Đừng để trẻ cô đơn khi giải quyết xung đột

Về trường hợp tự tử của em Bùi Quang Huy ở Yên Bái, các chuyên gia, nhà quản lý về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho rằng, đây là trường hợp nằm ngoài mong muốn của tất cả các bên.

Huy bị đánh và bắt quỳ giữa đường. Ảnh cắt từ clip.

Sang chấn tâm lý nặng nề

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), diễn biến tâm lý dẫn đến tự tử của trẻ em tuổi mới lớn rất phức tạp. Đây là trường hợp bạo lực sinh ra bạo lực. Hành vi quay và tung clip lên mạng khá phổ biến là cách gây thêm áp lực cho chính nạn nhân.

“Thường sau các vụ xâm hại cơ thể, chữa lành vết thương thể chất, những trẻ hướng ngoại sẽ bộc lộ nhiều hơn, dễ giải tỏa hơn. Trẻ hướng nội tự âm thầm giải quyết bằng phản ứng tự vệ ở mức tiêu cực cao nhất là tự tử nên rất cần sự đồng hành, thấu hiểu của cha mẹ”

TS Tâm lý Nguyễn Kim QUÝ, Hội Khoa học Giáo dục và Tâm lý Việt Nam

“Sau khi bị bạo lực về thể chất thường dẫn đến tình trạng sang chấn tâm lý. Trong trường hợp đáng tiếc này có 2 vấn đề. Thứ nhất, đó là kỹ năng của bố mẹ. Bố mẹ Huy có thể quan tâm, chăm sóc con nhưng chưa thực sự thấu hiểu về tâm lý để tìm kiếm sự trợ giúp. Sau khi con bị hành hung, họ chỉ giữ ở nội bộ gia đình mà không tìm sự trợ giúp, ít nhất cần tìm sự trợ giúp, can thiệp từ phía nhà trường, cô giáo chủ nhiệm, bạn bè.

Thứ hai, diễn biến sang chấn tâm lý của Huy diễn ra trong nhà, nội bộ gia đình, cụ thể là mẹ em biết nhưng lúng túng trong xử lý, giúp con. Họ phải thấu hiểu sớm để tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài thì cũng can thiệp kịp thời. Bản thân các em khi xảy ra bạo lực với mình lúng túng không biết phải nhờ ai can thiệp, giúp đỡ. Sau khi bị hành hung cũng không biết phải tháo gỡ sang chấn tâm lý làm sao”, ông Nam nói.

Ông Nam cho biết, giả sử, gia đình hoặc em Huy biết đến đường dây nóng tư vấn miễn phí cho trẻ em 18001567 của Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, chắc chắn nhân viên tâm lý sẽ can thiệp kịp thời bằng nhiều hình thức từ lắng nghe, trò chuyện đến tháo gỡ bước đầu sang chấn tâm lý qua điện thoại; sau đó đường dây tư vấn cung cấp các địa chỉ cơ quan, cá nhân có trách nhiệm có liên quan hoặc trực tiếp liên hệ giúp trẻ em để hỗ trợ kịp thời.

Đừng để trẻ cô đơn

“Vấn đề tâm lý tuổi dậy thì, tuổi nổi loạn có rất nhiều thay đổi. Khi bị thất vọng, làm nhục hay bị bạo hành, trẻ thường có phản ứng tự vệ bằng cách tự xâm kích mình, mà đỉnh cao của xâm kích là tự tử khi bế tắc. Tâm lý rối loạn tuổi mới lớn thường hay nghĩ đến cái chết để giải quyết xung đột ở mức cao trào nhất bởi tâm lý tuổi này suy nghĩ về cái chết rất đơn giản: Chết là thoát khỏi bế tắc, là biện pháp giải tỏa tâm lý không phải đối mặt những khó khăn tiếp theo. Khi quyết định như vậy trẻ không nghĩ được hậu quả của cái chết sẽ gây đau lòng cho cha mẹ, những người thương yêu trẻ và hậu quả với xã hội”, TS Tâm lý Nguyễn Kim Quý (Hội Khoa học Giáo dục và Tâm lý Việt Nam) cho biết.

Theo TS Quý, trong trường hợp tự tử này chính là vấn đề tư vấn cho bậc làm cha mẹ, cụ thể là bố mẹ em Huy. Họ đã không thấu hiểu con về tâm lý (có thể không có kỹ năng). Trước khi tự tử, bao giờ trẻ cũng bộc lộ dấu hiệu bất thường như chán nản, thay đổi sinh hoạt, trầm cảm, nói không thiết sống nữa hoặc có hình thức lảng tránh mọi người, chia tay, tạm biệt mọi người… Bản thân cháu Huy có những biểu hiện của trẻ hướng nội, tư chất ưu tư nên rất khó trong vấn đề xử lý sau xung đột, bạo hành.

Theo chuyên gia tâm lý, nếu bố mẹ thấu hiểu được đặc điểm tâm lý của con mình như kiểu khí cách, tố chất, khả năng thích ứng của trẻ với môi trường, kỹ năng giải quyết xung đột, mối quan hệ với bạn bè thì mới có thể hỗ trợ, đồng hành cùng con trưởng thành và tránh được hậu quả đáng tiếc.

Phương Hiếu

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/dung-de-tre-co-don-khi-giai-quyet-xung-dot-1059710.tpo