Đừng để thất thoát tài sản nhà nước

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc khi đọc bài Ngăn chặn xã hội đen chi phối đấu giá trên Thanh Niên ngày 25.10.

Xem lại khâu tổ chức

Rõ ràng, để tổ chức một phiên đấu giá sẽ có sự tham gia của rất nhiều người, trong đó có cả thư ký, chuyên viên... Đây có thể là nhóm có khả năng để lộ thông tin hoặc cấu kết với xã hội đen thao túng các phiên đấu giá. Luật cần quy định những hành vi cấm cũng như chế tài đối với các cá nhân tham gia tổ chức đấu giá.

Nguyễn Thúy Hải (TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long)

Bảo đảm an toàn

Những vụ xã hội đen uy hiếp, đòi tiền người trúng đấu giá ngay tại sân ủy ban xã có phần lỗi của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Luật cần quy định về lực lượng bảo vệ các phiên đấu giá. Cần bảo đảm không có xã hội đen trà trộn, chi phối đấu giá cũng như trấn áp người trúng đấu giá để đòi tiền như đã từng xảy ra.

Đặng Văn Trịnh (P.3, Q.5, TP.HCM)

Cần chuyên nghiệp

Luật Đấu giá tài sản là một đạo luật chuyên ngành quan trọng của nền kinh tế. Để có được hành lang pháp lý cao nhất, chuyên nghiệp nhất về đấu giá tài sản thì tiêu chí đầu tiên là phải do một tổ chức đấu giá chuyên nghiệp thực hiện. Hiện nay có quá nhiều tổ chức, đơn vị... có chức năng bán đấu giá tài sản.

Điều này dễ dẫn đến sự lạm quyền cùng nhiều bất cập, do những cá nhân liên quan đến bán đấu giá gây nên, trong đó có việc để cho xã hội đen lũng đoạn, chi phối các buổi đấu giá.

Nguyễn Hoàng (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)

Quy định riêng

Luật Đấu giá tài sản cần xây dựng một chương quy định việc đấu giá khoản nợ, tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN (VAMC) đã mua. Trong đó, cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục, phương thức xử lý, giá khởi điểm, trách nhiệm giao tài sản sau khi đã bán đấu giá thành, cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế giao tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đã bán đấu giá thành… Có như vậy mới chuyên nghiệp hóa hoạt động đấu giá, thúc đẩy được quá trình xử lý nợ xấu, nợ quá hạn, đảm bảo tính minh bạch và bảo đảm quyền sở hữu tài sản của các chủ thể.

Khánh Hưng (An Giang)

Có cơ chế ràng buộc

Đã có nhiều vụ người đấu giá trúng bỏ chạy, không mua sản phẩm đấu giá nữa, đặc biệt là các buổi đấu giá từ thiện các tác phẩm nghệ thuật. Đây là chuyện rất phản cảm, vô đạo đức. Khi chương trình đấu giá từ thiện được truyền hình trực tiếp, được nhiều báo chí tham gia thì người đấu giá rất hăng, bỏ giá cao để lấy tiếng, quảng bá tên tuổi nhưng sau đó thì “xù”. Do đó, dự luật đấu giá cần quy định tiền ký quỹ đấu giá cao cũng như có cơ chế ràng buộc người trúng đấu giá, buộc họ phải mua sản phẩm đấu giá trúng.

Võ Thị Mỹ (P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM)

Ban CTBĐ
(tổng hợp)

Bảo đảm cho việc đấu giá tài sản thi hành án thành công cũng là một vấn đề cần lưu ý trong dự án luật Đấu giá. Đã xảy ra nhiều vụ việc người trúng đấu giá nhà thi hành án nhưng mãi không lấy được nhà, vụ việc kéo dài, khổ sở cho người trúng đấu giá. Giải quyết tốt vấn đề này sẽ là bước đột phá trong đấu giá thi hành án hiện nay.

Nguyễn Đức Hữu (Q.Gò Vấp, TP.HCM)

Nhiều doanh nghiệp nhà nước đồng thời là chủ tài sản đã tự tổ chức bán tài sản thanh lý của mình mà không qua đấu giá. Điều này dễ dẫn tới thất thoát, tiêu cực. Cần quy định rõ hơn về vấn đề này trong dự án luật Đấu giá. Nếu không rõ ràng, minh bạch trong chuyện này thì tài sản của nhà nước sẽ được bán với giá rất rẻ, gây lãng phí, thất thoát lớn.

Nguyễn Đức Nghĩa (TP.Đà Nẵng)

T.T - Duy Khang (thực hiện)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/dung-de-that-thoat-tai-san-nha-nuoc-758780.html