'Đừng để các địa phương tự quy hoạch, đua nhau làm sân bay, cảng biển'

Đại biểu Quốc hội Cao Đình Thường cho rằng việc để các địa phương tự quy hoạch dễ dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”, quy hoạch dàn trải, thiếu đồng bộ, thiếu tính liên thông, liên kết, quy hoạch không hiệu quả gây thất thoát lãng phí, phát sinh nhiều bất cập trong triển khai.

Thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội sáng 2/11, đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) kiến nghị Nhà nước phải là chủ thể thực hiện quy hoạch tổng thể trên phạm vi cả nước, không nên để mỗi địa phương tự quy hoạch.

Vì như thế, theo ông Thưởng, dễ dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”, quy hoạch dàn trải, thiếu đồng bộ, thiếu tính liên thông, liên kết, quy hoạch không hiệu quả gây thất thoát lãng phí, phát sinh nhiều bất cập trong triển khai.

Lấy dẫn chứng ngay tại địa phương mình, ông Thưởng cho biết dự án cụm nhà máy sản suất nhiên liệu sinh học Ethanol (huyện Tam Nông, Phú Thọ) ra đời do sự đánh giá không đầy đủ và thiếu thận trọng.

Dự án được khởi công từ 2008, dự kiến đi vào hoạt động năm 2010 với tổng mức đầu tư ban đầu là 1.385 tỷ đồng nhưng đến nay qua 4 lần điều chỉnh với số vốn lên tới 2.484 tỷ đồng.

“Có thể nói đây là dự án kém khả thi, thời gian kéo dài, rất tốn kém và nhiều khả năng đắp chiếu, nguy cơ phá sản cao, để lại nhiều hệ lụy, gây thất thoát lãng phí tiền của làm mất niềm tin của nhân dân”, ông Thưởng nói.

Do vậy, vị đại biểu này đề nghị: “Việc quy hoạch và phê hoạch đầu tư cần cân nhắc thận trọng, phù hợp từng vùng, tạo động lực thúc đẩy cho nền kinh tế”.

Cùng bàn về vấn đề quy hoạch vùng, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng dù đã đạt được những hiệu quả nhất định, góp phần vào sự phát triển của đất nước song vẫn còn nhiều hạn chế.

“Việc quy hoạch vùng vẫn mới chỉ mang tính chất ghép nối các tỉnh thành với nhau, có những nơi chỉ là số ghép cơ học, chưa có sự liên kết thực sự, hầu như chưa có chế tài lâu dài”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, việc thu hút đầu tư và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giữa các địa phương đang mang tính chạy đua, mạnh ai nấy làm, thi nhau “trải thảm đỏ”, mời chào đầu tư với nhiều hình thức ưu đãi.

“63 tỉnh thành mà có tới 245 bến cảng, 29 cảng biển, 21 sân bay trong đó có tới 10 sân bay quốc tế. Gần như tỉnh nào cũng có hoặc đều muốn có sân bay, cảng biển”, đại biểu Sơn cho biết.

Ông Sơn cho rằng, điều này làm giảm lợi ích tổng thể. Các tỉnh thành đầu tư dàn trải, lãng phí, không có trọng điểm. Các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy được vai trò đầu tàu, tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa thực sự vượt trội.

N.Mạnh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/dung-de-cac-dia-phuong-tu-quy-hoach-dua-nhau-lam-san-bay-cang-bien-2148436.html