Đừng mong giáo viên say mê với nghề

Đã có 15 năm tuổi nghề, 15 cái tết trôi qua, mỗi năm, ngày hết, tết đến, tôi và tất cả giáo viên trong trường chưa hề biết tới khái niệm tiền thưởng tết là gì.

Các giáo viên lương thấp, tiền thưởng tết thường không có; nếu có cũng chỉ là hình thức, gọi là. Nguồn: Internet. Ảnh minh họa

Quà tết thì có. Nhưng quà tết của chúng tôi cũng không quá 200.000 đồng/một người. Đấy là tiền từ quỹ Công đoàn và hội phụ huynh hỗ trợ. Chỉ có thế thôi. Vì kinh phí giáo dục có hạn, chủ yếu chi lương và hoạt động dạy- học là hết còn đâu để thưởng lễ, tết.

Nghĩ mà xót. Thầy cô giáo cũng học hành, được đào tạo bài bản, trường lớp hẳn hoi như họ, thế nhưng, có nhiều cán bộ công chức lại có mức lương cao, tiền thưởng lễ, tết hậu hĩnh, trong khi thầy cô giáo lương thấp, tiền thưởng tết thường không có; nếu có cũng chỉ là hình thức, gọi là. Có người nói, làm nhà giáo thì phải chấp nhận cuộc sống nghèo và thanh đạm, đừng đòi hỏi, kêu ca gì thêm.

Chúng tôi nghĩ, thời bao cấp, thời chiến tranh, cảnh nghèo thì được. Còn bây giờ, thời thế đã có nhiều đổi thay, mà cứ bắt nhà giáo phải chấp nhận cuộc sống khó khăn, thiếu thốn thì không thể. Đội ngũ thầy cô giáo có tính chất quyết định đến chất lượng giáo dục.

Cái nghèo khó của thầy cô giáo cứ vây bủa, kéo dài thì đừng có mong chất lượng giáo dục khá lên. Những yếu kém, trì trệ... tồn tại lâu nay ở ngành giáo dục ngày càng gia tăng. Giảng viên lười nhác nghiên cứu khoa học: Trong 10 năm qua, bình quân một giảng viên đại học chỉ công bố được 0,58 bài báo khoa học mỗi năm (số liệu từ một hội thảo do Bộ GDĐT tổ chức tại Hà Nội năm 2010).

Giáo viên, giảng viên ít đầu tư chuyên môn, giáo án, bài giảng phần nhiều copy của nhau. Thầy cô giáo phổ thông từ tiểu học đến bậc THPT, nhất là các môn tự nhiên, thi nhau “mời gọi”, chèn ép học sinh đến lớp, về nhà dạy- học thêm... Nhiều học sinh khá, giỏi “quay lưng” với ngành sư phạm. Nguyên nhân cơ bản cũng tại lương giáo viên, giảng viên không đủ sống.

Ông, bà ta nói đúng “có thực mới vực được đạo”. Nghề giáo, thầy cô giáo cũng như nhiều ngành nghề khác, cán bộ công chức khác, cần có cái “ thực” tàm tạm để tồn tại và phát triển. Một khi cái thực quá eo hẹp thì làm sao họ yên tâm và nhiệt huyết hết mình với nghề được. Chúng ta nên bớt đi những mỹ từ, lời hứa to tát đối với thầy cô giáo mà cần dành sự quan tâm thật cụ thể, thiết thực...

Xa lạ với khái niệm lương tháng thứ 13

Giáo viên Nguyễn Văn Trang – Trường THCS Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên: Năm ngoái mỗi giáo viên được nhận 100.000 đồng từ nhà trường. Đây là khoản tiền nhà trường tiết kiệm được để động viên các thầy cô. Khoản tiền này có cả phần đóng góp hằng tháng của các thầy cô. Nghĩa là, mỗi tháng các thầy, cô đóng 50.000 đồng vào quỹ để thăm hỏi nhau lúc ốm đau, cuối năm nếu còn lại cũng được chia đều cho mọi người. Năm nay mọi người chưa biết có được nhận 100.000 đồng như năm ngoái hay không?

Giáo viên Đặng Thị Hạnh – Trường mầm non xã Định Biên: Trước đây còn là mô hình trường dân lập, mỗi tháng chỉ được hưởng 80.000 đồng, có khi không có tiền mà chỉ nhận bằng thóc. Sau khi chuyển sang mô hình trường công lập, thu nhập đã được cải thiện hơn nhưng vẫn không có khoản thưởng tết. Lãnh đạo nhà trường quan tâm đến giáo viên thì cuối năm có gói bánh hay hộp mứt để gọi là động lực cho các cô chứ làm gì có tiền.

Giáo viên Nguyễn Văn Lợi – Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TPHCM): Đến thời điểm này vẫn chưa thấy TP thông báo sẽ thưởng cho GV bao nhiêu nhưng nghe nói sẽ cao hơn năm trước (Năm 2012 anh Lợi được TP thưởng 800.000 đồng, trường thưởng hơn 7 triệu đồng).

Giáo viên Đinh Thị Định – Trường THCS xã Quảng Thủy, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình): Năm nay chưa nghe trường nói gì về chuyện thưởng tết, chắc cũng không có gì đột biến. Tết năm ngoái, giáo viên trong trường được thưởng tết 250.000 đồng/người, trong đó nhà trường thưởng 200.000 đồng, CĐ trường hỗ trợ 50.000đ.

Giáo viên Đỗ Xuân Huệ - Trường THPT Phù Cừ, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên: Năm 2012, quà tết của chúng tôi được khoảng 350.000 đồng/người. Năm nay, chưa thấy Ban giám hiệu nhà trường nói đến quà tết. Còn rất nhiều trường học cấp II trên địa bàn tỉnh, giáo viên chỉ được nhận túi quà tết từ 50.000 – 100.000 đồng.

Bà Nguyễn Thị Vượng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Hoa (Q.Cầu Giấy, Hà Nội): Nghề giáo không phải là nghề kinh doanh nên mỗi khi nhắc đến chuyện thưởng tết, chúng tôi đã xác định là “có đồng nào hay đồng đó”. Khoản tiền thưởng Tết Nguyên đán hằng năm của các giáo viên trường tôi được trích từ ngân sách nhà nước, quỹ CĐ của trường. Hằng năm, mỗi giáo viên được thưởng khoảng 500.000đ, năm nay cũng không có gì thay đổi. Nhóm PV

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/dung-mong-giao-vien-say-me-voi-nghe/100060.bld