Dừng hoạt động các lò gạch Hoffman tại Bình Dương: DN sai, nhưng tỉnh có đúng ?

(DĐDN) - Như DĐDN đã phản ảnh trong bài "Dừng hoạt động toàn bộ lò gạch Hoffman tại Bình Dương: DN ngồi trên lửa", trước quyết định của UBND tỉnh Bình Dương về việc đóng cửa toàn bộ lò gạch Hoffman, hàng trăm DN đã làm đơn kêu cứu, xin được gia hạn để có thêm thời gian thu hồi vốn, chuyển đổi công nghệ. Tuy nhiên, câu trả lời từ phía UBND tỉnh Bình Dương vẫn là: không !.

(DĐDN) - Như DĐDN đã phản ảnh trong bài " Dừng hoạt động toàn bộ lò gạch Hoffman tại Bình Dương: DN ngồi trên lửa ", trước quyết định của UBND tỉnh Bình Dương về việc đóng cửa toàn bộ lò gạch Hoffman, hàng trăm DN đã làm đơn kêu cứu, xin được gia hạn để có thêm thời gian thu hồi vốn, chuyển đổi công nghệ. Tuy nhiên, câu trả lời từ phía UBND tỉnh Bình Dương vẫn là: không !.

142 lò gạch Hoffman đã phải dừng hoạt động từ ngày 30/6 vừa qua.
Trong hình: Lò gạch Hoffman của Cty CP sản xuất Nam Dương

Cùng với sự quyết liệt, dứt khoát đóng cửa các lò gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bình Dương đã gửi văn bản thông báo các lò gạch phải ngừng hoạt động, kể từ ngày 01/7/2014. Vì sao tỉnh Bình Dương lại kiên quyết “khai tử” 142 lò gạch đang hoạt động khá hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thị trường và giải quyết việc làm cho hơn 4.600 lao động?

Từ 2010, tỉnh không cấp phép cho Hoffman

Lý giải về cơ sở ra quyết định ngừng hoạt động các lò gạch Hoffman, UBND tỉnh Bình Dương cho biết: quyết định này chỉ đơn giản là chấp hành Quyết định số 567 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020, Quyết định của Bộ Xây dựng về việc thực hiện lộ trình trong việc chấm dứt hoạt động các lò gạch, ngói thủ công, các lò Hoffman gây ô nhiễm trên địa bàn... Hơn nữa, ngay từ năm 2010, Bình Dương cũng không có chủ trương xây dựng lò gạch Hoffman. Tuy nhiên, khi chuyển đổi từ lò thủ công lạc hậu, nhiều DN vẫn áp dụng công nghệ Hoffman dù không được tỉnh cấp phép. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất gạch này có nhiều vi phạm như kinh doanh sai phép, xây dựng không phép; vi phạm quy định về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường…

Theo ông Nguyễn Thành Tài - Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương, trừ 1 trường hợp là Cty Việt Linh được cấp phép để thực hiện thí điểm công nghệ Hoffman vào năm 2009 thì từ năm 2010 đến nay, sau khi ban hành Văn bản số 1867/UBND-VX về việc không xây dựng lò Hoffman trên địa bàn vào năm 2010, tỉnh Bình Dương không cấp phép thêm cho bất cứ lò gạch Hoffman nào. Tỉnh cũng đã triển khai tinh thần của văn bản này rất sớm và quyết liệt đến các huyện, thị, thế nhưng nhiều cơ sở vẫn lén lút phát triển các lò gạch Hoffman. Mặc dù vậy, nhiều cơ sở sản xuất gạch vẫn xây dựng không phép lò gạch Hoffman sau thời điểm UBND tỉnh ra thông báo. Cụ thể là trước thời điểm UBND tỉnh cấm xây dựng lò Hoffman, toàn tỉnh chỉ có 5 lò Hoffman nhưng đến nay đã có thêm 138 lò gạch Hoffman ra đời trái phép.

Khẳng định phần lớn các lò gạch Hoffman đều hoạt động không phép, sai phép, ông Trần Thanh Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng hoạt động của các lò gạch này đã gây ra nhiều hệ lụy, làm ảnh hưởng tới môi trường sống đô thị, khu dân cư, sản xuất của nhân dân và cả công tác quản lý của Nhà nước. Nếu UBND tỉnh Bình Dương “cứng nhắc” và cứ theo luật mà làm thì đã buộc các lò gạch này phải đóng cửa từ lâu nhưng 2012 kiểm tra lại thì thấy nguyên liệu tại các lò gạch vẫn còn nhiều nên tỉnh gia hạn thêm cho 2 năm nữa. Như vậy, tính từ năm 2010 đến nay, các cơ sở sản xuất gạch đủ khả năng thu hồi vốn và đủ khả năng chuyển đổi công nghệ. Vì vậy, việc ra quyết định dừng hoạt động của các lò gạch này là hợp tình hợp lý. Tỉnh sẽ không gia hạn thêm nữa.

