Đừng lấy chửi làm nên thương hiệu

Kể cũng là sự lạ! Từ tình trạng văng tục, chửi bậy vung vít từ trong nhà ra ngoài phố hiện nay, tôi băn khoăn vì không biết trong những người lên tiếng coi văng tục, chửi bậy là thiếu văn hóa, thì có bao nhiêu người không hoặc chưa bao giờ văng tục, chửi bậy?

Ngày các con còn nhỏ, một lần cả nhà đang ăn cơm, thấy cháu bé đặt cái bát không xuống mâm, tôi hỏi: “Con ăn nữa không?”. Cháu thản nhiên trả lời: “Con đ. ăn nữa”! Cả nhà sững người. Tôi bảo con đứng dậy, nhắc lại bố đã dặn con không được nói tục như thế nào, rồi yêu cầu cháu khoanh tay xin lỗi, hứa sẽ sửa chữa. Sau tỉ tê hỏi tại sao con trả lời bố như thế, cháu kể sang nhà cô hàng xóm chơi, thấy cô hỏi con gái ăn cơm nữa không, con gái cô trả lời mẹ như thế, cháu nói theo! Nghe cháu kể tôi chán hẳn, vì biết cô này nói tục như thói quen khoái khẩu. Một tối cuối năm, cô cầm mấy tờ giấy sang nhờ tôi giúp chấm điểm theo mẫu biểu đánh giá tiêu chuẩn “gia đình văn hóa”. Mẫu biểu có nhiều mục, mỗi mục tương ứng với một số điểm, tổng số điểm các mục là 100. Tới mục: “Gia đình không ai nói tục” được tính 5 điểm, tôi hỏi: “Nhà em có ai nói tục không?” cô trả lời: “Em nói thật với anh chứ, nhà đ. nào chẳng nói tục!”. Tôi phá ra cười rồi cho 0 điểm, vì thế tổng số điểm của gia đình cô là 95. Nhà tôi không ai nói tục nên có 100 điểm. Vậy là cùng điểm cao, đầu năm sau cả hai nhà đều được công nhận đạt tiêu chuẩn “gia đình văn hóa”!

Về chuyện nói tục, hẳn nhiều người Việt Nam biết giai thoại kể rằng có anh cán bộ cấp trên về làm việc với cơ sở, thấy bà con ở đó nói tục nhiều quá, liền góp ý với cán bộ địa phương làm thế nào để bà con thay đổi thói quen, đâu ngờ cán bộ địa phương trả lời: “Em nói nhiều lần rồi mà bà con đ. nghe”! Tôi nghĩ, chắc là giai thoại này ra đời từ thời nói tục bắt đầu trở nên phổ biến, làm người vốn dị ứng hoặc không nói tục phải ngạc nhiên. Lớn lên ở Hà Nội, tôi thấy ngày trước nói tục bị coi là thiếu văn hóa, thậm chí gặp trẻ em nói tục, có người nhắc không được còn nặng lời: “Con nhà không có người dạy”. Lứa chúng tôi, tay nào trót văng tục để cha mẹ nghe thấy thì chắc chắn không nhịn cơm cũng khoanh tay đứng úp mặt vào tường vài giờ đồng hồ. Còn đến lớp, thầy cô biết học trò nào văng tục phải viết bản kiểm điểm, sau đó lại còn vinh dự “được bêu dương” trước lớp. Một lần ở nơi sơ tán, tan học tôi và tay bạn vừa bước thấp bước cao leo qua cái cầu tre gập ghềnh thì thầy chủ nhiệm gọi quay lại họp lớp. Tôi càu nhàu mấy câu cũng không tục tĩu lắm, thế mà tay bạn “mách” thầy là tôi nói tục. Tôi phải viết kiểm điểm và thầy thông báo với gia đình. Cuối tuần, cha tôi về. Mẹ tôi kể lại. Và tôi ngoan ngoãn vác chiếu ra trải đầu hè, nằm úp sấp lên trên, chờ cha quất cho chục roi quắn đít!

