Đừng im lặng: Tha thứ để mà sống

Có những người, chỉ vì một câu nói, chỉ vì một sự tranh chấp, một va chạm nhỏ cũng đã trở thành hận thù. Vậy tại sao chúng ta không tha thứ để mà sống, nuôi mãi hận thù trong lòng làm gì, để làm khổ chính cả mình.

Cho đến hôm nay, tròn 13 ngày sau cái chết đau lòng của cháu bé va vào tấm tôn trên chiếc xe xích lô đậu ven đường, nhiều người đã thấy nhẹ lòng về một cái kết có hậu. Trái tim của cha, mẹ cháu bé đã mở lòng với chủ chiếc xe xích lô - một người lính từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) những năm xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc.

Không ít người đã rơi nước mắt khi bố cháu bé nói rằng "Hoàn cảnh gia đình bác lái xích lô cũng khó khăn nên không hề trách cứ. Tôi chỉ trách những người mua bán những tấm tôn đó. Tại sao đưa lên xe xích lô bác Bình mà không che chắn lại. Giá những tấm tôn dài, sắc nhọn ấy được bọc bởi một lượt giấy thôi, thì có lẽ mọi chuyện đã khác…"

Cháu bé đã được gia đình đưa lên chùa, cầu mong cháu sớm siêu thoát, nơi cõi vĩnh hằng cũng độ lượng tha thứ cho ông. Vô tình vì nghèo, vì thiếu hiểu biết…

Chiều 4.10, Công an quận Hoàng Mai đã mời gia đình cháu bé bị nạn và gia đình ông Bình - chủ chiếc xe xích lô chở tôn gây tai nạn đến để thỏa thuận bồi thường thiệt hại. Và thật bất ngờ, gia đình cháu bé đã có đơn yêu cầu không xử lý hình sự.

Nhìn gương mặt còn đượm đau khổ vì mất con, nhưng lời nói và thái độ của cha mẹ cháu bé đã làm, tôi tin, không ít người vỡ òa về một cái kết có hậu mà cha mẹ cháu bé đã dành cho người cựu chiến binh phải bươn chải kiếm kế sinh nhai bằng nghề chở hàng thuê. Và người lính Vị Xuyên đã được tại ngoại.

Tài xế xích lô bước ra từ trụ sở Công an quận Hoàng Mai trong vòng tay của người thân (Ảnh Pháp Luật TPHCM)

Bất chợt, tôi nhớ đến lời tha thứ của bà ngoại cô gái tên Hoa mới 16 tuổi, bị xe ô tô tải gây tai nạn, cán qua những ba lần. Khi nghe tài xế Đặng Hữu Anh Tuấn lạnh lùng khai trước tòa khi bánh xe lăn qua lăn lại thân thể nhỏ bé của cháu gái, nghe nhân chứng thuật lại, bà vẫn còn ám ảnh với cánh tay vẫy và tiếng kêu yếu ớt: “Cứu cháu với, cháu đau lắm..”, trái tim bà rớm máu.

Nhưng biết hoàn cảnh của tài xế “máu lạnh” bà đã nói: "Dù sao cháu tôi cũng đã mất rồi, xin tòa giảm bớt nỗi đau mà giảm nhẹ hình phạt cho cậu ấy. Tôi tin cậu ấy cũng hối hận nhiều lắm”.

Bà Huỳnh Thị Cẩm, việt kiều Mỹ cũng đã nén nỗi đau, một lúc mất 5 người thân vì bị xe contener đâm thẳng vào chiếc xe hơi 4 chỗ đang chờ đèn đỏ ở ngã tư Thủ Đức ( TPHCM). Bà Cẩm cũng bày tỏ không muốn truy cứu tài xế… vì theo bà, đó là điều không ai muốn.

“Tha thứ để mà sống, nuôi mãi hận thù trong lòng làm gì, để làm khổ chính cả mình…” - những dòng chia sẻ của cộng đồng mà tôi đọc được.

Trong khi đó, còn có những người, chỉ vì một câu nói, chỉ vì một sự tranh chấp, một va chạm nhỏ cũng đã trở thành hận thù, thành một kết cục mà người thì mất, người thì vào tù.

Mới đây, cậu học trò 12 tuổi chỉ vì can bạn đánh nhau mà bị mẹ của bạn bị đánh trả thù, quay clip, tung lên mạng. Vết đau trên thân thể của cậu bé sẽ lành lặn, nhưng nỗi nhục nhã khi nhìn thấy hình ảnh của mình, quỳ gối, van lạy… lan tràn trên mạng khiến cậu bé thấy mình không thể sống nổi. Và cậu bé đã tìm đến cái chết. Một cái chết để lại trong lòng người sống nỗi ân hận, day dứt không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai…

Mahatma Gandhi - người anh hùng của dân tộc Ấn Độ có một triết lý sống là kẻ yếu không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của kẻ mạnh.

Thích Đạt Ma Phổ Giác đã nói "Thế gian giữa dòng đời nghiệt ngã, chúng ta không phải là những bậc hiền Thánh để tha thứ hết lỗi lầm của con người, nhưng nếu ta có trái tim hiểu biết thì ta vẫn sẵn sàng tha thứ cho nhau".

Vâng, tha thứ để lòng mình thanh thản hơn, sống thanh thản hơn.

Lê Nguyễn

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/toi/dung-im-lang-tha-thu-de-ma-song-c8a455003.html