Đừng để kiến thức vùi lấp tuổi thơ

Sau khi đọc bài "Lo lắng khi con học quá giỏi" đăng trên mục blog của GiadinhNet, chị Đinh Bích Châu, một bà mẹ có hai con trai, hiện đang sinh sống tại Úc, đã gửi đến tòa soạn những tâm sự sau đây. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

...Đọc bài "Lo lắng khi con học quá giỏi" trên GiadinhNet, tôi chợt nhớ kỷ niệm một lần đi họp phụ huynh cho con trai khi đó mới 7 tuổi. Sau khi gặp gỡ cô giáo, than thở, lo lắng, quan tâm hỏi han đủ điều về tình hình học tập của cậu con trai , tôi đã được cô ân cần động viên, khen ngợi cậu con trai với vô số ưu điểm mà mình trước đó chả mấy quan tâm. Rồi cô kết thúc bằng những chia sẻ vô cùng ý nghĩa như sau:

"Chị đừng quá lo về bọn trẻ, mỗi đứa trẻ là một loại mầm cây vừa cần được vun trồng theo cách riêng, vừa cần được tự do vươn ra mặt trời đón nắng. Chúng cần được vui chơi và tiếp nhận mọi nguồn vui tự nhiên từ cuộc đời, để thoải mái bộc lộ và phát triển thiên hướng cũng như tài năng. Tốt hơn nhiều là cứ luôn tối tăm mặt mũi vì kiến thức ngập đầu. Dẫu kiến thức có ích, nhưng đừng để nó vùi lấp tuổi thơ.

Tôi đã có thời gian công tác ở Việt Nam, đã quan sát cách giáo dục ở nhiều trường và thực sự lo lắng cho các em nhỏ khi chứng kiến tận mắt cách mà các thầy cô trút kiến thức lên đầu trẻ. Thật thiếu lòng khoan dung và hiểu biết khi cứ buộc tất cả các em, dù ở cùng lứa tuổi, phải tiếp thu chung một trình độ học vấn, phải đạt được cùng một thành tích trong học tập, khi khả năng tư duy, trình độ tiếp thu cũng như tài năng thiên bẩm của từng em nhỏ hoàn toàn khác nhau.

Đừng biến trẻ em thành những con lừa, gồng trên vai khối kiến thức quá tải, cùng sức nặng thành tích mà người lớn đang buộc các em phải gánh, để có được chiến tích cho chính người lớn chúng ta. Hãy để các em vui chơi hạnh phúc cho ít nhất tới hết bậc học cơ sở ".

Những ý kiến của cô đã khiến tôi liên tưởng đến một xưởng làm bánh thủ công, khi các em nhỏ được ví như những cục bột trắng tinh, mềm mại, thơm tho, bị rơi vào tay một gã thợ vụng . Để rồi theo quy trình thủ công ít cải tiến, những cục bột mềm dễ xử lý, lăn trong tay ông thợ vụng, cứ bị nhào nặn, dồn nén thô bạo không thương xót cho vừa một cái khuôn định sẵn kích thước, bất chấp phẩm chất bột loại gì, rồi thả sức nhồi nhét đủ các hợp chất tạp phế lù làm nhân với phương châm “càng nhiều nhân càng tốt", bất kể vỏ bánh có chịu đựng và đủ sức chứa hay không.

Để rồi cuối dây chuyền cho ra lò một loạt sản phẩm cùng chủng loại, thiếu sắc màu, hương vị riêng và đầy lỗi kĩ thuật kiểu “sống nhân, vỡ vỏ”. Thế nhưng sau một vòng kiểm duyệt, các sản phẩm đầy sai sót ấy vẫn được nhận con dấu sản phẩm đạt chất lượng và thậm chí mang thương hiệu "hàng Việt Nam chất lượng cao".

Trẻ em H'Mong nô đùa trên đường đi học về. Ảnh của Erika Tanith

Năm tháng qua đi, những gánh nặng bài vở học hành cùng các chỉ tiêu phấm đấu cứ ngày càng chồng chất lên vai các em. Để rồi như một cơn ác mộng chung của toàn xã hội, trong đầu các em và cha mẹ lúc nào cũng chăm chăm hai chữ "thành tích". Dấu ấn tuổi thơ với bài vở chất chồng, cùng những cuộc ganh đua liên miên không hồi kết sẽ là những dấu ấn nặng nề hằn in trong tâm trí non nớt của trẻ thơ và theo các em đi suốt cuộc đời.

Với cách thức giáo dục bảo thủ, duy ý chí, lề lối học chay thiếu thực tế sẽ biến các em thành những cỗ máy được cài đặt sẵn chương trình trong tương lai. Các em sẽ không nhanh nhậy trước thực tế đa dạng và thiếu sáng tạo trong xử lý tình huống. Dường như cả cha mẹ và các em đều bị ở vào thế của những khách lữ hành thiếu điều kiện, bị ném vào một khoang tầu trang thiết bị kém, rồi cứ tặc lưỡi để đoàn tầu đưa mình chạy theo một tuyến đường đã vạch sẵn, trên một đường ray cũ kĩ, đầy lỗi hệ thống, chở tới ga mình định đến với niềm tin mơ hồ rằng đây là cách lựa chọn đúng, với hi vọng mong manh con cái sẽ đến được với bến bờ hạnh phúc trong tương lại.

Vậy nên, nếu không có bản lĩnh tự học hỏi và vươn lên, các em sau này sẽ không tránh khỏi bị biến thành những con mọt sách, luôn đứng lấp ló sau chồng sách vở mà người khác trang bị , chất đống quanh mình, che khuất tầm nhìn thực tế, không một lần thể hiện được cái tôi sáng tạo. Hoặc sẽ trở thành những con sâu làm rầu xã hội khi lúc nào cũng quấn quanh người đầy bằng cấp cho hợp với trào lưu, nhưng lại luôn run rẩy khi đưa mớ kiến thức vay mượn ra thực hành, cũng như không dám đương đầu ra nhận trách nhiệm khi có chuyện không hay đổ bể .

Lại muốn nhắc lại lời của cô giáo Úc ấy nói với tôi: "Mục đích cuối cùng của cha mẹ là muốn con cái được hạnh phúc. Vậy hãy làm những gì có thể để nụ cười trẻ thơ nở trên môi ngay hôm nay và ngay bây giờ, khi con trẻ đang thật sự cần có niềm vui và hạnh phúc của tuổi thơ".

Mong sao tuổi thơ của các em không bị hao mòn trong đống kiến thức nhồi nhét, chồng chất mà thực sự là những mầm xanh nở ra chồi biếc, làm tươi sáng cuộc sống của cả các em và của cả các bậc phụ huynh.

Giá mà ai cũng hiểu và trân trọng trẻ nhỏ đúng với nghĩa trẻ thơ phải biết ăn ngủ, biết học hành và biết... chơi đùa...!

Đinh Bích Châu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nuoi-day-con/dung-de-kien-thuc-vui-lap-tuoi-tho-20130605035152496.htm