, nếu phải phát hành trái phiếu đặc biệt để huy động vốn xử lý nợ xấu thì tại sao không để các ngân hàng tự phát hành trái phiếu hay tăng cường huy động tiền gửi trong dân? Nếu cho rằng các ngân hàng không làm được việc này mà cần phải có sự can thiệp của Nhà nước (Chính phủ bảo lãnh phát hành) thì lại quay trở lại vấn đề cần có sự can thiệp của NHNN như nói ở trên.

Hơn nữa, chẳng có nguyên tắc nào cho phép Chính phủ bảo lãnh phát hành trái phiếu vì lợi ích riêng của ngân hàng, cho dù dưới “mỹ từ” xử lý nợ xấu vì quyền lợi chung của nền kinh tế.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152820/dung-ngan-sach-de-xu-ly-no-xau-la-chua-thoa-dang.html/