Không cấp phép nhưng vẫn thu thuế ?

Mặc dù tỉnh Bình Dương khẳng định đã làm đúng luật nhưng vấn đề đặt ra là tại sao các lò gạch Hoffman không được cấp phép hoặc hoạt động sai phép nhưng tỉnh vẫn để DN xây dựng lò, mua nguyên liệu, đồng thời tỉnh vẫn đồng ý cấp điện cho DN sản xuất và đặc biệt là vẫn thu thuế các DN đều đặn? Hơn nữa, 138 lò gạch sai phép, trái phép là con số không hề nhỏ và việc xây lò không phải là chuyện 1, 2 ngày mà cả vài tháng, vậy thì không thể nói là tỉnh, huyện, xã không biết. Nhưng biết mà vẫn làm ngơ, không cưỡng chế ngay từ ban đầu - Đây có thể tính là một lỗ hổng lớn trong công tác quản lý của chính qưyền các cấp hay là một kiểu cho phép “ngầm”?

Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân – GĐ Cty CP Sản xuất Nam Dương: “Năm 2010, khi chúng tôi xây lò, cơ quan chức năng có đến và phạt Cty xây dựng trái phép số tiền 35 triệu đồng nhưng không cưỡng chế và cũng không quay lại kiểm tra. Cả vài tháng sau, khi đã xây lò xong, đưa máy móc vào hoạt động cũng không có cơ quan chức năng nào có ý kiến gì. Và hàng tháng, hàng năm, cơ quan thuế vẫn thu tiền thuế của Nam Dương và các DN khác chứ không phân biệt DN có phép hay không phép”.

Đại diện phòng Kinh tế ngành của UBND tỉnh Bình Dương xác nhận trong các năm qua tỉnh vẫn thu thuế các lò gạch Hoffman, kể cả các lò gạch không phép hoặc sai phép.

Còn ông Nguyễn Văn Hiển – GĐ Cty TNHH Lam Nhi cho biết: “Lò gạch của chúng tôi được cấp phép xây dựng đầy đủ, Chi cục thuế cũng thu thuế hàng tháng đều đặn, không thiếu đồng nào. Hơn nữa, Lam Nhi cùng một số lò gạch khác hoạt động trên địa bàn Bắc Tân Uyên là huyện miền núi của Bình Dương – huyện được quy hoạch là huyện nông nghiệp, vật liệu xây dựng và khoáng sản, có thị trường tiêu thụ thấp rất phù hợp để triển khai lò gạch Hoffman (đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng). Vậy tại sao tỉnh vẫn kiên quyết dẹp bỏ mà không xem xét gia hạn cho chúng tôi thêm vài năm để thu hồi vốn?”.

Đại diện phòng Kinh tế ngành của UBND tỉnh Bình Dương cũng xác nhận là trong các năm qua tỉnh vẫn thu thuế các lò gạch Hoffman, kể cả các lò gạch không phép hoặc sai phép. Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao lại thu thuế trong khi không cho phép hoạt động và điều này phải chăng là sự mặc nhiên công nhận sự tồn tại và khuyến khích các DN đầu tư lò gạch Hoffman thì vị này im lặng, không trả lời.

Qua vụ việc này, có thể thấy, việc thực hiện chủ trương của Chính phủ, của Bộ xây dựng là đúng nhưng nếu tỉnh Bình Dương cương quyết ngay từ ban đầu với các chế tài rõ ràng thì có lẽ các DN đã không “liều” đầu tư để rồi nay phải rơi vào tình trạng thất bát, nợ nần, phá sản và hàng ngàn người lao động không phải gặp cảnh thất nghiệp...

Tại văn bản 896/BXD-VLXD ngày 01/6/2012 của Bộ xây dựng có quy định: Các dự án nằm ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi của các tỉnh xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động chậm nhất hết năm 2017 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào năm 2020 với lò đứng liên tục. Đồng thời, văn bản này cũng ghi rõ: “Với lò vòng, lò vòng cải tiến (hay còn gọi là lò Hoffman) không sử dụng nguyên liệu hóa thạch, mà sử dụng phế liệu của nghành nông nghiệp (trấu, mùn cưa, vỏ hạt điều...) tùy điều kiện của từng địa phương có thể cho phép tồn tại.

Kim Huệ

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/doanh-nghiep/dung-hoat-dong-cac-lo-gach-hoffman-tai-binh-duong-dn-sai-nhung-tinh-co-dung--20140704112211388.htm