Đừng im lặng: Thưa Bộ trưởng GDĐT, chúng tôi không muốn con mình thành 'chuột bạch'!

Tôi tin chắc rất nhiều phụ huynh không lo áo quần, bút mực, sách vở… và cả học phí bằng chờ xem năm nay giáo dục nước nhà sẽ đổi mới gì? Vừa thở hắt sau những VNEN, thông tư 30, chúng ta lại bắt đầu nín thở đợi quy chế tuyển sinh 2017 hứa hẹn không ít thay đổi.

(Ảnh minh họa)

Không chỉ chúng tôi, người trong nhà còn hồi hộp không kém thưa Bộ trưởng ! TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP HCM, Phó trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia chia sẻ “ Lo nhất năm 2017 tuyển sinh kiểu gì”. TS Nghĩa than thở “Trong quá khứ chưa bao giờ có tổng kết đàng hoàng về những chuyện Bộ đã làm, ví dụ như phân ban hay Đề án Ngoại ngữ 2020… ”.

Ở trong “chăn” mà còn như thế thì người ngoài làm sao an lòng với “ dự kiến sẽ có 5 hình thức xét tuyển ĐH- CĐ: Dựa vào kết quả học tập THPT; dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia; sơ tuyển kết hợp với thi tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt; xét tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của các trường hoặc nhóm trường khác; phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh”. Chưa hết, năm sau kỳ thi PTTH dự kiến chỉ còn thi 1 cụm thay vì 2 như hiện nay.

Những dòng này “Cứ ngỡ năm ngoái cải tiến đã xong, năm nay lại thay đổi. Năm học mới đến rồi mà phương án thi chưa có, vừa học vừa lo không biết sẽ thi kiểu gì? Chỉ mong các con không phải làm… chuột bạch” hình như nhà nào nghe cũng đồng cảm các bạn ạ!

Bộ trưởng Phùng Ngọc Nhạ trấn an phương án năm 2017 không phải là phương án đổi mới mà là tiếp tục thực hiện và hoàn thiện phương án năm 2016. Những lời tương tự, cả phụ huynh lẫn học sinh nghe đến phát chán từ các đời Bộ trưởng trước. Giờ chỉ còn biết cầu mong Bộ trưởng mới giữ lời chứ không phải là “tại, do, vì, sẽ…”. Nhưng đó là chuyện của năm sau.

Còn ngay năm nay, dân tình đang ngơ ngác không hiểu đổi mới kiểu gì mà tuyển sinh ĐH đợt 1 có trường Hiệu trưởng bảo đi bắt Pokemon bởi thí sinh đi đâu hết, sang đợt 2 em điểm cao rớt, em điểm thấp lại đậu thế mới tài! Phụ huynh vẫn chưa quên thông tư 30 sửa nửa vời như GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng còn rất nhiều điểm bất cập. Riêng chương trình VNEN, nhiều tỉnh đã quyết “khai tử” còn Bộ vẫn bảo “không nhất thiết địa phương nào cũng phải áp dụng mô hình này”!

Tôi đã từng nghe Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ: Trong giai đoạn hiện nay nếu bỏ từ đổi mới đi thì còn gì là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo chủ trương nữa! Những cụm từ như “chuột bạch”, “thí nghiệm”, “nhồi nhét”… rất xa lạ với giáo dục. Bị nhận xét như vậy là cú sốc đối với những người làm quản lý giáo dục trong quá trình đổi mới.

Thưa Bộ trưởng! Ông không thích “chuột bạch”, phụ huynh như tôi càng ngàn lần không muốn. Ngán ngâm hơn với những từ thí điểm và cải tiến. Tôi tin hàng triệu phụ huynh khác cũng vậy, họ đã vật vã với loay hoay đổi mới mấy chục năm nay rồi. Đã đến lúc chúng tôi phải lên tiếng để thay đổi triệt để và chấm dứt. Tôi cũng mong có thật nhiều những ý kiến đồng thuận hay trái chiều để cùng xem giáo dục sẽ bớt luẩn quẩn như thế nào?

Đừng im lặng! Hãy cùng Lao Động bình luận về vấn đề này, cũng như các vấn đề bạn đọc quan tâm khác. Mời bạn đọc bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoc@laodong.com.vn. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dung-im-lang/dung-im-lang-thua-bo-truong-gddt-chung-toi-khong-muon-con-minh-thanh-chuot-bach-590093.bld