Đừng để người dân bất an

Sau thủy sản, giờ đến lượt “hạt vàng” của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị trả về, lý do cũng chỉ bởi phát hiện dư lượng chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép (BVTV).

Việc một đầu mối của Mỹ trả lại gạo không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp xuất khẩu gạo và người nông dân mà quan trọng hơn thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì sao lại như vậy? Câu hỏi này có lẽ chỉ có Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương mới trả lời được!

Đâu là nguyên nhân, đâu là giải pháp?

Thời gian các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam lẫn người nông dân và người tiêu dùng vô cùng lo lắng trước việc các đối tác Hoa Kỳ trả lại cho các doanh nghiệp trong nước cả hàng tấn gạo với lý do chất BVTV vượt ngưỡng cho phép. Và càng đáng lo hơn, khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công bố chỉ trong vòng 4 năm lại đây đã có 17 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường Mỹ, bị FDA trả về khi phát hiện có tồn dư thuốc BVTV trong sản phẩm.

Điều cần phải nói rõ, đối với sản phẩm gạo xuất khẩu nói chung, gạo xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ nói riêng quy trình kiểm tra chất lượng gạo rất nghiêm ngặt, vậy tại sao lại có hiện tượng này. Các nhà khoa học thì cho rằng, phải chăng quy trình kiểm tra chất lượng của các chuyên gia Việt Nam kém, hay tại quy trình kiểm tra bên phía đối tác nhập khẩu “nhầm lẫn”. Còn người tiêu dùng thì nói: Chất lượng gạo xuất khẩu còn thế, liệu chất lượng gạo tiêu thụ ở thị trường nội địa thì sao?

Về vấn đề này, chuyên gia nông nghiệp T.S Nguyễn Thị Hiền cho rằng, trong suốt một thập kỷ qua, gạo Việt Nam về cơ bản đã tạo được chỗ đứng trên bản đồ lương thực thế giới. Tuy nhiên mấy năm lại đây, ưu thế xuất khẩu về sản lượng đã không còn là thế mạnh của Việt Nam, khi chất lượng gạo Việt ngày càng đi xuống. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có nổi một thương hiệu gạo quốc gia. Trong khi đó, rất nhiều “đối thủ” xuất khẩu gạo của Việt Nam như: Ấn độ, Thái Lan, Pakistan đã có những chiến lược dài hơi và thành công, thậm chí thương hiệu gạo của các quốc gia này con đe dọa thị trường gạo trong nước của Việt Nam. “Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đang quá chủ quan, họ chủ quan từ khâu trồng trọt cho đến chế biến, kiểm tra chất lượng, vì thế khiến gạo Việt xuất khẩu đang bị giảm mạnh cả về chất và lượng. Cho đến khi gạo của chúng ta bị trả về, các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng mới nháo nhào tìm hướng giải quyết. Điều này cho thấy tư duy làm ăn nhỏ lẻ, thiếu khoa học vẫn đóng vai trò chủ đạo”- T.S Hiền cho hay.

Đồng quan điểm với TS Hiền, với tư cách doanh nhân ông Ngô Ngọc Tiến, Giám đốc Công ty Tiến Xuân cho rằng, việc dư lượng thuốc BVTV cũng là một trong những nguyên nhân không chỉ khiến sản lượng gạo xuất khẩu của chúng ta bị giảm sút mà quan trọng hơn làm mất uy tín của gạo Việt trên thị trường thế giới. “Tư duy trồng lúa theo kiểu tự do, lúa bị bệnh thì tự ra cửa hàng mua thuốc BVTV về phun vô tội vạ (8 dư lượng thuốc BVTV bị Mỹ trả về liên quan đến thuốc trị rầy nâu, sâu đục thân, trị lép hạt, vàng lá…PV), khiến doanh nghiệp thu mua gặp khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm, nên khi xuất khẩu đã gặp phải nhiều tình huống bất khả kháng dẫn đến gạo bị trả về”- ông Tiến nhấn mạnh.

