Đừng để 'bốc hơi' tiền gửi

Lại có thêm một vụ lình xình liên quan đến tiền gửi của khách hàng lên tới gần 9 tỷ đồng bị rút bất hợp pháp do lỗi của cán bộ ngân hàng vừa mới xảy ra tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).

Đây không phải là vụ đầu tiên một số tiền lớn của khách hàng bị “bốc hơi” nhưng cũng sẽ không phải là vụ cuối cùng nếu tình trạng quy trình không chặt chẽ, buông lỏng quản lý đội ngũ nhân sự, đặc biệt là đội ngũ giao dịch viên hiện nay tại nhiều ngân hàng.

Điểm lại thời gian qua đã xảy ra không ít vụ việc tiền tiết kiệm của khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng “không cánh mà bay”. Như vụ việc khách hàng báo mất 26 tỷ đồng tại VPBank hay mất 4 tỷ đồng tại SCB... Từ những vụ việc trên cho thấy, sai phạm cố ý của chính cán bộ ngân hàng là một nguyên nhân thường trực gây nên hậu quả rủi ro từ các giao dịch tiền gửi. Mặc dù cũng có không ít trường hợp xuất phát từ sự trục lợi của khách hàng song sau những vụ việc vừa qua tại nhiều ngân hàng cần thẳng thắn nhìn nhận đây là một nguy cơ tiềm ẩn cần sớm có biện pháp ngăn chặn.

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet

Nhiều chuyên gia kinh tế ngân hàng thường ví von, nếu xem ngân hàng là túi tiền của nền kinh tế thì giao dịch viên là người canh cửa, kiểm soát túi tiền, kho tiền của ngân hàng. Bất kỳ sơ suất nào của giao dịch viên cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ an toàn tiền vốn của mỗi ngân hàng. Song thực tế qua những vụ việc xảy ra cho thấy, trong khi có đến hàng trăm tình huống rủi ro nghiệp vụ tác động vào giao dịch tài khoản và liên quan trực tiếp đến giao dịch viên như rủi ro đến từ những vấn đề pháp lý trong giao dịch khách hàng như ủy quyền, quyết định, đại diện, chữ ký, con dấu, giám hộ, nhận diện pháp lý… nhưng đôi ngũ này lại là khâu chưa được nhiều ngân hàng quan tâm đúng mức. Thế mới có chuyện giao dịch viên sử dụng thẻ tiết kiệm khống để phát hành cho khách mà không hạch toán vào hệ thống diễn ra tại ngân hàng Agribank; Hay vụ lợi dụng chức vụ được ngân hàng giao để dùng các thủ đoạn chuyển tiền không có chứng từ của khách hàng, tất toán tiền gửi không có chữ ký chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng trong vụ đại án Huyền Như tại Viettinbank… Và vụ mới nhất tại NCB, chính ngân hàng này đã thừa nhận nguyên nhân xuất phát từ nguyên trưởng phòng giao dịch tư vấn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình ký, đóng dấu trên các tờ bảng kê tiền gửi tự lập ra… để chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Các ngân hàng không phải không thấy được những điểm yếu của mình, điều quan trọng là cần sớm có giải pháp khắc phục, hoàn thiện quy trình, nâng cao trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp từng bộ phận trong đó có đội ngũ giao dịch viên để phòng ngừa rủi ro tới đây bài bản và chuyên nghiệp hơn. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế sẽ còn rất nhiều vụ việc cần các ngân hàng nhìn nhận thận trọng và chủ động đối phó để không làm giảm lòng tin của người dân mỗi khi gửi tiền.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dung-de-boc-hoi-tien-gui-284074.html