Đừng đánh đồng nước chấm với nước mắm

Theo ông Tý, một số đơn vị sản xuất nước mắm công nghiệp còn tìm tới cơ sở của ông để “đặt hàng” nước mắm cốt mang về pha chế cho đủ độ đảm như họ công bố vì không đủ thời gian ủ cá.

Trao đổi với Dân Việt chiều 18.10, chủ cơ sở nước mắm truyền thống Hương Miền Trung (Cà Ná – Ninh Thuận) chia sẻ: “Chúng tôi làm nghề sản xuất nước mắm gia truyền và từ bao đời nay chỉ làm theo công thức của cha ông để lại nhưng chưa thấy có ai phản ảnh gì về chất lượng nước mắm bao giờ. Thi thoảng chỉ có khách hàng yêu cầu lấy mẫu kiểm nghiệm độ đạm xem có đạt như công bố còn chưa thấy có ai nói về chất arsen hay còn gọi là thạch tín”, ông Nguyễn Văn Tý, chủ cơ sở nước mắm Hương Miền Trung nói.

Doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống cho rằng Vinastas công bố gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng

Theo ông Tý, một số đơn vị sản xuất nước mắm công nghiệp còn tìm tới cơ sở của ông để “đặt hàng” nước mắm cốt mang về pha chế cho đủ độ đảm như họ công bố vì không đủ thời gian ủ cá.

Cùng chung nhận định trên, chị Nguyễn Thị Huyền, đại diện cho thương hiệu nước mắm Hai Non (Cà Ná) đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn cho biết: “Đã là nước mắm truyền thống thì phải có arsen nhưng ngay sau khi Vinastas đưa ra công bố, nhiều nhà khoa học đã phân tích đó là arsen hữu cơ do cá tạo ra, không ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng”, chị Huyền nói.

Theo chị Huyền, để có được độ đạm từ 32 – 35% khi sản xuất theo kiểu truyền thống thì các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống phải ủ cá tới 3 năm mới có được và cao nhất của độ đạm là 43- 45%. Với các hãng nước mắm công bố có độ đạm tới 60% thì số lượng rất ít vì đã qua xử lý cô đặc mới có được độ đạm cao như thế.

Là một trong những doanh nghiệp bị Vinastas “bêu” tên sản phẩm nước mắm Nhĩ Vàng, ông Đặng Thành Điểm – Giám đốc Công Ty TNHH Sản Xuất Kinh Doanh Nước Mắm Hưng Thịnh bức xúc cho biết: “Tôi không hiểu việc công bố kết quả khảo sát của Vinastas là nhằm mục đích gì? Trong khi, việc công bố thông tin cũng rất “mập mờ”, nước mắm truyền thống của chúng tôi là làm từ con cá ra, cơ quan chức năng cũng có quy định cụ thể, dưới 10% độ đạm gọi là nước chấm, việc “đánh đồng” nước mắm và nước chấm như Vinastas như vậy là đã gây hoang mang cho người tiêu dùng”, ông Điểm bức xúc nói. Ông Điểm cũng cho biết, đã có kiến nghị lên Hiệp hội nước mắm Phú Quốc để có quan điểm bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp hội viên. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần làm rõ thông tin này để tránh gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống.

Trao đổi với Dân Việt, bà Hồ Kim Liên – Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phú Quốc cho biết: Nước mắm Phú Quốc là thương hiệu Quốc gia, đang xuất khẩu đi nhiều nước ở Châu Âu nên công bố thông tin không rõ ràng của Vinastas đã gây ra hiểu lầm cho người tiêu dùng, ảnh hưởng tới sản xuất nước mắm truyền thống của nhiều doanh nghiệp không chỉ ở Phú Quốc mà trên cả nước.

Cũng theo bà Liên, Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị lên UBND tỉnh Kiên Giang cần có ý kiến yêu cầu các cơ quan chức năng sớm làm rõ chất lượng nước mắm hiện nay để công bố cho người tiêu dùng được biết, tránh gây hoang mang.

Đồng thời, Hiệp hội cũng đề xuất UBND tỉnh tổ chức Hội thảo chuyên ngành về nước mắm tại Phú Quốc, có mời đại diện các bộ, ngành của Trung ương và các chuyên gia để đưa ra thông tin công bố rộng rãi cho người tiêu dùng được biết về chất lượng của nước mắm Phú Quốc.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/dung-danh-dong-nuoc-cham-voi-nuoc-mam-716503.html