“Đừng chấp nhận sống chung với lũ”

Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), cho rằng người dân Việt Nam đang phải chịu đựng tham nhũng như “sống chung với lũ”. “Nếu sống 1-2 ngày thì còn được, chứ nhiều ngày thì đến lúc lũ sẽ cuốn người ta đi”.

Bà Đỗ Thanh Huyền.

Cuộc trò chuyện với chuyên gia phân tích chính sách công của UNDP này diễn ra sau phần trình bày gây chú ý của bà tại cuộc họp của lãnh đạo UBND TPHCM với các sở, ban ngành nhằm tìm giải pháp cải thiện chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) tuần trước.

Tại đây, bà Huyền dẫn số liệu khảo sát cho biết, nếu như trong năm 2011, có 12,5% người bị vòi vĩnh tố giác hành vi đòi hối lộ của cán bộ chính quyền, thì tỷ lệ này trong năm 2015 giảm xuống chỉ còn 2,3%. Đặc biệt, tại Hà Nội, năm 2015, tỷ lệ người tố cáo tham nhũng là 0%.

Từ những dữ kiện đó, bà Huyền cho rằng: “Mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân đang có xu hướng tăng lên”. TBKTSG trao đổi thêm về vấn đề này:

TBKTSG: Thưa bà, “chịu đựng” nghĩa là không làm gì cả mà để người khác lợi dụng hoặc gây tổn thương. Dùng từ này để nói về phản ứng của người dân với tham nhũng, thấy có gì đó rất... “bất lực”?

- Bà ĐỖ THANH HUYỀN: Khi con người bị đẩy đến một mức độ nào đó thì họ sẽ chấp nhận và cam chịu. Trong khảo sát PAPI, người dân được đặt trong bối cảnh họ phải đến các cơ quan công quyền để làm thủ tục hành chính. Nhiều người trong số đó bị vòi vĩnh, gây nhũng nhiễu.

Một khi tham nhũng vặt xảy ra liên tục thì con người rất dễ rơi vào trạng thái trầm uất, làm cho người nghèo ngày càng bị cách ly khỏi nhịp điệu phát triển của xã hội, và gia tăng cảm giác bất công, tác động rất xấu đến niềm tin của người dân vào những người đại diện công quyền.

(Trích báo cáo về tham nhũng của UNDP)

Theo Bộ luật Hình sự và các luật liên quan, người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn mà nhận tiền hoặc lợi ích vật chất từ 2 triệu đồng là có thể bị cáo buộc nhận hối lộ. Nhưng theo khảo sát PAPI, từ năm 2011 đến nay, số tiền trung bình mà người dân thừa nhận phải “chung chi” khi làm thủ tục hành chính đã ở trên mức này nhiều rồi.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi bị vòi vĩnh ở mức độ bao nhiêu tiền thì ông bà sẽ tố cáo (con số được đặt từ 0 đến trên 100 triệu đồng), mức này ở TPHCM trong năm 2011 trung bình là 5,8 triệu đồng, và đến năm 2015, đã lên tới 34,8 triệu đồng.

TBKTSG: Bà có thể lý giải vì sao người dân lại cam chịu như vậy? Động lực và quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng của họ sao lại liên tục giảm?

- Thực tế là trong vòng năm năm, từ 2011-2015, tỷ lệ người tố giác hành vi đòi hối lộ của cán bộ chính quyền đã giảm hơn 5 lần (từ 12,5% còn 2,3%).

Bộ máy công quyền không coi mình là người cung cấp dịch vụ còn dân là đối tượng trả thuế để nuôi bộ máy nhà nước. Họ không nên thực hiện công vụ theo kiểu ban ơn, hoặc nhũng nhiễu, gây khó dễ để vòi vĩnh.

Tâm lý người dân ai cũng muốn được việc. Có thể họ nghĩ tố cáo vừa mất thời gian, lại mang lại rắc rối cho bản thân. Do đó, để đỡ phải đi lại nhiều, ảnh hưởng đến các công việc khác, người dân rỉ tai nhau “chung chi” cho xong việc.

Ở đây có hai chiều. Một là bên cung ứng dịch vụ, có thái độ không phù hợp, vòi vĩnh. Bên kia là người dân thấy có nhũng nhiễu, nhưng vẫn chấp nhận chi tiền để được việc.

Hơn nữa, nhiều trường hợp tố cáo tham nhũng đã không được bảo vệ, bởi người tố cáo thường có địa vị “yếu thế” hơn. Có lẽ người dân mất lòng tin và cảm thấy việc tố cáo là không hiệu quả.

TBKTSG: Vậy là những nghiên cứu của UNDP cho thấy tham nhũng đã trở thành bình thường trong quan niệm của cả người dân, lẫn các nhân viên công quyền?

Cần cải cách thể chế để tạo môi trường minh bạch khiến cho tham nhũng khó có đất sống.

- Đúng vậy và như thế rất tai hại bởi vì cả hai bên đều không nhận thức được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, vô hình trung tạo thành một tập quán lâu dài.

Tham nhũng là thứ gì đó khó mất đi, nhưng có thể kiểm soát nó tốt hơn. Để làm được điều đó thì phải có vai trò của cả hai phía, người dân và Nhà nước.

