Dừng dự án điện hạt nhân vì lý do kinh tế

Chiều 22/11, tại cuộc họp báo Chính phủ chuyên đề về việc dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), cho biết, lý do không phải là công nghệ không an toàn, mà vì tình hình kinh tế, đất nước cần nguồn vốn lớn để đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại như sân bay, đường bộ - đường sắt cao tốc Bắc - Nam…

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (năm 2009). Cụ thể như dư địa về tiết kiệm điện còn nhiều, khả năng liên kết lưới điện khu vực để trao đổi mua bán điện với các nước láng giềng, như Lào, Trung Quốc... dự kiến sẽ được tăng cường. Đặc biệt là tiềm năng sử dụng các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời trở nên khả thi về kinh tế do giá thành sản xuất điện từ các dạng năng lượng này đã giảm đáng kể trong giai đoạn 5 năm qua.

Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng lớn

Mặt khác, ông Dũng cho biết, thời điểm hiện tại, Việt Nam đang cần nguồn vốn lớn để đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có mức độ ưu tiên như sân bay quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển và một số dự án ứng phó biến đổi khí hậu…

Vì vậy, trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, việc dừng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận không phải vì lý do công nghệ không an toàn, mà lý do chính là do tình hình kinh tế cụ thể của Việt Nam. Việt Nam khẳng định, công nghệ hạt nhân của Liên bang Nga và Nhật Bản dự kiến sử dụng cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đều là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay và có mức độ an toàn rất cao.

“Đây là quyết định được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng với tinh thần trách nhiệm cao nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Tôi tin rằng chủ trương này sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước và sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc của Liên bang Nga và Nhật Bản”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Về các giải pháp thay thế, bảo đảm an ninh năng lượng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, việc dừng thực hiện dự án không làm ảnh hưởng đến an ninh cung ứng điện do có thể bổ sung các loại hình nguồn điện khác trong hệ thống như các nguồn nhiệt điện than, nguồn điện từ năng lượng tái tạo, nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, việc dừng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận không phải vì lý do công nghệ không an toàn, mà vì tình hình kinh tế. Ảnh: Nhật Bắc.

Dự báo cần sát thực tế hơn

Trả lời câu hỏi về việc rút ra bài học kinh nghiệm gì qua việc dừng thực hiện nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, nhất là tầm nhìn về an ninh năng lượng, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói, công tác dự báo, quy hoạch luôn luôn là một vấn đề khó. Để dự báo chính xác trong một tầm nhìn dài hạn là không hề đơn giản không chỉ với Việt Nam mà còn cả thế giới. “Ví dụ như cách đây 5 năm, không bao giờ chúng ta nghĩ rằng giá dầu có thể xuống đến mức 40- 50 USD/ thùng như hiện nay. Kể cả các nhà dự báo chiến lược trên thế giới cũng không thể dự báo được điều đó”, ông Vượng dẫn chứng.

Tuy nhiên, theo ông Vượng, qua việc này có những bài học sâu sắc, nhất là việc nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ làm chính sách chiến lược, để làm sao có dự báo, quy hoạch năng lượng sát với thực tế hơn. “Đây luôn luôn là mong muốn, là mục tiêu mà những người xây dựng chính sách chiến lược hướng đến”, ông Vượng nói.

Theo ông Vượng, quyết định dừng dự án điện hạt nhân là hết sức khó khăn. Bởi triển khai dự án trên, chúng ta cũng đã đi được 7 năm. Trong thời gian qua chúng ta cũng đã làm nhiều công việc quan trọng để triển khai thực hiện dự án. Nhưng xuất phát từ điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước ở thời điểm này, Quốc hội thấy rằng, việc dừng dự án này để ưu tiên cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng khác là phù hợp. “Đây là một quyết định không hề dễ dàng. Nhưng là một quyết định đúng đắn”, ông Vượng nói.

Trả lời về quan hệ với các đối tác, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, việc dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Chính phủ trao đổi với các đối tác Nga, Nhật Bản. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã sang làm việc với các đối tác về vấn đề trên. Các đối tác Nga và Nhật Bản đều thể hiện quan hệ hữu nghị, bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với Việt Nam về quyết định này do điều kiện kinh tế của Việt Nam. Đồng thời Chính phủ Nga và Nhật Bản mong muốn sẽ tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam một số lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng để thay thế cho hợp tác đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận.

“Chính phủ Việt Nam khẳng định rằng, việc dừng thực hiện dự án không làm ảnh hưởng đến quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Liên bang Nga và quan hệ Đối tác Sâu rộng với Nhật Bản”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định và cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi với Chính phủ Liên bang Nga và Nhật Bản về hợp tác thực hiện các dự án trong các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế, thương mại… mà các doanh nghiệp của Liên bang Nga và Nhật Bản có thế mạnh, đồng thời phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tổng thầu Nga nói gì?

Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM), tổng thầu dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, hôm qua tuyên bố: “Dựa trên những điều kiện kinh tế vĩ mô trong thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã quyết định dừng dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận do Nga và Nhật Bản triển khai. Chúng tôi tôn trọng quyết định của khách hàng và luôn sẵn sàng để toàn tâm giúp đỡ Việt Nam trong trường hợp Chính phủ Việt Nam sẵn sàng để tái khởi động dự án năng lượng hạt nhân”. Giữa Nga và Việt Nam đã hình thành mối quan hệ hợp tác song phương lâu dài trong việc ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Hiện tại, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (được khôi phục năm 1984 với sự hỗ trợ của Liên Xô) vẫn đang hoạt động hiệu quả. “Viện nghiên cứu này sẽ cho phép Việt Nam phát triển công nghệ hạt nhân cũng như xây dựng những cơ sở hạ tầng cần thiết để cung cấp nền tảng cho việc phát triển năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình của quốc gia. Tất cả những việc này sẽ nhận được sự trợ giúp nhiệt tình từ Nga”, ROSATOM tuyên bố.

Linh Nga

Văn Kiên - Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/dung-du-an-dien-hat-nhan-vi-ly-do-kinh-te-1075841.tpo