Đừng chỉ để… cho vui!

Lần đầu tham dự Đại hội thể thao mùa Đông châu Á, xét về mặt chuyên môn, đó là bước hội nhập sâu hơn, toàn diện hơn của Thể thao Việt Nam với phong trào Olympic quốc tế. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, thì rõ ràng là… không ổn!

Các VĐV Việt Nam tham dự đại hội mùa Đông châu Á.

Bước đi mới...

Là quốc gia ở vùng nhiệt đới, chuyện Thể thao Việt Nam không tham dự sân chơi thể thao mùa Đông âu cũng là lẽ thường tình. Cũng cần phải nói thêm là ngoài yếu tố tự nhiên, thì với một nền thể thao đang từng bước hội nhập với phong trào thể thao Olympic quốc tế, thì việc đầu tư nguồn lực vốn còn hạn hẹp cho những môn thể thao mùa Đông vốn quá xa lạ là điều không cần thiết.

Tuy nhiên, thể thao không đơn thuần chỉ là "những cuộc thi đấu, những tấm huy chương", việc hội nhập sâu hơn, toàn diện hơn với các sân chơi quốc tế không chỉ nâng cao uy tín mà còn mở ra những cơ hội phát triển mới cho từng nền thể thao. Điều này đã lý giải tại sao ngày càng nhiều quốc gia "không băng, tuyết" có mặt tại các kỳ đại hội thể thao mùa Đông.

Và ngay Đại hội thể thao mùa Đông châu Á 2017 khởi tranh vào ngày 19/2 tới tại Sapporo (Nhật Bản) cũng chẳng là ngoại lệ. Cùng Việt Nam, lần đầu Campuchia, Sri Lanka và Timor Leste cũng có mặt. Đây đều là những quốc gia có nền khí hậu nhiệt đới, thậm chí trình độ chuyên môn còn có khoảng cách lớn so với chính Thể thao Việt Nam. Đó là chưa kể chỉ tính riêng ở khu vực Đông Nam Á thôi, những Thái Lan, Malaysia, Singapore... vốn là "khách quen" của sân chơi này.

Lần đầu tham dự Đại hội thể thao mùa Đông châu Á, đoàn Việt Nam gồm 6 VĐV tranh tài ở 3 môn là: Trượt tuyết núi cao (Alpine skiing); Trượt tuyết băng đồng (Cross-country skiing) và Trượt ván trên tuyết (snowboarding). Tất nhiên, là lần đầu nên mục tiêu của các tuyển thủ Việt Nam chỉ dừng ở mức cọ sát, học hỏi và phấn đấu có được thành tích tốt để có được xem xét tham dự Olympic mùa Đông.

...Nhưng đừng để cho vui

Không có băng, chẳng có tuyết và để chuẩn bị tranh tài ở Á vận hội mùa Đông lần đầu, khá thú vị là 6 VĐV của Việt Nam phải chọn cách tập luyện.... trên cát! Cụ thể, đồi cát Mũi Né (Bình Thuận) được chọn là nơi tập luyện, dù về chuyên môn chính những nhà chuyên môn cũng phải thừa nhận có sự khác biệt rất lớn. Nhiệt độ cao, cát lại không có độ trơn như tuyết, chưa kể thiếu thốn về trang thiết bị tập luyện. Ngay cả 6 gương mặt đại diện mang tính lịch sử của Thể thao Việt Nam này được tuyển chọn cũng từ các môn thể thao có sự tương đồng mang tính tương đối về mặt kỹ thuật như: Trượt patin, lướt sóng, trượt ván… và đều đã có những thành tích cao tại đấu trường trong nước và quốc tế.

Việc kỳ vọng vào thành tích là chuyện "không tưởng", nhưng vấn đề đặt ra từ lần tham dự này rõ ràng không thể chỉ dừng ở những cụm từ đã quá quen thuộc như: "hội nhập", "cọ sát", "làm quen"... một con đường mới đã mở ra và nó đòi hỏi những bước đi phù hợp không chi với sự phát triển của riêng thể thao mà còn toàn xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Thực tế là dù không có băng, tuyết... nhưng tại các đô thị lớn hiện tại, các sân băng và trượt băng không còn là điều xa lạ, đặc biệt là với giới trẻ. Nếu vượt qua được cái gọi là thú chơi "thời thượng", đây hoàn toàn có thể trở thành nguồn cung cấp tài năng thể thao mùa Đông. Đặc biệt, việc góp mặt ở sân chơi này, còn mở ra cơ hội tận dụng nguồn lực từ các VĐV Việt kiều cho Thể thao Việt Nam. Cũng cần phải nhắc lại rằng, trước đây, ngành thể thao từng mời Nam Nguyễn - tài năng trượt băng nghệ thuật, từng vô địch giải trẻ Canada, xếp hạng 12 giải trẻ thế giới năm 2013 về thi đấu nhằm để tham dự Olympic mùa Đông tổ chức tại Sochi (Nga) năm 2014, tiếc là bất thành khi cậu bé này chọn màu áo Canada.

Tóm lại, cách đi thì có nhiều cách, vấn đề là chúng ta có bước đi hay không mà thôi. Còn nếu chỉ là tham dự... cho vui thì quả là đáng tiếc!

Đại hội diễn ra từ ngày 19 đến 26/2/2017, với 64 nội dung thi đấu, gồm 11 phân môn của 5 môn thể thao cùng sự tham gia của 30 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu lục. Hai đoàn Australia và New Zealand thi đấu với tư cách khách mời các nội dung đơn và không được nhận huy chương.

Các cuộc thi đấu tổ chức tại 12 địa điểm ở 2 thành phố Sapporo và Obihiro, với tổng chi phí khoảng 3,5 tỷ yên. Khẩu hiệu của Á vận hội mùa Đông 2017 là ‘Hãy vượt lên tham vọng của bạn’ (Byeon Your Ambition) . Logo của được thiết kế là hình ảnh của đảo Hokkaido - cực Bắc của 4 hòn đảo chính của Nhật Bản, trong đó có các yếu tố liên quan đến ngôi sao phương Bắc tỏa sáng trên bầu trời đêm…Linh vật (mascot) là chú sóc bay mang tên Ezomon, loài sóc chỉ được tìm thấy ở Hokkaido

Hoàng Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dung-chi-de%e2%80%a6-cho-vui.aspx