Đừng để mất kiểm soát vì giá trị ảo

Chống nghiện “đời sống đầy ảo giác” trên mạng xã hội không dễ, phải thực hiện đồng bộ với việc lên án, chống hành vi xấu, gây bất công ngay trong đời sống thực bằng người thực, việc thực

Cùng với sự phát triển của công nghệ và internet, mạng xã hội trở thành một kênh giao lưu chia sẻ phổ biến toàn cầu. Với những tiện ích, các kênh chia sẻ trên mạng xã hội cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống.

Cần những buổi sinh hoạt như thế này để kéo các bạn trẻ ra khỏi thế giới ảo.Ảnh: Hoàng Triều

Nguyên nhân sâu xa từ nền giáo dục

Theo luật sư Châu Huy Quang, giảng viên Học viện Tư pháp, hệ lụy của mạng xã hội là khả năng tạo ra các giá trị ảo, không có thực trong đời sống. Các bạn trẻ chưa có va chạm thực tế cuộc sống, đang trong giai đoạn hoàn thiện kỹ năng sống, trải nghiệm trong tiếp thu và chọn lọc thông tin trong thời đại công nghệ, kỹ thuật số sẽ dễ bị tác động. Nếu đời sống thực của xã hội bị ảnh hưởng từ môi trường ảo sẽ gây nhiều hệ lụy cho cả xã hội.

Mặt trái của trào lưu "Đủ like là làm", “câu Like” hoặc “Comment” theo cách “tán dương” là biểu hiện bên ngoài của môi trường ảo. Nguy hại một phần từ tâm lý đám đông, khi nhiều người cũng “Like” thì cách biến tấu những hình ảnh, phát ngôn bất luận đúng hay sai, dễ bị đánh đồng thành biểu hiện “sự đồng thuận xã hội”, gây ảo giác cho chủ thể được “Like”, khuyến khích cho hành vi sai trái, mất kiểm soát vì ảo giác bản thân.

“Tôi nghĩ thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có thiếu cơ chế pháp lý, thực tiễn xã hội quản lý mạng xã hội ở tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Cụ thể, một số văn bản hiện trực tiếp điều chỉnh việc cấp phép, quản lý trang mạng xã hội như Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Thông tư 09/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng điểm chung là thiếu chế tài xử lý các hành vi vi phạm các xâm hại, ngăn ngừa nguy hại trên môi trường mạng. Ngoài ra, phần lớn các giao diện, môi trường mạng đều được tạo, vận hành bởi các chủ thể nước ngoài trên cơ sở cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới” - luật sư Quang phân tích.

Ông Quang cũng nhấn mạnh trên hết, thực trạng này nguyên nhân sâu xa từ nền giáo dục. Cách dạy, cách học ở ta vẫn trọng “nhồi” kiến thức, nhẹ phần đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng tiếp cận chọn lọc thông tin trong thời kỳ công nghệ, kỹ thuật số, mạng xã hội, sự kết nối các nguồn. Luồng thông tin tốt hay xấu không còn là câu chuyện của một gia đình, trường học mà là chuyện của một quốc gia và nhiều quốc gia. Do vậy, đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng ứng xử nhất định để nhận thức và điều chỉnh hành vi.

Từ vấn đề giáo dục cũng dẫn đến hệ lụy lớn hơn là vấn đề khôi phục lòng tin, ý thức trách nhiệm xã hội. Một khi việc người lớn có thể xả rác ra nơi công cộng, bơm trộn hóa chất vào thực phẩm, chạy chức, tham nhũng, trốn thuế... vẫn xem là cách phát triển bản thân một cách khôn ngoan thì việc chống nghiện một “đời sống đầy ảo giác” trên mạng xã hội là không dễ. Do vậy, chống “ảo giác” còn phải thực hiện đồng bộ với việc lên án, chống hành vi xấu, gây bất công ngay trong đời sống thực bằng người thực, việc thực.

Thành công có được do nỗ lực

Đặt câu hỏi “Vì sao cảnh sát giao thông khi bắt người đua xe thì bắt luôn cả người tụ tập đua xe?”, TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia kinh tế, phân tích người đua xe chỉ có cảm hứng đua khi đám đông tụ tập, kích động để cuộc đua trở nên hứng thú hơn. Trong trường hợp những người câu “Like” cũng vậy, khi được cổ vũ, khuyến khích, họ sẽ thực hiện những hành vi ép buộc có thể nguy hiểm tính mạng, nguy hiểm xã hội. Người cổ vũ đua xe, người “Like” trên mạng xã hội đều phải được xem như những người cổ xúy cho hành vi không đúng, cần phải bị lên án.

Để hạn chế những tình trạng này, theo TS Minh, xử phạt theo quy định là khó vì mạng xã hội ngăn chặn các hành vi này không dễ. Cái gốc vẫn là giáo dục đạo đức, lối sống để giới trẻ thấy rằng những thành công đều do nỗ lực, không có sự nổi tiếng nào dễ dàng, bắt nguồn từ việc câu “Like” hay hành vi tiêu cực mà tồn tại lâu dài. Hiện có tình trạng trẻ em mới vài tuổi nhưng được cha mẹ “giao” cho điện thoại thông minh, máy tính bảng để chơi trò chơi, lên mạng mà thiếu kiểm soát nên ngay từ nhỏ, trẻ em đã tiếp xúc thông tin không chọn lọc và bị ảnh hưởng.

“Trong một số trường hợp, nhiều bậc phụ huynh thấy rằng việc cấm cản con vào mạng xã hội là không thể nên đã dùng cách thông minh hơn là kết bạn với con trên mạng một cách khéo léo, đọc Facebook của con một cách tế nhị rồi đưa ra lời khuyên giống như người bạn. Kết bạn, chia sẻ với con để hiểu và kịp thời phát hiện những hành vi bất thường nhằm ngăn chặn. Đặc biệt, vai trò của truyền thông trong việc tuyên truyền cho giới trẻ những điều tốt đẹp là rất quan trọng”- TS Minh nêu ý kiến.

Ngăn ngừa vi phạm đi kèm chế tài

Theo các chuyên gia, về lâu dài, giải pháp cần phải tập trung vào là nhóm đối tượng trẻ vị thành niên. Theo tinh thần của Luật Trẻ em mới năm 2016, trong đó các hành vi gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em, như tiêu chí của luật này nhắm đến, cần định lượng được phương pháp ngăn ngừa vi phạm đi kèm chế tài để nghiêm trị các hành vi vi phạm trên môi trường mạng.

Thái Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/dung-de-mat-kiem-soat-vi-gia-tri-ao-20161013230528765.htm