TBKTSG: Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc nghiên cứu trong vấn đề này, theo bà, tham nhũng là do bản chất con người hay do thể chế tạo điều kiện cho nó? Có câu chuyện ví von là: “Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh”, nghĩa là người ta sẵn sàng làm điều xấu để đạt được mục đích?

- Do cả hai yếu tố. Không thể phủ nhận trong hệ thống công vẫn có nhiều cán bộ tử tế, liêm chính liêm khiết, họ làm việc vì cái tâm và trách nhiệm. Nhưng ngược lại cũng nhiều cán bộ, công chức luôn muốn tìm kiếm lợi ích cá nhân từ vị trí của mình.

Tham, sân, si là câu chuyện của con người. Nhưng làm sao hạn chế được phần tham trong con người cũng một phần nhờ ở thể chế.

Khi thể chế hướng tới sự rõ ràng, công khai, minh bạch, dân chủ, nơi người dân có công cụ để giám sát hoạt động của khu vực công, dám tố giác những hành vi xấu, thì tham, sân, si không có điều kiện để phát triển.

Có quan chức cấp cao từng nói: “30% công chức ở Việt Nam sáng cắp ô đi tối cắp về”. Vậy mà họ vẫn hưởng lương từ ngân sách, không bị đẩy ra khỏi hệ thống. Đó là vấn đề thể chế.

TBKTSG: Vậy chống tham nhũng từ gốc là từ đâu?

- Là từ cả hệ thống và con người. Tôi cho rằng, con người như là dòng máu trong hệ thống nhà nước. Dòng máu khỏe thì cơ thể nhà nước sẽ khỏe và ngược lại. Nhưng bên cạnh đó, còn là việc đường ống có thông suốt hay không. Đường ống chính là hệ thống, là thể chế. Nếu có chỗ tắc nghẽn cũng gây cản trở phát triển. Vì vậy phải sửa cả hai thứ.

TBKTSG: Các quan chức cấp cao ngày càng có nhiều phát biểu thể hiện quyết tâm mạnh mẽ chống tham nhũng nhưng theo khảo sát của PAPI, tình trạng vòi vĩnh trong khu vực công lại ngày càng phổ biến hơn. Bà bình luận gì về thực tế này?

- Việc tuyên chiến với tham nhũng luôn có ở lãnh đạo cấp cao, nhưng làm sao nó đi vào cuộc sống là chuyện khác.

Khảo sát PAPI chưa lý giải được vấn đề này, bởi nó cần những nghiên cứu định tính. Nhưng đối với các nghiên cứu định lượng như PAPI, những công cụ này đo lường cảm nhận và trải nghiệm của người dân.
Có thể là niềm tin của người dân vào quyết tâm của Chính phủ đang bị mai một vì người ta không nhìn thấy thực chất vấn đề được giải quyết, họ thấy những bất cập vẫn tồn tại hàng ngày.

Sau khi báo cáo PAPI 2015 nêu những vấn đề tiêu cực trong lĩnh vực cấp sổ đỏ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập tức có phản ứng tích cực, thiết lập đường dây nóng và đề ra những giải pháp chống tiêu cực. Tuy nhiên giữa mong muốn và ý chí chính trị với thực tiễn thì cần phải có thời gian minh chứng.
Thời gian qua, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã có nhiều thông điệp mạnh mẽ và người dân có thể sẽ có những cảm nhận tích cực. Nhưng nếu những quyết tâm đó không chuyển hóa thành hành động cụ thể thì người dân sẽ trải nghiệm được ngay khi họ tiếp xúc hàng ngày với bộ máy công quyền.

TBKTSG: Có quan điểm nếu “mức độ chịu đựng tham nhũng” của người dân Việt Nam cứ tăng mãi đến lúc họ có thể sống chung với tham nhũng thì cần gì phải chống nữa? Bà nghĩ sao về quan điểm này?

- Người dân phàn nàn rất nhiều về tình trạng tham nhũng, mong muốn chống tham nhũng, nhưng lại tự mình chấp nhận thỏa hiệp. Nên nhớ, người dân cũng là một phần của vấn đề. Nếu anh chẳng có giải pháp gì cả, chỉ ngồi đó kêu ca, không nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình để giúp tạo ra một bộ máy trong sạch hơn, liêm chính hơn thì làm sao xã hội phát triển? Anh chỉ có thể chấp nhận sống chung với lũ 1, 2 ngày thôi. Đến ngày thứ 3, 4 là lũ sẽ cuốn anh đi.

TBKTSG: Bà đưa ra các khuyến nghị hoặc giải pháp nào cho vấn đề chống tham nhũng?

- Theo tôi, cần thay đổi tư duy nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức rằng người dân và doanh nghiệp đóng thuế để nuôi bộ máy và trả lương. Nhưng đồng thời cũng cần phải đổi mới cơ cấu tiền lương, tăng lương cho đội ngũ thực hiện công vụ để họ không phải bận tâm quá nhiều đến nỗi lo cơm, áo, gạo tiền hàng ngày. Có vậy mới phục vụ nhân dân và xã hội tốt hơn được.

Tiếp đó cũng cần tăng cường nhận thức của người dân về quyền và trách nhiệm của mình để không phải “sống chung với lũ”.

Dài hạn hơn nữa là cần cải cách thể chế để tạo môi trường dân chủ, minh bạch khiến cho tham nhũng khó có đất sống.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/150181/dung-chap-nhan-song-chung-voi-lu.html/