Đừng dạy trẻ không được nói chuyện với người lạ!

Đó là lời khuyên của Trung tâm Quốc gia về Bảo vệ Trẻ em bị mất tích và bị lạm dụng của Mỹ (NCMEC). Theo đó, NCMEC khuyên phụ huynh không dùng cụm từ 'người lạ nguy hiểm' – khái niệm đã được sử dụng nhiều thập kỉ qua để dạy trẻ em tránh xa người lạ.

Theo ABC News, mặc dù NCMEC đã loại bỏ khái niệm “người lạ nguy hiểm” từ nhiều năm nay, nhưng nhiều cha mẹ vẫn sử dụng khái niệm này để dạy con. Gần đây, tổ chức này đã liên tục kêu gọi dừng nhấn mạnh với trẻ về sự nguy hiểm từ người lạ.

Ông Callahan Walsh, nhà hoạt động vì trẻ em tại NCMEC cho hay: “Mặc dù đó chỉ là một cụm từ, một lời kết luận chung chung, nhưng không đúng trong mọi trường hợp. Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn mọi người suy nghĩ lại về việc sử dụng cụm từ này”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo ông, NCMEC muốn kết thúc việc dùng “người lạ nguy hiểm” vì ba lý do. Thứ nhất, thực tế cho thấy trường hợp trẻ bị người mà trẻ quen biết làm hại lớn hơn nhiều so với trường hợp trẻ bị người lạ làm hại. Thứ hai, nhiều trẻ không thực sự hiểu khái niệm “người lạ”. Thứ ba, có những tình huống trẻ cần đến sự giúp đỡ của người lạ như đi lạc đường hoặc khi bị bắt cóc.

Babycenter, trang chuyên về chăm sóc trẻ em hàng đầu nước Mỹ cũng có quan điểm tương tự, đồng thời đưa ra hướng dẫn chi tiết về cách dạy trẻ tương tác với người lạ.

Bắt đầu với khái niệm cơ bản về bảo vệ cơ thể

Hãy bắt đầu nói về các biện pháp bảo vệ bản thân cho trẻ từ 2 đến 3 tuổi. Khi đi ra ngoài, bạn hãy bảo trẻ luôn đi cạnh bố mẹ và cũng không nên cho phép tất cả mọi người dễ dàng chạm vào trẻ.

Hãy dạy trẻ không được đi theo người lạ vì bất cứ lý do gì.

Nói chuyện về khái niệm người lạ

Thời điểm nói chuyện về người lạ phù hợp nhất là khi trẻ khoảng 4 tuổi. Bạn hãy bắt đầu bằng câu hỏi: “Con có biết người lạ là gì không?”. Nếu trẻ không rõ, bạn hãy nói với trẻ rằng: “Người lạ là người trẻ không biết”.

Để tránh làm trẻ sợ hãi không cần thiết, bạn hãy nhấn mạnh rằng người lạ không nhất thiết là người xấu hay người tốt, chỉ là người mà trẻ không biết.

Dạy trẻ những người lớn mà trẻ có thể tin tưởng và nhờ giúp đỡ khi cần

Bạn hãy cho trẻ biết những người lạ mà trẻ có thể tin tưởng và có thể nhờ giúp đỡ như cô giáo, cảnh sát, công an, hoặc nhân viên cửa hàng…

Ví dụ, khi vào một cửa hàng nào đó, bạn có thể nói với trẻ cách nhận diện nhân viên cửa hàng để trẻ có thể nhờ giúp đỡ khi bị lạc.

Lập ra các quy tắc tương tác với người lạ, những việc được làm và không được làm

Ví dụ: Nếu con lạc mẹ khi đang đi mua sắm, hãy tới quầy thanh toán đọc tên, số điện thoại của mẹ để nhờ giúp đỡ và không được rời khỏi cửa hàng cho tới khi mẹ đến đón. Con có thể chào người lạ, nhờ giúp đỡ khi cần nhưng tuyệt đối không được đi theo người lạ dù người đó bảo sẽ dẫn con tới chỗ mẹ hay tới công an.

Tập tương tác với người lạ trước

Đóng kịch rất có hiệu quả trong việc dạy trẻ xử lý các tình huống. Ví dụ, giả vờ có người lạ tiến đến khi trẻ đang ở một mình trong công viên, khi người lạ hỏi đường…để trẻ nghĩ cách xử lý. Bạn cũng thể dạy trẻ cách xử lý.

Chú ý không được làm cho trẻ sợ

Tránh dùng những lời nhắc nhở quá nghiêm trọng khiến trẻ sợ hãi như kiểu “Người lạ sẽ bắt con đi, không được gặp bố mẹ nữa”.

Thay vào đó, bạn hãy bình tĩnh và kiên định với các quy tắc được làm và không được làm. Hãy nhắc lại trẻ vào những dịp trẻ sắp đi ra ngoài chơi, đi du lịch hay tới chỗ đông người.

Ngoài ra, bạn cũng nên dạy trẻ học thuộc càng sớm càng tốt về tên của trẻ, của bố mẹ, cũng như số điện thoại và địa chỉ nhà.

PHẠM KHÁNH (Tổng hợp)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dung-day-tre-khong-duoc-noi-chuyen-voi-nguoi-la-post227184.info