Đừng gọi những người như Hương Giang Idol là NGHỆ SĨ!

Sau scandal của Hương Giang Idol, nhiều câu hỏi liên quan tới văn hóa nghệ sĩ đã được đặt ra cùng nỗi lo giới trẻ đang "viết lại định nghĩa về sân khấu". Liệu những người như Hương Giang có xứng đáng với cái danh "NGHỆ SĨ"?

Mới đây nhất, nghệ sĩ Trung Dân đã lên tiếng tha thứ cho ca sĩ Hương Giang Idol cùng với nhận định: "Tôi nghĩ sự cố xuất phát từ nền tảng văn hóa. Văn hóa là phạm trù rất lớn. Qua sự việc của tôi và Hương Giang cùng nhiều vấn đề trong giới showbiz chúng ta nhìn nhận một điều là văn hóa chúng ta có lỗ hổng lớn. Thôi thì nó hổng thì mình vá, nó hư thì mình sửa..."

Thực tế, nếu không có câu nói của nghệ sĩ Trung Dân thì công chúng bấy lâu nay vẫn nhận ra cái "lỗ hổng" mà ông nhắc tới, nhưng có "vá", có "sửa" được không vẫn còn là câu chuyện nan giải bởi những sự cố như Hương Giang đã và đang xảy ra nhan nhản.

Xưa kia, trong thời phong kiến, giới nghệ sĩ (chủ yếu làm nghề ca hát, sân khấu) bị kì thị với cái nhìn khắt khe, giáo điều cho là "phường con hát", "xướng ca vô loài"... nhưng tâm thế và tấm lòng của những người nghệ sĩ dường như chưa bao giờ coi thường hay làm rẻ rúng nghề nghiệp của mình.

Trước sau, họ vẫn quan niệm sân khấu là thánh đường. Thậm chí, cuộc đời riêng nghệ sĩ có chìm nổi, truân chuyên bao nhiêu thì dưới ánh đèn sân khấu, họ vẫn vắt kiệt mình để phục vụ khán giả.

Đó chính là một trong những điều kiện, thử thách để người làm nghề biểu diễn vượt qua thì sẽ được công chúng gọi với danh xưng "nghệ sĩ". Nói như NSƯT Thành Lộc, nghệ sĩ trước hết phải có lòng "trọng nghệ", phải có ý thức tự nâng cao chính mình về mọi mặt để góp phần nâng cao dân trí, trở thành người "kỹ sư tâm hồn". Anh đồng thời khẳng định: "Không có công chúng thì nghệ thuật sẽ không có lý do để tồn tại!".

Hương Giang Idol khóc xin lỗi nghệ sĩ Trung Dân

Một người làm nghề biểu diễn mà bản thân không "trọng nghệ" thì chẳng thể đổ thừa cho ai được. Phẩm chất của một nghệ sĩ ngoài tài năng công chúng ghi nhận còn thể hiện ngay trong lời nói, cử chỉ, cách ứng xử hằng ngày.

Chẳng hạn, nghệ sĩ thế hệ trước mỗi khi lên sân khấu định biểu diễn hay trình bày điều gì đó với khán giả đều bắt đầu bằng những chữ "xin", "thưa"…

Người được mệnh danh là "danh ca" như ca sĩ Khánh Ly giờ đã ngoài 70 tuổi, mỗi lần bà trả lời phỏng vấn các phóng viên đáng tuổi... cháu mình đều bắt đầu bằng chữ "thưa em" hoặc "xin thưa" . Bà đi trao quà từ thiện, không chỉ với các cụ già mà trao cho trẻ nhỏ cũng đều trao bằng hai tay và cúi đầu, trìu mến nói lời cảm ơn dành cho người nhận.

Còn với những người trẻ làm nghề biểu diễn bây giờ thì sao? Bỏ qua những khoảnh khắc đời thường mà nếu công chúng để ý thì nghệ sĩ cho rằng đời tư đang bị "xâm phạm", rồi "nghệ sĩ là người, đâu phải thần thánh" thì không khó để chúng ta bắt gặp thái độ hỗn hào, kiêu ngạo, thách thức đồng nghiệp, khán giả ngay trên sân khấu.

Sự việc của Hương Giang Idol chỉ như "giọt nước tràn ly", rõ ràng không phải điển hình hay "của hiếm". Và đương nhiên, một khi dù vô tình hay cố ý, nghệ sĩ buột miệng nói ra những ngôn từ thô thiển thì đó dứt khoát là sự kém cỏi trong văn hóa nghề nghiệp.

Ở đoạn clip Hương Giang Idol khóc lóc nói lời xin lỗi nghệ sĩ Trung Dân, cô đã nhắc đến hai từ "NGHỆ SĨ". Có vẻ Hương Giang đã hơi tự tin khi "vơ" danh xưng cao đẹp ấy cho mình dù bản thân lại chưa hề xứng đáng.

Kể cũng không trách riêng cô được bởi danh xưng này lâu nay đã bị lạm dụng và "viết lại định nghĩa" trong các gameshow, truyền hình thực tế mà mục tiêu là gây hấn, "câu view".

Rời khỏi cuộc thi Vietnam Idol, Hương Giang đắt show giám khảo

Nếu trước đây, nghệ sĩ là tầng lớp đi chân đất lên sân khấu hát, chịu cảnh màn trời chiếu đất lưu diễn khắp nơi mang đến tiếng hát, nụ cười, giá trị tinh thần cao đẹp cho khán giả thì thời đại ngày nay, điều đó đã thành dĩ vãng.

Gameshow, truyền hình thực tế, các cuộc thi tài năng đủ mọi quy mô đang trở thành nơi chốn để những người biểu diễn thuần túy, thậm chí còn chưa "sạch nước cản" được ưu ái khoác cho danh xưng "nghệ sĩ" cùng hai chữ "quyền lực".

Chưa bao giờ người ta thấy chữ "quyền lực" xuất hiện ở đời sống nghệ thuật, showbiz nhiều đến thế. Nào quyền phát ngôn đánh giá người khác thu hút cả triệu like trên mạng xã hội, quyền lựa chọn, tranh giành thí sinh trong thi thố, quyền tỏa sáng ở vị trí của huấn luyện viên với hàng loạt học trò...

Hương Giang Idol là một trường hợp như thế! Cô mới "chân ướt, chân ráo" bước ra từ cuộc thi Vietnam Idol với thành tích khiêm tốn là lọt Top 4, được công chúng biết đến nhiều hơn các thí sinh khác một phần qua số phận của người chuyển giới nhưng ngay lập tức đã được các nhà sản xuất mời làm giám khảo hết chương trình nọ đến chương trình kia.

Chẳng hiểu, nữ ca sĩ lấy gì làm hành trang ở vị trí ấy và mục đích của nhà sản xuất có phải để tôn vinh nghệ thuật hay không là câu hỏi mà đa số công chúng đã biết rõ khi soi vào tư cách của tên tuổi người tham dự.

Vì thế, nếu để giải quyết cái mà nghệ sĩ Trung Dân gọi là "lỗ hổng" trong văn hóa thì điều đầu tiên là đừng gọi những người như Hương Giang Idol là NGHỆ SĨ!

Thành Nam

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/dung-goi-nhung-nguoi-nhu-huong-giang-idol-la-nghe-si-20170516080454278.htm