Dừng dự án điện hạt nhân để ưu tiên các mục tiêu kinh tế trọng điểm

Đó là công bố của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ông Mai Tiến Dũng, người phát ngôn của Thủ tướng tại cuộc họp báo chiều 22.11 do Văn phòng Chính phủ tổ chức, ngay sau khi Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 2 thông qua chủ trương dừng thực hiện Dự án nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Ninh Thuận, để công bố thông tin nêu trên và cho biết lý do vì sao phải dừng những dự án NMĐHN tầm cỡ quốc gia đã được chuẩn bị và triển khai bấy lâu.

Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ảnh: Internet

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Dự án NMĐHN Ninh Thuận được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 41/2009/QH12 ngày 25.11.2009. Dự án gồm 02 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2; công suất lắp đặt mỗi nhà máy khoảng 2000 MW để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước và tỉnh Ninh Thuận. Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng Dự án một cách thận trọng, chắc chắn, theo đúng quy định của pháp luật.

Về lý do dừng thực hiện Dự án, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: “Không phải vì vấn đề công nghệ. Bởi công nghệ hạt nhân của Liên bang Nga và Nhật Bản dự kiến sử dụng cho các dự án nêu trên là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay và có mức độ an toàn rất cao nên hoàn toàn yên tâm”.

Bộ trưởng Chủ nhiệm VĂn phòng Mai Tiến Dũng công bố thông tin về việc dừng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc dừng thực hiện dự án là do điều kiện kinh tế nước ta hiện nay. Cụ thể, tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định chủ trương đầu tư Dự án. Dư địa về tiết kiệm điện còn nhiều, khả năng liên kết lưới điện khu vực để trao đổi mua bán điện với các nước láng giềng dự kiến sẽ tăng cường trong thời gian tới, đặc biệt là tiềm năng sử dụng các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời trở nên khả thi về kinh tế do giá thành sản xuất điện từ các dạng năng lượng này đã giảm đáng kể trong giai đoạn 5 năm qua.

Mặt khác, nước ta đang cần nguồn vốn lớn để đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như việc đầu tư sân bay quốc tế Long Thành; mở đường cao tốc Bắc – Nam (dự kiến khoảng 200.000 tỉ đồng); đường sắt tốc độ cao, một số tuyến đường ven biển... cũng như nguồn vốn để giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra.

Về vấn đề đảm bảo năng lượng khi dừng thực hiện Dự án, theo dự kiến đến năm 2030, nếu hoàn thành Dự án NMĐHN sẽ đóng góp khoảng 3,6% về công suất và 5,7% về sản lượng điện sản xuất của hệ thống điện quốc gia.

Việc dừng thực hiện Dự án NMĐHN sẽ không làm ảnh hưởng đến an ninh cung ứng điện do có thể bổ sung các loại hình nguồn điện khác trong hệ thống như các nguồn nhiệt điện than, nguồn điện từ năng lượng tái tạo, nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) dự kiến đến năm 2030 sẽ có thêm 34 dự án điện đưa vào hoạt động với tổng công suất khoảng 6.000 MW bảo đảm thay thế sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, đồng thời cũng như xem xét biện pháp tăng cường mua điện từ các nước láng giềng nhất là từ CHDCND Lào.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết: Chính phủ Việt Nam khẳng định rằng việc dừng thực hiện Dự án không làm ảnh hưởng đến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga và quan hệ đối tác sâu rộng với Nhật Bản.

Chính phủ Việt Nam đánh giá cao và cảm ơn sâu sắc về thiện chí, sự hỗ trợ của Chính phủ Liên bang Nga và Nhật Bản trong quá trình chuẩn bị đầu tư Dự án, sự hợp tác có hiệu quả của các đối tác tham gia trực tiếp vào Dự án như ROSATOM (Liên bang Nga), JINED (Nhật Bản) v.v.... Chính phủ Việt Nam thống nhất với Chính phủ Liên bang Nga và Nhật Bản về việc giao cho các cơ quan chức năng của các bên bàn bạc, thống nhất phương án sử dụng các kết quả đã đạt được trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư các Dự án. Việt Nam khẳng định Nga, Nhật Bản là các đối tác hàng đầu, ưu tiên trong trường hợp Việt Nam xây dựng điện hạt nhân trong tương lai.

Việc dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Chính phủ trao đổi với các đối tác Nga và Nhật Bản cùng với thời điểm báo cáo Quốc hội xin chủ trương dừng thực hiện Dự án. Mặc dù các đối tác Nga và Nhật Bản đều bày tỏ sự đáng tiếc về việc dừng thực hiện Dự án với nhiều kết quả đã đạt được trong hợp tác đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, song về cơ bản các đối tác Nga và Nhật Bản đều thể hiện quan hệ hữu nghị, bày tỏ sự cảm thông và tôn trọng quyết định của Việt Nam, đồng thời Chính phủ Nga và Nhật Bản mong muốn sẽ tăng cường hợp tác, hỗ trợ cho Việt Nam một số lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng để thay thế cho hợp tác đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Để thay thế cho hợp tác đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi với Chính phủ Liên bang Nga và Nhật Bản về hợp tác thực hiện các dự án trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, kinh tế, thương mại v.v…mà các doanh nghiệp của Liên bang Nga và Nhật Bản có thế mạnh, đồng thời phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Về nguồn nhân lực điện hạt nhân hiện đang được đào tạo tại Liên bang Nga và Nhật Bản, theo thứ trưởng Bộ Công thương ông Hoàng Quốc Vượng cho biết: “Với thiện chí của Chính phủ Nga và Nhật Bản, sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo cho các sinh viên đến khi tốt nghiệp. Đây là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản có thể sử dụng trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình cũng như trong các nhà máy nhiệt điện và các Ban quản lý dự án nhà máy nhiệt điện của EVN”.

Được biết, từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo cử 381 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân tại các trường đại học của Liên bang Nga; đã thực hiện 242 lượt thực tập nước ngoài 03 tháng cho giáo viên, giảng viên các trường đại học về điện hạt nhân. Ngoài ra, EVN đã cử 31 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân ở Liên bang Nga, Pháp và 33 kỹ sư đi đào tạo cán bộ khung vận hành nhà máy tại Nhật Bản

Đại diện diện của ROSATOM (LIên bang Nga) cho biết: Dựa trên những điều kiện kinh tế vĩ mô trong thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã quyết định dừng dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận do LB Nga và Nhật Bản triển khai. Chúng tôi tôn trọng quyết định của khách hàng và luôn sẵn sàng để toàn tâm giúp đỡ Việt Nam trong trường hợp Chính phủ Việt Nam sẵn sàng để tái khởi động dự án năng lượng hạt nhân. Giữa Liên bang Nga (LB Nga) và Việt Nam đã hình thành mối quan hệ hợp tác song phương lâu dài trong việc ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Hiện tại, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt được khôi phục vào năm 1984 với sự hỗ trợ của Liên Xô vẫn đang hoạt động hiệu quả, đánh dấu bằng Lễ kỷ niệm 30 năm vào năm 2014. Viện nghiên cứu này sẽ cho phép Việt Nam phát triển công nghệ hạt nhân cũng như xây dựng những cơ sở hạ tầng cần thiết để cung cấp nền tảng cho việc phát triển năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình của quốc gia. Tất cả những việc này sẽ nhận được sự trợ giúp nhiệt tình từ LB Nga.

Công Thắng

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/dung-du-an-dien-hat-nhan-de-uu-tien-cac-muc-tieu-kinh-te-trong-diem-613592.bld