Đó cũng là cái thời không chỉ với người Hà Nội, mà đi nhiều nơi tôi thấy nói tục như một thứ cấm kỵ (tabu). Nhiều người trót nói tục trước mặt người khác lập tức phải xin lỗi, hoặc nếu bực quá mà muốn văng tục phải rào trước bằng câu “Vô phép ông bà”, “Vô phép anh chị,”… Phản ứng của phụ nữ với nói tục có vẻ nữ tính hơn, nhiều chị nghe người khác nói tục là đỏ mặt, hoặc kêu “Eo ơi” hoặc bỏ đi nơi khác. Một hôm đi học ngồi trên tàu điện, tay bạn tôi vừa văng ra một câu tục tĩu, lập tức mấy bác ngồi trước mặt phản ứng gay gắt, một bác bảo: “Cháu quàng khăn đỏ trên vai sao lại nói như thế?”. Bọn tôi ngượng quá, líu ríu xin lỗi, chỉ mong tàu sớm đến bến để chuồn. Mấy năm trước, tôi và bạn bè đi tàu hỏa với thầy cô dạy chúng tôi từ hồi lớp 7 vào Đà Nẵng. Buổi tối trên tàu, mấy ông bạn mang rượu ra uống, hò hét ỏm tỏi. Bỗng có một tay văng tục. Thầy cô kinh ngạc. Riêng cô Minh Hằng ngây cả người không nói nên lời, mãi mới thốt lên: “Chúng nó nói tục kìa”! Tay bạn tôi vội gãi đầu gãi tai, rối rít xin lỗi. Về sau cô Minh Hằng bảo với tôi: “Cô không thể hình dung các em lại có thể nói tục!”.

Thực ra hồi đó trong sinh hoạt hằng ngày vẫn có người văng tục, chửi thề, nhưng thường chỉ sử dụng trong nhóm bạn bè cùng lứa thân với nhau, cùng làm việc, cùng ở trong môi trường có điều kiện suồng sã, dân dã… Tôi để ý thấy ít ai văng tục trước người lớn tuổi hơn mình, còn nếu bị chửi thì đó là xúc phạm, không xin lỗi có thể không nhìn mặt nhau, thậm chí khi bị chửi, có người còn dùng cả nắm đấm để giải quyết. Hồi mới nhập ngũ, sáng chủ nhật được nghỉ, tôi sang đại đội bên cạnh chơi. Tình cờ ở đó có người quen anh trai tôi, không biết mâu thuẫn gì từ trước mà hắn mang anh trai tôi ra chửi. Nói không được, cáu sườn, tôi tát hắn một phát, thế là oánh nhau. Anh em phải xúm vào can. Thủ trưởng đại đội bên cạnh báo sang, tôi bị kỷ luật, buổi tối phải dọn dãy nhà vệ sinh ven đồi. Không đèn đóm, chỉ cái bật lửa dầu hỏa mượn được, soi một lúc nóng rát tay, tôi hì hục quét dọn, rắc vôi bột, không bực bội mà còn hỉ hả vì đã tỏ thái độ rất rõ ràng để bảo vệ anh trai khi bị người ta xúc phạm!

Từ quan niệm và cung cách suy nghĩ của mình, đã có lúc tôi tự hỏi: hình như tôi là người thuộc thế hệ trước còn sót lại, đang bị lạc lõng, chí ít là ở chỗ chưa bao giờ nói tục? Tính nóng nẩy, song có cáu lắm tôi cũng chỉ lụng bụng trong mồm. Và giờ thì chẳng biết nói sao, khi mà hễ ra đường là nghe được người ta nói tục! Hồi quán “cháo chửi” chưa lên báo chí, thấy mọi người bảo cháo ngon, tôi đến ăn thử. Thấy cháo đã không ngon như lời đồn, lại phải nghe lối nói chỏng lỏn, tục tĩu của người bán hàng, càng thấy không ngon. Tôi đến đúng một lần. Nên mấy năm trước thấy quán “cháo chửi” lên báo chí, tôi chỉ cười, sau lại ngạc nhiên không biết vì sao thực khách ở đó tăng lên? Gần đây chuyện “bún chửi” lên CNN được bàn luận ầm ĩ, báo chí còn phát hiện cả “quán phở chửi “có văn hóa” giữa thành phố Nam Định” thì chẳng biết nên vui hay nên buồn. Vì dù đặt mấy chữ có văn hóa trong dấu ngoặc thì cũng khó có thể lấy văn hóa làm chỉ dấu định tính cho lời văng tục? Ai đó thích vừa được ăn vừa được nghe chửi, vừa ăn vừa bị chửi… là lựa chọn riêng, tôi không có ý kiến. Về phần mình, dù ngon lành đến mức nào tôi cũng không bao giờ đến.

