Đừng chủ quan khi đau lưng và đi tiểu nhiều lần: Dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm

Khi gặp những hiện tượng như đau lưng và đi tiểu nhiều lần, bạn không nên chủ quan, cần đi khám ngay vì đó là dấu hiệu cảnh báo những căn bệnh nguy hiểm.

Chào bác sĩ, năm nay em mới 26 tuổi, sức khỏe bình thường không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, trong khoảng 3 tuần trở lại đây, em đột nhiên cảm thấy đau nhức mỏi vùng lưng, mọi khi cũng thỉnh thoảng bị đau lưng nhưng không nghiêm trọng nên em không đi khám. Gần đây các cơn đau lưng kèm theo tình trạng đi tiểu nhiều, em nghe nói đây có thể là dấu hiệu của bệnh thận. Tuy nhiên không biết có chính xác không. Xin bác sĩ giải thích cho em biết thêm về hiện tượng đau lưng và đi tiểu nhiều là biển hiện của bệnh gì? Có nguy hiểm không? Em cảm ơn và mong câu trả lời của bác sĩ. (Thanh Như – Xuân Thủy, Cầu Giấy, HN).

Trả lời:

Chào bạn Thanh Như! Cảm ơn bạn vì đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến chuyên mục tư vấn sức khỏe chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Hiện tượng đau lưng và đi tiểu nhiều

1. Đau lưng: Đau lưng có thể là hiện tượng sinh lý, xuất hiện sau một ngày làm việc mệt nhọc hoặc gò bó, đơn điệu về tư thế (ngồi một chỗ, ít hoạt động...) với cảm giác ê ẩm ở lưng và toàn thân. Tuy nhiên, nó cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh đáng lo ngại.

- Khi bệnh nhân đau ê ẩm, đau lan xuống chân thì là do đau thần kinh tọa hoặc đau cột sống.

- Nếu đau vùng lưng sát gần xương chậu, đau nhói khi đứng dậy hay khiêng vác đồ nặng, cơn đau nhiều khi lan xuống mông hoặc chân bên thì đó cũng là biểu hiện của bệnh thần kinh tọa.

- Nếu có vấn đề ở rễ thần kinh, cơn đau lưng thường tăng lên sau khi đi xe đạp hoặc xe máy trên một đoạn đường dài và xóc. Còn nếu đau vùng hông lưng, sát gần xương sườn, đôi khi kèm theo sốt, nghĩa là thận có vấn đề. Nên nghĩ đến chứng sỏi thận, sỏi niệu quản nếu có cơn đau dữ dội từ sau lưng chạy xuống cơ quan sinh dục.

Để hiểu rõ nguyên nhân của đau lưng, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra, khám nghiệm thận và cột sống. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉđịnh thêm một số xét nghiệm khác như siêu âm, chụp X-quang, thử nước tiểu...

2. Đi tiểu nhiều: Tình trạng tiểu nhiều có thể do các bệnh về đường tiết niệu như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, ung thư bàng quang, hẹp niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt, sỏi thận…

- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Tình trạng viêm nhiễm trên đường tiết niệu gây nên kích thích bàng quang và niệu đạo để làm rỗng bàng quang dẫn đến thường xuyên buồn tiểu, đi tiểu nhiều lần hơn bình thường. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có thể kèm theo triệu chứng như đi tiểu buốt, tiểu ra máu...

- Viêm bàng quang kẽ: Viêm bàng quang kẽ thường không rõ nguyên nhân. Bệnh thường có các triệu chứng điển hình như đi tiểu nhiều lần trong một ngày, đau vùng bụng dưới hoặc hố chậu, tiểu cấp.

- Hẹp niệu đạo: Hẹp niệu đạo có thể là do phì đại tuyến tiền liệt (u xơ tuyến tiền liệt lành tính), các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tổn thương niệu đạo hoặc khung xương chậu, viêm niệu đạo mãn tính. Ngoài đi tiểu nhiều lần trong ngày, bệnh nhân có thể có các triệu chứng khác đi kèm như: đi tiểu đau buốt, có máu trong nước tiểu, tinh dịch, dương vật sưng to.

- Hội chứng bàng quang kích thích: Bàng quang co thắt không kiểm soát gây nên tình trạng tiểu gấp, đi tiểu nhiều lần ngay cả khi bàng quang chỉ chứa rất ít nước tiểu. Triệu chứng kèm theo là tiểu không kiểm soát (tiểu không tự chủ).

- Ung thư bàng quang: Khối u phát triển, xâm lấn, chèn ép bàng quang dẫn tới hiện tượng đi tiểu nhiều lần, chảy máu bàng quang...

- Sỏi, dị vật đường tiết niệu: Sỏi hay dị vật di chuyển cọ xát, kích thích vào cổ bàng quang gây tình trạng đi tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu không hết,... sỏi cũng có thể gây tắc đường tiểu. Có thể kèm theo các triệu chứng như: đi tiểu đau, lượng nước tiểu giảm, đau vùng thận, có thể tiểu ra máu...

- Suy tuyến thượng thận:

Khi gặp phải tình trạng đi tiểu thường xuyên kèm theo các dấu hiệu khác như: tiểu ra máu, đi tiểu cảm giác đau nhức, buốt, đau bụng, đau vùng lưng dưới, đau hông… rất có thể khả năng cao là thận của bạn đang có vấn đề, có thể bị sỏi thận, thận hư… Tuy nhiên không có gì là chắc chắn, vì vậy để xác định chính xác nguyên nhân và tình trạng bệnh để có thể đưa ra biện pháp điều trị bệnh được hiệu quả nhất bạn vẫn nên đến bệnh viện, tìm tới khoa thận tiết niệu để được khám xét một cách chính xác .

- Biện pháp phòng chống

Hạn chế thức uống có cồn vì nó làm tăng lượng nước tiểu như vậy sẽ đồng nghĩa với việc bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn.

Giảm caffein: Caffein được biết đến như một chất lợi tiểu. Hạn chế lượng caffein sẽ giúp bạn cải thiện vấn đề tiểu nhiều lần không kiểm soát.

Nên hạn chế các thực phẩm có tính axit ví dụ như cam, chanh, cà phê, cà chua vì chúng có thể gây kích ứng bàng quang dẫn tới đi tiểu nhiều hơn. Do đó nên hạn chế dùng các thực phẩm này để giảm thiểu tình trạng hiện tại.

Hạn chế đồ uống có gas: Những đồ uống có ga cũng rất dễ kích thích bàng quang, nếu mắc chứng đi tiểu nhiều cũng cần hạn chế uống các loại nước này.

Các gia vị nóng và chất ngọt không nên sử dụng vì chúng ảnh hưởng không tốt đến bàng quang nếu ăn nhiều.

Bác sĩ.Thanh Vân

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/suc-khoe/dung-chu-quan-khi-dau-lung-va-di-tieu-nhieu-lan-dau-hieu-canh-bao-benh-nguy-hiem-88937/