Đừng coi mình là người ngoài cuộc!

“Tránh lộ ra việc mang theo tài sản; không nghe, cầm ĐTDĐ đắt tiền khi đi, đứng một mình, nhất là đối với nữ giới; hạn chế đi một mình vào ban đêm hoặc rạng sáng bởi những hình ảnh đó dễ rơi vào tầm ngắm của kẻ xấu, kéo theo những mối nguy hiểm về người và tài sản cho bản thân…. Sau khi bị trộm, cướp hãy đến trình báo với CQCA nơi gần nhất… ” là những cảnh báo được CQ CSĐT, CATP Hà Nội nhiều lần phát đi nhưng dường như người dân vẫn chủ quan, thấy mình là người ngoài cuộc nên đã tạo cơ hội cho kẻ xấu ra tay. Kết quả: người dân bị thương tích, mất tài sản, còn cơ quan chức năng thì vất vả truy tìm…

Hai vụ án dùng vật sắc nhọn uy hiếp, gây thương tích cho hai nữ nạn nhân xảy ra vào cuối tháng 9 tại địa bàn huyện Gia Lâm và quận Long Biên do cùng một nhóm đối tượng gây nên là minh chứng cho việc “đi ngược lại cảnh báo” này.

Đi bộ một mình vào buổi tối từ siêu thị Savico (thuộc phường Gia Thụy, quận Long Biên) đến nhà chờ xe buýt trên đường Nguyễn Văn Linh, vừa đi lại quá tập trung vào chiếc điện thoại đắt tiền mà không chú ý quan sát xung quanh là nguyên nhân khiến chị .T.Tr, SN 1995, trú tại KĐT Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, sinh viên trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam trở thành nạn nhân vụ cướp nguy hiểm khi các đối tượng không chỉ lấy tài sản mà còn gây thương tích cho chị Tr.

Tương tự như vậy, đi gửi hàng vào buổi tối bằng xe đắt tiền, đứng nơi ít người qua lại là gầm cầu chui dân sinh gần chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội, bỏ điện thoại iPhone đời mới ra nghe, gọi đã khiến chị Đ.T.H, SN 1996, trú tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội bị nhóm đối tượng xấu chú ý. Khi thời cơ đến, nhóm đối tượng xông đến dùng kéo uy hiếp, cướp ví tiền và chiếc ĐTDĐ iPhone 6S Plus của nạn nhân đồng thời gây thương tích khiến nạn nhân phải đi cấp cứu tại BV.

Cả hai vụ việc này đều do hai đối tượng nghiện ma túy là: Nguyễn Kim Chánh, SN 1987, quê tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và Phạm Văn Hiệp, SN 1987, quê tại xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh gây nên.

Tội phạm cướp giật sẽ không dám manh động khi cộng đồng luôn sẵn sàng tinh thần tự vệ. Ảnh minh họa (afamily.vn)

Trong vụ việc mà chị H là nạn nhân, do gia đình tập trung vào khâu cứu chữa, cấp cứu cho chị H mà không trình báo CQCA ngay sau khi vụ việc xảy ra nên đã gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc truy xét, làm rõ thủ phạm.

Có không ít vụ cướp, cướp giật tài sản khác xảy ra trên phố, ngay ban ngày bởi sự chủ quan của nạn nhân như: vừa đi xe máy vừa nghe điện thoại, đeo túi bên người hoặc treo túi trên thân xe; để điện thoại ở túi quần nhưng bị thò ra ngoài; thậm chí có mẹ chiều con đến mức con ngồi sau xe máy nhưng cho con cầm điện thoại smartphone để xem hoạt hình…

Những hình ảnh, hành động đó của người dân; đặc biệt là của chị em đã trực tiếp gây nguy hiểm cho chính mình, tạo cơ hội để những kẻ gian chỉ việc ra tay chứ không mất thời gian tìm kiếm. Có người nại lý do rằng: “Nói vậy chẳng thà chúng tôi chỉ ở nhà, không ra đường họa mới tránh được cướp!”. Lời nói đó là hoàn toàn chống chế bởi lẽ những việc vừa nêu hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh được bằng cách không sử dụng điện thoại khi đang lưu thông; không treo túi trên xe; hạn chế đi một mình. Nếu có việc đột xuất cần ra ngoài, nên rủ ai đó cùng đi; nếu cần sử dụng điện thoại, hãy chú ý quan sát xung quanh thay vì việc chỉ quá chú tâm vào một việc… Nếu mỗi người có ý thức chủ động, tự giác, coi việc phòng chống tội phạm cướp giật, trộm cắp là việc của bản thân mình thì những vụ án tương tự như vậy sẽ giảm đáng kể, đem lại lợi ích cho chính cuộc sống bình yên của nhân dân.

Linh Anh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/phap-luat/dung-coi-minh-la-nguoi-ngoai-cuoc-119512