Từ những sự cố trên (dẫu chưa biết gạo Việt Nam có thực sự bị nhiễm thuốc BVTV quá quy định hay không- PV), vấn đề đặt ra là làm thế nào để lấy lại thương hiệu gạo Việt Nam bằng chất lượng, T.S Nguyễn Thị Hiền cho rằng điều quan trọng cần xóa bỏ việc sản xuất manh mún bằng việc xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, doanh nghiệp liên kết với nông dân (doanh nghiệp thuê lại ruộng của người dân để có những cánh đồng lớn), áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, tăng cường kiểm soát giống, kiểm soát phân bón và thuốc BVTV từ khi trồng đến lúc thu hoạch. Đồng thời, đẩy mạnh các vùng trồng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP hay VietGAP, để không chỉ đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính, mà còn nâng cao sự cạnh tranh tại thị trường trong nước, trước sự đe dọa chiếm thị trường từ gạo Thái Lan, Campuchia…

Và đặc biệt, theo các chuyên gia khi chưa tạo ra được những cánh đồng lúa lớn để áp dụng triệt để các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào canh tác thì quan trọng các cơ quan chức năng phải nâng cao kỹ năng về kiểm nghiệm chất lượng gạo xuất khẩu. Đi kèm đó, phải làm việc với các đối tác xuất khẩu xem mỗi quốc gia tiêu chuẩn mà họ đặt ra đối với dư lượng thuốc BVTV hay các hoạt chất khác trong gạo ra sao để bàn bạc và đi tới thống nhất chung. Tránh tình trạng trong nước cho là dư lượng thuốc như thế là đạt tiêu chuẩn để sử dụng, còn nước ngoài nói như thế là vượt ngưỡng cho phép, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Cơ quan chức năng phải ra “thông điệp” để dân yên tâm

Trước thông tin gạo Việt Nam bị trả về do dư lượng thuốc BVTV, người tiêu dùng trong nước cũng cảm thấy bất an. Chị Hà Uyên ở Khương Trung, (Thanh Xuân) cho biết: “Mấy ngày nay tôi nghe báo đài nói về việc gạo Việt Nam xuất khẩu bị trả về do có tồn dư thuốc BVTV, khiến không khỏi lo lắng. Không chỉ lo ngại về chất lượng gạo hiện nay đang có mặt trên thị trường trong nước, mà cả việc số phận các lô hàng xuất khẩu bị trả về ra sao, xử lý như thế nào? Liệu số gạo bị trả về này có bị các doanh nghiệp bán ra thị trường hay không? hay họ lại quay vòng và xuất khẩu sang một nước khác dễ tính hơn?”

Về sự lo ngại của người tiêu dùng, chuyên gia kinh tế Đặng Đình Tiền cho biết, chúng ta đều biết rằng không chỉ có Mỹ mà ngay cả Nhật, Pháp, Đức…đều có những tiêu chuẩn riêng và yêu cầu rất cao đối với các mặt hàng nhập khẩu, thậm chí họ còn có những hàng rào kỹ thuật (theo phục lục của WTO - PV) nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Vì thế, việc sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm (chứa kháng sinh, thuốc BVTV) không theo quy định của nước họ, thì việc bị trả về thường xảy ra. “Người tiêu dùng phải hiểu rằng, những sản phẩm bị trả về không có nghĩa là chúng ta không dùng được.

Bởi lẽ, nhiều chất được phép sử dụng ở Việt Nam, nhưng lại bị cấm tuyệt đối ở Mỹ, Nhật, châu Âu… Nếu dư lượng trong ngưỡng cho phép ở Việt Nam và phù hợp với những nước có tiêu chuẩn nhập khẩu thấp hơn, thì sản phẩm vẫn có thể tiếp tục sử dụng. Còn đối với các chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, khi bị trả về chắc chắn sẽ bị tiêu hủy và Cục Quản lý Chất lượng nông – lâm – thủy sản và nghề muối sẽ phải chịu trách nhiệm” – ông Tiền cho hay.

“Người tiêu dùng phải hiểu rằng, những sản phẩm bị trả về không có nghĩa là chúng ta không dùng được. Bởi lẽ, nhiều chất được phép sử dụng ở Việt Nam, nhưng lại bị cấm tuyệt đối ở Mỹ, Nhật, châu Âu… Nếu dư lượng trong ngưỡng cho phép ở Việt Nam và phù hợp với những nước có tiêu chuẩn nhập khẩu thấp hơn, thì sản phẩm vẫn có thể tiếp tục sử dụng. Còn đối với các chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, khi bị trả về chắc chắn sẽ bị tiêu hủy và Cục Quản lý Chất lượng nông – lâm – thủy sản và nghề muối sẽ phải chịu trách nhiệm” – ông Tiền cho hay

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dung-de-nguoi-dan-bat-an-43635.html