Đừng chỉ 'tròn vai'

Cuối tháng 10 vừa qua, việc Bộ NN&PTNT đồng ý để DN đưa hàng thủy sản đông lạnh NK làm nguyên liệu sản xuất XK về kho bảo quản của DN trong thời gian chờ kết quả kiểm dịch thú y đã làm không ít DN trút được gánh nặng. Tuy nhiên, đây chẳng phải sự tiên phong mới mẻ gì.

Chuyện là, để tăng cường hoạt động quản lý NK và tạm nhập, tái xuất sản phẩm động vật đông lạnh, đầu tháng 7-2010, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn 1152/TTg-KTTH chỉ đạo tăng cường quản lý sản phẩm đông lạnh NK, trong đó giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành áp dụng chế độ kiểm dịch thú y và an toàn vệ sinh thực phẩm đối với động vật và sản phẩm động vật đông lạnh NK trước khi thông quan hàng hóa, không áp dụng chế độ thông quan trước kiểm tra sau.

Việc thực hiện công văn 1152 đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên lại nảy sinh một số khó khăn. Cụ thể, Việt Nam chưa có hệ thống kho lạnh tại các khu vực cảng, cửa khẩu dẫn tới khâu bảo quản hàng hóa gặp nhiều khó khăn, gây tốn kém cho DN. Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng tại các cảng, cửa khẩu chưa đảm bảo, gây nguy cơ hư hỏng hàng hóa khi bảo quản.

Xuất phát từ các vấn đề trên, tại cuộc họp ngày 24-8-2012 với Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã kiến nghị cho phép các DN NK sản phẩm thủy sản đông lạnh được đưa hàng về kho của DN để làm thủ tục kiểm dịch. Xem xét kiến nghị của VASEP, ngày 14-11-2012, Bộ NN&PTNT gửi công văn số 3928/BNN-TY tới Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài chính cho phép các DN đưa hàng sản phẩm thủy sản đông lạnh NK về kho bảo quản của DN để thực hiện việc kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định. Sau công văn này, hàng hóa thủy sản NK đã được đem về kho bảo quản đúng như nguyện vọng của DN.

Yên ả thực hiện suốt mấy năm qua, tuy nhiên, kể từ ngày 15-8-2016 khi Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản có hiệu lực, các lô hàng của một số DN lại phải áp dụng việc kiểm dịch tại cửa khẩu nhập hàng, khi có kết quả mới được phép đưa hàng về kho. Khó khăn cũ tái diễn, DN kêu ca, VASEP lại kiến nghị và “kịch bản” dường như có phần lặp lại khi sau quá trình xem xét, Bộ NN&PTNT một lần nữa điều chỉnh quy định cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Trong câu chuyện này, việc cơ quan quản lý Nhà nước kịp thời gỡ khó cho DN là điều rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cùng một vấn đề, cùng đơn vị quản lý mà để tái đi tái lại, lần nào cũng đặt DN vào thế chật vật rõ ràng là điều không nên, thậm chí tối kỵ. Đã tới lúc, cơ quan quản lý Nhà nước phải có cái nhìn rộng dài, xuyên suốt hơn, thực sự trở thành người đồng hành, sát sao hỗ trợ DN, chứ không chỉ cố gắng để “tròn vai”.

Uyển Như

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dung-chi-tron-vai.aspx