Hình như thấy lâu nay với một số người, việc văng tục trước mặt người khác như là điều bình thường, chửi lại người hơn tuổi hơn cũng là việc tự nhiên? Đang đi trên đường bị người phóng xe máy vượt ẩu, không bật xi nhan vẫn cứ rẽ ngoặt để đâm vào xe của mình, chỉ cần hỏi sao đi như thế, là dễ không nhận được lời xin lỗi mà anh chàng chỉ tuổi con cháu đã réo cha mẹ mình ra để chửi. Đang xếp hàng, có người chen ngang, lên tiếng nhắc nhở cũng nhận luôn câu chửi. Thấy ai đó ném rác bừa bãi, nhắc một câu thì nếu không được tặng một câu chửi cũng lĩnh một cái lừ mắt…

Dần dà, việc văng tục, chửi bậy thành chuyện bình thường. Đến mức lâu nay có lẽ với một số người, việc bị chửi cũng bình thường, kể cả khi người ta mang cả bố mẹ, ông bà, tổ tông ra réo mà hầu như không phản ứng gì? Mà phản ứng cũng khó, chửi lại thì mình cũng bị coi là người thiếu văn hóa, bằng vai phải lứa với kẻ kia, xông vào oánh nhau đâu có dễ. Như có hôm tôi ngồi bên quán nước, nhìn bên kia đường thấy cô chủ quán khá trẻ đang sa sả chửi một chị bế một cháu bé đeo cặp đặt ngồi lên sau xe máy. Tôi hỏi chị bán nước chè sao lại chửi như thế. Chị kể đó là hai chị em, người chị sống ở nơi khác, hằng ngày vẫn về đưa cháu đi học để em có thời gian bán hàng, thỉnh thoảng thấy người chị bị cô em chửi như thế mà im lặng, vẫn cặm cụi về giúp em. Kể cũng là sự lạ! Từ tình trạng văng tục, chửi bậy vung vít từ trong nhà ra ngoài phố hiện nay, tôi băn khoăn vì không biết trong những người lên tiếng coi văng tục, chửi bậy là thiếu văn hóa, thì có bao nhiêu người không hoặc chưa bao giờ văng tục, chửi bậy? Và tôi tự hỏi, không biết im lặng khi bị chửi, có ai sử dụng phép thắng lợi tinh thần của AQ tự an ủi: “Nó chửi mình cũng như chửi bố nó” không? Và giả dụ tới ngày nào đó, nói tục trở nên phổ biến, liệu người không nói tục có bị coi là người thiếu văn hóa không đây!?

Quả thực viết những dòng này, khi dư luận bàn tán về “bún chửi” lên CNN, tôi vẫn không coi đó là điều đáng để tự hào. Trong thế giới văn minh này, dù ở Tây hay Đông vẫn khó chấp nhận việc mua bán theo lối “không mua thì đi chỗ khác”, “không ăn thì đi chỗ khác” hay văng tục vào mặt khách hàng. Tôi đồ rằng, có khi đầu bếp Anthony Bourdain đưa “bún chửi” ở Hà Nội lên CNN vì ông thấy trong đó chứa đựng sự kỳ quái, không khác gì bỗng dưng có cửa hàng nào đó ở phương Tây, mỗi khi khách hàng bước vào hoặc khách hàng đang ngồi ăn mà chủ cửa hàng và nhân viên phục vụ cứ dí “ngón tay thối” vào mặt, vì “ngón tay thối” với câu chửi ở Việt Nam đâu có khác gì nhau? Đúng là ở phương Tây người ta đã nghĩ ra rất nhiều chiêu trò để thu hút khách hàng, như: nữ nhân viên cởi trần phục vụ, nữ nhân viên cởi trần cắt tóc, dán poster hình cô gái đang bịt mũi để mời dùng khăn khử mùi,… nhưng có lẽ chẳng ai nghĩ ra chiêu trò chửi vào mặt khách hàng để bán được nhiều sản phẩm!

Cứ cho là chủ của mấy quán ăn ở Hà Nội chửi quen mồm chứ không có ý định chửi để quán nổi tiếng, cứ cho là có nhiều thực khác đến đó ăn chỉ vì tò mò muốn xem người ta vừa bán hàng vừa chửi ra sao,… thì một cách tự nhiên đã góp phần sinh ra một loại “thương hiệu” không thể coi là có tính văn hóa. Lại nữa, rồi đây để thu hút khách hàng, sẽ có nhiều cửa hàng học theo, hễ thấy ai bước vào là văng tục, hễ bán hàng cho ai là ra rả chửi người đó thì mọi sự sẽ ra sao? Vì như học giả Đoàn Văn Chúc đã từng định nghĩa: “Nói tục là ngôn ngữ nguyên thủy của loài người khi chưa được văn hóa hóa”!

NH - 10/2016
Nguyễn Hòa

Từ khóa

thương hiệu chửi làm nên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/dung-lay-chui-lam-nen-thuong-hieu/133085